1. Định hướng phát triển:
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của Tỉnh: tiếp tục xúc tiến mạnh công tác thăm dò dầu khí để tăng khối lượng khai thác, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, hỗ trợ dầu khí và các ngành sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu; các ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dịch vụ cảng, phục vụ cho các hoạt động vận tải biển. Đẩy mạnh chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, chú ý phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng từ các nguồn nguyên liệu địa phương;
- Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 9 khu công nghiệp đã được thành lập để phát huy hiệu quả. Thành lập thêm khu công nghiệp Kim Dinh 100 ha và Khu công nghệ cao của Tỉnh tại thị xã Bà Rịa. Khi các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%, sẽ đầu tư phát triển các khu công nghiệp: Long Hương (400 ha), Long Sơn (500 - 600 ha), khu cảng và dịch vụ dầu khí Bến Đình (100 ha);
- Định hướng tại mỗi huyện, thị, thành phố đầu tư phát triển một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, thủy sản và phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ;
- Phát triển và phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo yêu cầu môi trường;
- Huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng trong hàng rào các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, nguồn vốn ngân sách phải cân đối bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội. 

2. Mục tiêu phát triển: Giai đoạn 2011 - 2015
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,4%/năm, kể cả dầu khí tăng 11,66%/ năm.
- Giá trị xuất khẩu trừ dầu khí đạt 7.280 triệu USD, tốc độ tăng 13,5%/năm, riêng xuất khẩu hải sản đạt 1.595 triệu USD, tốc độ tăng 7,84%/năm.
Để đạt được kết quả này, ngành Công Thương đưa ra các giải pháp trọng tâm cần thực hiện: Xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ mũi nhọn như, dịch vụ logistic, cảng biển, dịch vụ dầu khí, du lịch, vận tải… Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng các sản phẩm, các nhóm ngành chế biến sử dụng trình độ công nghệ mới; giảm các sản phẩm, các nhóm hàng gia công, sơ chế và xuất thô; tập trung đẩy mạnh cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như hải sản, nông sản, cơ khí, dịch vụ đóng tàu, vật liệu xây dựng, trang trí nội nội thất… nhằm cân đối và giảm cơ cấu các mặt hàng gia công như may mặc, giày dép… Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, chống buôn lâu và gian lận thương mại, chống sản xuất kinh doanh hàng giả, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Chọn lọc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp phụ trợ cùng phát triển để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có; giảm dần công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Rà soát, thu hồi các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện. Đồng thời không thu hút thêm các dự án mới về sản xuất thép, xi măng, hoá chất và các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các loại công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp lọc, hóa dầu; công nghiệp sản xuất container, thiết bị nâng hạ, cơ khí, bao bì, đóng gói phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng.
Rà soát lại quy hoạch, chỉ thành lập mới các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở sức chịu đựng về môi trường của tỉnh gắn liền với nhu cầu về số lượng lao động nông nghiệp cần chuyển dịch sang công nghiệp. Quan tâm phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng nông thôn. Trên cơ sở đó sắp xếp lại sản xuất tiểu thủ, công nghiệp trên địa bàn và xây dựng huyện nông thôn mới. 

3. Phát triển thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của cả nước
Để phát triển CNHT, tỉnh sẽ huy động tối đa năng lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy hoạch Phát triển ngành CNHT của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định rõ các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cùng những định hướng phát triển cụ thể. Đó là CNHT trong các ngành cơ khí - chế tạo, điện - điện tử, hoá chất.
Về CNHT ngành cơ khí - chế tạo, tỉnh chủ trương tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh:
- CNHT ngành cơ khí cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng; sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, điện tử gia dụng… phục vụ nhu cầu chế tạo, sản xuất trong nước, đặc biệt là tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như tận dụng ưu thế về cảng biển để xuất khẩu;
- CNHT ngành cơ khí phục vụ khai thác và chế biến dầu khí;
- CNHT ngành cơ khí phục vụ công nghiệp tàu thủy.
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng CNHT ngành cơ khí - chế tạo đạt khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp các ngành CNHT của tỉnh; sau đó giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao, chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp các ngành CNHT năm 2020 và 50% vào năm 2025.
Với CNHT ngành điện - điện tử, hướng phát triển là không chỉ phục vụ ngành công nghiệp điện - điện tử, mà còn cung cấp linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp khác. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng CNHT ngành điện - điện tử đạt khoảng 12% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các ngành CNHT của tỉnh, tăng nhanh ở các giai đoạn tiếp theo, chiếm 24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp các ngành CNHT năm 2020 và 34% năm 2025.
Còn với CNHT ngành hóa chất, việc phát triển phải chất gắn với Quy hoạch Phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của cả nước cũng như của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm đảm bảo tính khả thi cao.
Tỉnh chủ trương phát triển CNHT ngành hóa chất trên cơ sở không chỉ phục vụ ngành công nghiệp hóa chất, mà theo hướng sản phẩm của CNHT ngành hóa chất là các nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo của tỉnh, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Khuyến khích phát triển công nghiệp lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh, góp phần giảm nhập khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm hóa chất, nhựa, chất dẻo và cao su tổng hợp ở thị trường nội địa.
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng CNHT ngành hóa chất đạt khoảng 20% tổng giá trị sản xuất các ngành CNHT của tỉnh, giảm dần ở các giai đoạn tiếp theo, nhưng vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất các ngành CNHT.
Với việc quy hoạch phát triển ngành CNHT, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang chuẩn bị nền tảng cho việc xây dựng và phát triển thành trung tâm CNHT của cả nước. Ngành CNHT được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng đưa Bà Rịa – Vũng Tàu hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
  • Tags: