1. Vị trí địa lý
Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển, với diện tích tự nhiên 9.772,19 km2; địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật... và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng.
- Phía Đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận.
- Phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai.
- Phía Nam – Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận.
- Phía Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.
Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn. Toàn tỉnh có thể chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: Phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc.
2. Đất đai, địa hình
Đặc điểm chung của Lâm Đồng là địa hình cao nguyên tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật... và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng.
Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bậc khá rõ ràng từ Bắc xuống Nam.
- Phía Bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Bian với những đỉnh cao từ 1.300m đến hơn 2.000m như Bi Đúp (2.287m), Lang Bian (2.167m).
- Phía Đông và Tây có dạng địa hình núi thấp (độ cao 500 – 1.000m).
- Phía Nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc và bán bình nguyên.
Tham gia vào cấu trúc địa chất tỉnh Lâm Đồng bao gồm các đá trầm tích, phun trào, xâm nhập có tuổi từ kỷ Jura giữa đến kỷ Đệ Tứ. Các trầm tích, phun trào được phân ra 14 phân vị địa tầng có tuổi và thành phần đá khác nhau. Các đá xâm nhập trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng thuộc 4 phức hệ: Định Quán, Đèo Cả, Cà Ná, Cù Mông.
Địa phận tỉnh Lâm Đồng nằm ở phía đông nam đới Đà Lạt. Đới này là một khối vỏ lục địa Tiền Cambri bị sụt lún trong Jura sớm – giữa và phần lớn diện tích đới bị hoạt hoá magma kiến tạo mạnh mẽ trong Mesozoi muộn và Kainozoi
Lâm Đồng có diện tích đất 9.772,19 km2, chiếm 98% diện tích tự nhiên, bao gồm 8 nhóm đất và 45 đơn vị đất:
• Nhóm đất phù sa (fluvisols)
• Nhóm đất glây (gleysols)
• Nhóm đất mới biến đổi (cambisols)
• Nhóm đất đen (luvisols)
• Nhóm đất đỏ bazan (ferralsols)
• Nhóm đất xám (acrisols)
• Nhóm đất mùn alit trên núi cao (alisols)
• Nhóm đất xói mòn mạnh (leptosols)
Đất có độ dốc dưới 25o chiếm trên 50%, đất dốc trên 25o chiếm gần 50%. Chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá màu mỡ, toàn tỉnh có khoảng 255.400 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, như cà phê, chè, dâu tằm. Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 145.000 ha, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà; diện tích trồng rau, hoa khoảng 23.800 ha, tập trung tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng; chè, cà phê, rau, hoa ở Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại giá trị phẩm cấp cao. Đất có khả năng nông nghiệp còn lại tuy diện tích khá lớn, nhưng nằm rải rác xa các khu dân cư, khả năng khai thác thấp vì bị úng ngập hoặc bị khô hạn, tầng đất mỏng có đá lộ đầu hoặc kết vón, độ màu mỡ thấp, hệ số sử dụng không cao... Trong diện tích đất lâm nghiệp, đất có rừng chiếm 60%, còn lại là đất trồng đồi trọc (khoảng 40%).
3. Khí hậu
Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, trong năm có 2 mùa rõ rệt; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh dao động từ 18 – 250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm, thường ít có những biến động lớn trong chu kỳ năm.
Lượng mưa trung bình 1.750 – 3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85 – 87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1.890 – 2.500 giờ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới. Đặc biệt, Lâm Đồng có khí hậu ôn đới ngay trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình và nằm không xa các trung tâm đô thị lớn và vùng đồng bằng đông dân.
4. Thủy văn
Lâm Đồng là tỉnh nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thuỷ điện rất lớn, với 73 hồ chứa nước, 92 đập dâng.
Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bố khá đồng đều, mật độ trung bình 0,6km/km2 với độ dốc đáy nhỏ hơn 1%. Phần lớn sông suối chảy từ hướng đông bắc xuống tây nam.
Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn.
Các sông lớn của tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai.
Ba sông chính ở Lâm Đồng là:
• Sông Đa Dâng (Đạ Đờng)
• Sông La Ngà
• Sông Đa Nhim
Hệ thống cung cấp nước
Hệ thống cấp nước đã hoàn thiện tương đối tốt, hiện có: nhà máy cấp nước Đà Lạt, công suất 35.000 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước thị xã Bảo Lộc, công suất 10.000 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Đức Trọng, công suất 2.500 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Di Linh, công suất 3.500 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Lâm Hà, công suất 6.000 m3/ngày-đêm. Đồng thời với việc cấp nước, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt đang được hoàn thiện.
5. Rừng
Lâm Đồng có 617.815ha rừng với độ che phủ 63% diện tích toàn Tỉnh, trong đó có 355.357ha rừng gỗ, 80.446 rừng tre nứa, 27.326 rừng trồng… Do mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt và đất đai phù hợp nên các loài tre, nứa, lồ ô có tốc độ tái sinh rất nhanh sau khi khai thác. Rừng Lâm Đồng mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật Việt Nam, rất đa dạng, có trên 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có một số loại gỗ quý như pơmu xanh, cẩm lai, gõ thông 2 lá, 3 lá… và nhiều loại lâm sản khác.
