Sản lượng than khai thác được không ngừng tăng lên. Để đạt được kết quả như vậy, toàn Ngành đã phấn đấu nỗ lực trong mọi mặt công tác, nâng cao sản lượng khai thác than,, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Từ lúc sản lượng than sạch đạt 11 triệu tấn (2000), đến năm 2004, than sạch đã đạt 18 triệu tấn. Về lực lượng lao động, số cán bộ công nhân đến thời điểm hiện nay xấp xỉ 82.000 người. Điều kiện lao động cũng như đời sống của cán bộ, công nhân viên ngành Than cũng đã được cải thiện một bước.
Cùng với việc phát triển sản xuất, Tổng Công ty Than Việt Nam đã chú trọng và có nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường công tác an toàn trong sản xuất. Tình trạng khai thác than không có thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, không có quy trình và nội quy an toàn đã được khắc phục. TCTy tích cực nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác hiện đại hơn, áp dụng vì chống sắt, vì chống thuỷ lực thay vì chống gỗ, đưa máy khai thác vào các khu vực khả dụng, cải tiến điều kiện vận tải và bốc xúc, loại bỏ hoàn toàn vận tải bằng đội thúng trong hầm lò. Đến nay đã có trên 50 lò được chống bằng cột thuỷ lực và 1 khu vực được áp dụng khấu than bằng máy khấu than liên hợp. Kế hoạch 2005 sẽ có 80/90 lò được chống bằng vì chống thủy lực thay gỗ.
Tại Tổng công ty, các Công ty và các đơn vị thành viên đều có Hội đồng bảo hộ lao động, có phòng, ban an toàn và bảo hộ lao động, có mạng lưới an toàn - vệ sinh viên với khoản phụ cấp thích đáng. Việc phân cấp quản lý về công tác an toàn, bảo hộ lao động từ TCTy đến các đơn vị được cụ thể, chi tiết. Giữa chuyên môn và các tổ chức đoàn thể (công đoàn, thanh niên, nữ công) phối hợp hoạt động chặt chẽ trong các phong trào thi đua đảm bảo an toàn sản xuất. Hàng năm, TCTy đều tổ chức huấn luyện cho các cán bộ làm công tác an toàn và các công nhân sản xuất trực tiếp. Từ năm 2003, Tổng Công ty Than Việt Nam đã bố trí những cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực làm công tác an toàn và chỉ đề bạt Phó Giám đốc kỹ thuật khi đã qua chức Trưởng phòng an toàn của mỏ.
Do đặc thù của ngành Than nên hàng năm, Thanh tra an toàn Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh và Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp – Bộ Công nghiệp tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra mỏ. Tổng Công ty Than Việt Nam đã thường xuyên hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra theo nhiều hình thức khác nhau. Các cố gắng trên cho nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình tao nạn lao động vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hàng năm, số người chết vì tai nạn lao động vẫn là con số đáng phải suy nghĩ (xem bảng).
Trong đó, năm 2002 số người chết do tai nạn lao động là nhiều nhất (36 người), trong đó có hai vụ nổ khí CH4 tại lò +150 vỉa 14 của XN 909 và lò +62 của XN Suối Lại làm chết 13 người. Năm 2003 đã xảy ra 16 vụ TNLĐ chết người làm 17 người chết, so với năm 2002 giảm 5 vụ và 19 người. Đầu năm 2004, sập đổ lò tại khu vực thượng khấu than số 1 từ mức +282 – 310, Vỉa trụ 8 khu dốc Tây VD- PX.KT4 làm chết 4 người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Song có thể nói, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tai nạn lao động là chủ yếu. Các nguyên nhân này đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành ở trung ương, địa phương và Tổng Công ty Than Việt Nam nhận thấy và tổ chức khắc phục. Một số nguyên nhân chính về phía chủ quan có thể là:
1. Nhiều vụ TNLĐ, đặc biệt là số vụ TNLĐ nghiêm trọng thường xảy ra ở những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, do đầu tư chưa đồng bộ, điều kiện kỹ thuật khai thác và thiết bị chưa đảm bảo kỹ thuật an toàn: Chế độ đo kiểm tra khí nổ, thông gió hầm lò, trang bị PCCN chưa tuân thủ đúng quy định (lò +150 vỉa 14 của XN 909, Lò +62 của XN Suối lại ).
2. Cán bộ quản lý ( chủ yếu cán bộ chỉ huy SX ở công trường, phân xưởng) và người lao động vi phạm các quy định về KTAT trong SX, quy phạm ATLĐ, chức trách nhiệm vụ như :
- Không thực hiện đúng quy định về đào chống lò, phá hoả, quy phạm khai thác than, thu hồi cột chống sai quy định
- Không chấp hành nghiêm mệnh lệnh của người chỉ huy sản xuất (XN 909, đoàn kiểm tra của Công ty ĐC & KTKS đã đình chỉ sản xuất nhưng vẫn làm )
- Cán bộ chỉ huy trực tiếp của các đơn vị không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm trong phân công bố trí lao động, kiểm tra kỹ thuật trong ca, khi phát hiện ra các yếu tố kỹ thuật không an toàn không báo cáo Giám đốc xí nghiệp, thiếu biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động
- Không chấp hành nghiêm túc chế độ đo, kiểm tra nồng độ khí mỏ, bố trí người lao động vào làm việc trong điều kiện mỏ không được kiểm soát khí cháy nổ.
3. Người sử dụng lao động buông lỏng quản lý tổ chức sản xuất, quản lý lao động, vi phạm pháp luật bố trí lao động không được đào tạo, đào tạo chưa đủ trình độ mà vẫn làm công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật và yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, còn sử dụng lao động mà không ký hợp đồng (trong số người bị tử nạn năm 2002 có tới 10 người vào khai thác than không có hợp đồng, không được đào tạo an toàn).
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan sự tiến bộ nhiều mặt của ngành than nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực an toàn. Đó là các biện pháp đồng bộ từ hệ thống tổ chức quản lý, huấn luyện đào tạo, đầu tư chiều sâu về công nghệ kỹ thuật ngày càng đảm bảo điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, ngay từ đầu năm 2004, TCTy Than Việt Nam đã phát động một phong trào thi đua sôi nổi, phấn khởi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2004 với mục tiêu “An toàn -Tăng trưởng- Hiệu quả”, đề ra nhiều biện pháp tăng cường công tác an toàn, đẩy mạnh khâu kiểm tra, tự kiểm tra nhằm giảm thiểu tai nạn lao động trong khai thác than, phấn đấu giảm số vụ tai nạn lao động nặng và nghiêm trọng ít nhất 20% so với năm 2003, giảm tối đa các vụ sự cố loại I, loại II. Cải thiện điều kiện lao động, vệ sinh môi trường và nâng cao ý thức trách nhiệm của CNVC-LĐ trong việc chấp hành các quy trình quy phạm kỹ thuật, quy định về an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ. Với khí thế mới này, chúng ta hy vọng TCTy Than Việt Nam thực hiện tốt mọi mục tiêu đề ra.