Nhiều khó khăn, tồn tại
Theo thông tin “chốt sổ” mà Bộ Công Thương công bố ngày 7/1, năm 2020 Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động XNK với tổng kim ngạch XNK năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Cụ thể, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, con số vẫn khoảng 543,9 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ 2016 - 2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước”. Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Đặt lên bàn cân so sánh dễ thấy, mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).
Kết quả XNK, đặc biệt là xuất siêu đầy ấn tượng, song Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra không ít tồn tại, khó khăn. Điển hình như, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước NK cắt giảm thuế NK cho hàng hóa XK (thông qua các Hiệp định FTA). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Điều này khiến nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép NK vào một số thị trường.
Một trong những hạn chế nổi cộm không thể không kể đến là XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị XK của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị XK cả nước. Do sản xuất và XK của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, XK của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh.
Duy trì nhịp độ xuất siêu
Năm 2021, bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu.
Điển hình như, xu hướng dịch chuyển các nhà máy công nghiệp FDI từ các trung tâm sản xuất lớn của toàn cầu (chẳng hạn như Trung Quốc) sang các quốc gia Đông Nam Á hoặc chuyển trở về sản xuất trong nước (một số tập đoàn đa quốc gia của các nước lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU) đã làm thay đổi cấu trúc và cơ cấu nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bộ Công Thương đánh giá điều này đòi hỏi các quốc gia như Việt Nam phải điều chỉnh lại các chính sách công nghiệp, chính sách thương mại, chính sách đầu tư… một cách nhanh chóng và chủ động hơn để phù hợp với xu hướng mới, đồng thời phải xây dựng các chính sách để hỗ trợ các DN nội địa trong việc cạnh tranh trực tiếp với các DN FDI và khả năng tận dụng chính các DN FDI để đẩy mạnh năng lực nội tại của nền kinh tế.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh, dưới tác động của xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã làm thay đổi cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước, nhất là Hoa Kỳ và phương tây tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ mậu dịch…
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% so với năm 2020; tổng kim ngạch XK tăng khoảng 4-5% so với năm 2020; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu...
Giải pháp mấu chốt được triển khai nhằm thúc đẩy XNK năm 2021 điển hình là ưu tiên các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch; củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước NK, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán,...
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung bày tỏ quan điểm, năm 2021 để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA cần lưu ý nhiều hơn tới các điều khoản liên quan đến lao động cũng như tính cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. “Đáng chú ý, cần phải tiếp tục nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế, chuẩn bị tình huống diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đầu vào cho các ngành sản xuất và đầu ra cho XK hàng hóa. Phải làm sao phát huy tốt hơn nữa hệ thống tham tán thương mại để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Xoáy sâu vào góc độ tận dụng cơ hội từ các FTA, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc (VCCI) cho rằng, thời gian tới quá trình hội nhập, thực thi các FTA phải quyết liệt hiệu quả hơn, không phải là “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu voi đuôi khủng long”. Bộ Công Thương phải làm tốt vai trò điều phối. Cộng đồng DN rất mong muốn Bộ Công Thương thể hiện vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Số mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch XK; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch XK