Ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NĐ - CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).
Tăng trưởng GDP 6,5% không dễ nhưng có thể đạt được
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng này hơi thấp, có thể nâng lên 8-9%, thậm chí 10%. Kinh nghiệm cho thấy mục tiêu đặt ra từ những năm trước chắc chắn sẽ đạt được. “Do đó, đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu, để các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn”, ông Cung nói.
Mặc dù cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% là tham vọng song ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì hoàn toàn có cơ sở để đạt được.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, tăng trưởng GDP từ mức 2,91% lên 6,5% như mục tiêu Chính phủ đặt ra là không dễ bởi dịch bệnh rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa lần 3. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tin vào mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt được vì trước đó đã từng tăng trưởng 7%.
Thủ tướng từng nói về 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Sản xuất kinh doanh đã phục hồi minh chứng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại với mức 2 con số, nông nghiệp duy trì ổn định và khởi sắc, dịch vụ tuy có những ngành tổn hại nhưng cũng có những ngành phát triển mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới bên cạnh EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác, chẳng hạn như FTA với Anh ký tháng 11/2020. “Tất nhiên, vẫn phải lưu ý tới các yếu tố kìm hãm tăng trưởng, đó là: diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng
Đầu tư công là một trong năm “mũi giáp công” được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra hồi giữa năm 2020 để phục hồi kinh tế, bao gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11 là gần 330 nghìn tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470,6 nghìn tỷ đồng); Ước giải ngân đến 31/12/2020 là gần 390 nghìn tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có thể nói, đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ các năm từ 2016 đến 2019 đạt lần lượt là: 80,3%, 73,3%, 66,87% và 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh chưa bao giờ tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020. Giải ngân là giải pháp tốt cho tăng trưởng xét ở hai khía cạnh, một là cộng trực tiếp vào GDP, hai là tác động lan toả tới các dự án khác.
Tuy nhiên, không thể nói giải ngân đầu tư công là động lực duy nhất tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng. Nói cho dễ hiểu: Nếu GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP. Trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chiếm 25%, nghĩa là chiếm khoảng 6% - 7% của GDP.
“Tất nhiên, con số này mới là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Nhưng điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công là một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói thêm về kế hoạch đầu tư công, Quốc hội khóa 14 đã chốt ngân sách 2,75 triệu tỷ đồng, phân ra Trung ương và địa phương, nhưng chi tiết của 2,75 triệu tỷ đồng này là gì thì lại chưa rõ.
Trong kế hoạch năm 2021 sẽ có các dự án từ năm 2020 chuyển tiếp sang. Còn với dự án mới, chúng ta có 2 loại dự án mới. Loại 1 là dự án chưa được làm nhưng đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và loại dự án thứ 2 là dự án chưa bao giờ xuất hiện, loại dự án phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Việc đầu tiên là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phương án phân bổ 2,75 triệu tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ gửi cho các bộ ngành, địa phương để họ lên danh mục dự án. Sau khi các bộ ngành địa phương xác định xong danh mục, họ sẽ gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thủ tục kèm theo để Bộ tổng hợp trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.