Đắk Lắk định hướng ưu tiên đầu tư và phát triển công nghiệp đối với ngành kinh tế mũi nhọn là trồng và khai thác các loại nông sản, cây công nghiệp; chế biến và xuất khẩu nông sản như mì, bắp… sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao… Các ngành kinh tế như điện lực, xây dựng và ngành nghề khác như: y tế, giáo dục… góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế của tỉnh.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng thời kỳ 2011 - 2015 đạt 19,5 - 20%/năm; thời kỳ 2016 – 2020 đạt 19 - 20%/năm. Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng 34 - 35% trong GDP.
1. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Trong giai đoạn đến năm 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ hình thành các ngành công nghiệp chủ yếu sau:
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại của các ngành công nghiệp chế biến cà phê, cao su, điều, ca cao, bông, gỗ, thực phẩm... nhằm giảm dần các sản phẩm sơ chế, tăng chất lượng, khối lượng và giá trị hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh, ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại hiệu quả cao.
Công nghiệp năng lượng
Đắk Lắk có trữ năng thủy điện lớn. Hệ thống sông Sêrêpôk có trữ năng kinh tế được đánh giá khoảng 2,6 tỉ kWh. Ngoài ra còn có nhiều sông suối để xây dựng khoảng 100 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp đặt 182 MW, sản lượng điện hàng năm khoảng 800 triệu kWh.
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gồm sản xuất gạch, vật liệu lợp, sản xuất bê tông. Các sản phẩm khai khoáng chủ yếu là đá xây dựng, cát, cuội, sỏi, fenspat, chì, kẽm v.v…
Công nghiệp hóa chất
Nguồn than bùn là nguyên liệu sản xuất phân vi sinh rất lớn. Đây là ngành công nghiệp triển vọng của tỉnh, không những làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, mà còn đáp ứng tốt cho nhu cầu phân bón rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm hóa chất khác bao gồm các ống nhựa, bao bì PP, PE, dược liệu, thuốc chữa bệnh v.v…
Công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử
Phát triển theo hướng phục vụ cơ giới hóa nông, lâm nghiệp, chuyên sản xuất và sửa chữa các loại máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến nông, lâm sản, nhất là các nông, lâm sản đặc trưng của nông nghiệp Tây Nguyên như: cà phê, cao su, điều, nông sản thực phẩm, dầu thực vật; sản xuất và sửa chữa máy công tác phục vụ khâu làm đất, canh tác, làm thủy lợi, cơ khí giao thông, xây dựng, cơ khí tiêu dùng v.v... phục vụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng.
Điện tử, điện dân dụng: Phát triển lắp ráp và sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dụng ở các thị xã, thị trấn, các điểm dân cư tập trung. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các cơ sở dịch vụ sửa chữa điện tử, điện dân dụng tại các khu vực nông thôn phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của dân cư trên các địa bàn.
Các ngành công nghiệp nhẹ
Phát triển rộng nghề may ở các đô thị lớn như thành phố Buôn Ma Thuột, các thị xã, thị trấn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu may mặc, thị hiếu của các địa phương và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Điện: Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các ngành sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của dân cư. Phấn đấu năm 2015, 100% số hộ dân trong toàn tỉnh có điện. Tích cực xây dựng các nhà máy thuỷ điện có công suất vừa và nhỏ để bổ sung một phần nguồn điện cho hệ thống điện của tỉnh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Từ năm 2010 - 2020 xây dựng thêm một số trạm 110kV để tăng tính liên tục cung cấp điện. Xây dựng một số đường dây trung áp từ trạm 110kV để cấp điện cho các khu công nghiệp. Tiếp tục hoàn chỉnh lưới điện 110kV tại các vùng phụ tải.
Cấp thoát nước
Có hệ thống xử lý và cấp nước tập trung, đủ cho sinh hoạt của người dân tại thành phố Buôn Ma Thuột và các thị trấn Buôn Hồ (huyện Krông Buk), Buôn Trấp (huyện Krông Ana), Quảng Phú (huyện Cư M’gar)... Ngoài ra còn có các hệ thống cấp nước khác phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp.
Năm 2010, 100% dân số thành thị được dùng nước sạch với định mức bình quân 120 lít/ngày và trên 70% dân số nông thôn với bình quân 80 - 90 lít/ngày.
Đến năm 2020 có 100% dân số được sử dụng nước sạch.
2. Các giải pháp chủ yếu
- Khuyến khích chế biến sâu, tinh chế và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao như thủy điện vừa và nhỏ, khai khóang, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản… đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ: Dệt, may, da, nước giải khát, công nghiệp hóa chất, cao su, phân bón, chế biến thức ăn gia súc; công nghiệp cơ khí; công nghiệp sản xuất, cung cấp điện nước.
- Tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án thuỷ điện trên địa bàn. Đánh giá kết quả đầu tư giai đoạn 2005 - 2010, đồng thời rà soát những dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 444/QĐ-UBND, ngày 15/3/2005 để loại bỏ các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy không còn phù hợp.
- Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú và các cụm công nghiệp trọng điểm bao gồm: Cụm công nghiệp Ea Đar, Buôn Hồ, Tân An 1-2, Trường Thành, Cư Kuin và các cụm công nghiệp thuộc huyện được phê duyệt v.v…; đẩy mạnh thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên các dự án có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn, hạn chế việc đầu tư các kho hàng, bến bãi trong khu, cụm công nghiệp; đồng thời nghiên cứu triển khai mới một số cụm công nghiệp theo quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã phê duyệt tại Quyết định số 2539/QĐ-UBND, ngày 29/9/2008 của UBND tỉnh. Kiên quyết không mở mới các cụm công nghiệp ngoài quy hoạch; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư di dời và mở mới các nhà máy vào các khu, cụm, điểm công nghiệp.
- Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến và tiến tới hiện đại hoá từng phần trong các ngành sản xuất công nghiệp, để sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn ISO 9.000, ISO 14.000, nâng cao chất lượng bảo đảm sản phẩm công nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thị trường.
- Thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp để giải quyết lao động nông thôn. Tổ chức đào tạo và có chính sách thích hợp để thu hút lực lượng lao động có trình độ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, thực hiện theo phương châm liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo nghề cho lao động. Tiếp tục nâng cao uy tín, tạo dựng thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
- Quy hoạch và tạo điều kiện hình thành các làng nghề, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, sớm xây dựng một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển điểm du lịch. Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên rừng và khoáng sản một cách hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
- Tranh thủ thu hút các nguồn vốn ODA, NGO; kết hợp nhà nuớc và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, nhà máy nước, trạm cấp nước và được thu tiền sử dụng nước của các hộ gia đình.
- Khuyến khích thành lập các hợp tác xã kinh doanh nước sinh hoạt. Thực hiện giá khuyến khích lắp đặt và sử dụng nước, hoặc cho vay trả chậm đối với các hộ nghèo.
Mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Đăk Lăk
TCCT