6. Dân tộc, dân cư
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/4/2009 dân số tỉnh Lâm Đồng là 1.186.786 người. Mật độ dân số 118 người/km2. Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh, em trong cả nước, với trên 40 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất người Kinh chiếm khoảng 77%, đến nguời K’Ho chiếm 12%, Mạ chiếm 2,5%, Nùng chiếm gần 2%, Tày chiếm 2%, Hoa chiếm 1,5%, Chu-ru 1,5%..., còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1%, sống thưa thớt ở các vùng xa, vùng sâu trong tỉnh.
Lễ hội, rượu cần và dệt thổ cẩm là nét đặc trưng cho văn hóa dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng.
Lâm Đồng là vùng đất mới có sức thu hút dân cư trong cả nước đến lập nghiệp, quần thể dân cư ở đây chưa ổn định và liên tục biến động, hiện tượng di dân tự do trong những năm qua từ các tỉnh khác nhau trong cả nước hội tụ về Lâm Đồng tuy có giảm, nhưng vẫn còn lớn, bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2005 có khoảng 5.000 người di cư tự do vào Lâm Đồng.
7. Tiềm năng du lịch
Từ Tp. Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300km là đến Đà Lạt. Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần, cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Prenn, thì trước mặt du khách đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một "bảo tàng" của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ.
Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, sau khi vượt qua những khu di tích lịch sử của nước Chămpa xưa và những cánh đồng khô ráo quanh năm, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt.
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi (phát hiện năm 1893), đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.
Du khách đến Đà Lạt vừa thăm viếng, vừa thưởng thức những sản phẩm Đà Lạt bao gồm nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ; nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.
Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn du khách bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi, như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,... như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng...
Khách sạn du lịch đầu tiên ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên khách sạn Hồ (Hôtel du Lac). Ngày nay, đến Đà Lạt, du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá hoặc rực rỡ bởi được phủ lên cả một rừng hoa.

1. Phương hướng, mục tiêu tổng quát 5 năm 2011- 2015.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội có tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Phát triển ngành du lịch – dịch vụ sớm trở thành ngành kinh tế động lực; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; phát triển các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu; phấn đấu tạo ra bước chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu đô thị, đồng thời coi trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh xã hội hoá một số lĩnh vực xã hội để huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc nảy sinh, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa ba mặt của sự phát triển, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỉ cương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể.
1- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá 1994) bình quân hàng năm đạt 15- 16%; trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 7,8- 8,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 22,5- 24,1%, dịch vụ tăng 19- 20%.
2- Cơ cấu kinh tế năm 2015: nông – lâm - thủy sản 36,8- 37%, công nghiệp và xây dựng 26,8 - 28%, dịch vụ 35,2 - 35,8%.
3- GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 44,5 - 46,2 triệu đồng (khoảng 2.200- 2300 USD), gấp hơn 2 lần so với năm 2010.
4- Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 2.860 triệu USD.
5- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt 84.000 - 84.300 tỉ đồng, tăng bình quân 18 - 18,6%/năm.
6- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm đạt 29.800 - 30.500 tỉ đồng. Tỉ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt 14,3%; trong đó thuế, phí 19.200 - 19.700 tỉ đồng, tỉ lệ huy động đạt 9,3%.
7- Giải quyết việc làm mới hàng năm 28.000 - 30.000 lao động.
8- Có 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 85% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
9- Có 70% học sinh trong độ tuổi tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương.
10- Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 15%.
11- Có 35 - 40% lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo.
12- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,3%; quy mô dân số 1,3 triệu người.
13- Tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 5%.
14- Có ít nhất 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
15- Có ít nhất 30% xã, phường, thị trấn; 75% thôn, tổ dân phố và 100% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa; 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
16- Duy trì tỉ lệ che phủ rừng 61%.
17- Giữ vững quốc phòng, an ninh.
18- Hàng năm, có ít nhất 68% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
19- Mỗi năm, kết nạp từ 1.750 đảng viên trở lên.
20- Có ít nhất 80% thôn, tổ dân phố, 90% đơn vị sự nghiệp có tổ chức đảng; 100% thôn và trường học có đảng viên.
3. Các khâu đột phá, công trình trọng điểm
Để có cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội vào những năm sau, trong nhiệm kỳ này, cần tập trung vào 5 khâu đột phá:
- Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng đô thị.
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời từng bước sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, tạo sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
- Phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao, sớm hình thành một số khu du lịch lớn, đa dạng hóa các loại hình đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của địa phương trong những năm đến.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp khai thác khoáng sản.
Xác định 16 công trình trọng điểm: Các khu công nghiệp: Lộc Sơn, Tân Phú, Phú Hội. Dự án thuỷ điện Đồng Nai 5; Các dự án thuỷ lợi: Đạ Sị, Đạ Lây; Các khu du lịch: hồ Tuyền Lâm, hồ Đại Ninh, Đan Kia - Đà Lạt; Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Các đường liên tỉnh: 721, 725; Các đường vành đai thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc; Quảng trường thành phố Đà Lạt; Trung tâm văn hóa thể thao Lâm Đồng.
- Tiếp tục xác định 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh là: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm.
  • Tags: