Những kỳ vọng từ doanh nghiệp
Sáng 22/12 tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020 (VBF) với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham gia sự kiện cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI)...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của VBF - sự kiện được tổ chức thường niên để tạo nên một cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Điều này nhằm nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở pháp luật, các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. “Hàng loạt các biện pháp hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công và kích cầu tiêu dùng đã được triển khai, Thủ tướng cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư trong tình hình mới”.
Năm 2020, với quyết tâm của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, các hoạt động thúc đẩy thương mại đa phương đã được tiến hành như việc ký kết RCEP, đồng thời việc thực thi CPTPP và nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương đang thực hiện mục tiêu chung là tạo dựng môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ghi nhận những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ước tính và dự báo từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức từ 2-3% trong năm 2020 và Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, kết quả này là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.
Những thành công kinh tế nêu trên chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Ông Hong Sun - Đồng Chủ tịch VBF cũng cho biết, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng đều đang kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ.
Các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao một số biện pháp mà Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, giãn thời gian các khoản vay hiện tại, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng....
Tuy nhiên, theo ông Hong Sun, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần sự điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng cho phù hợp với thực tế và sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Những bài học từ việc khống chế thành công dịch Covid-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời, chủ động cung cấp các thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro; chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp...
Ngoài những yêu cầu cấp bách về những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp để đối phó với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp, tận dụng các cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) nói riêng để phục hồi và tiếp tục phát triển, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Ba trọng tâm hỗ trợ từ Chính phủ
Ghi nhận những ý kiến đề xuất nói trên, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp.
Thứ nhất, thực hiện nhất quán bình ổn kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho tăng trưởng. Đồng thời điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khoá và các chính sách khác. Thúc đẩy cầu tiêu dùng và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, cơ sở. “Thực hiện tốt các hiệp định thương mại đầu tư song phương và đa phương tận dụng cơ hội đầu tư quốc tế. Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại đầu tư của các quốc gia khác”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Thứ ba, tạo sức hấp dẫn của nền kinh tế để qua đó giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và thu hút đầu tư chất lượng cao.
“Trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có những cách thức mới trong hoạch định chính sách cũng như thực hiện các chính sách thu hút đầu tư phát triển. Với việc hướng tới phát triển nhanh mạnh và bền vững, cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược đó”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là cầu nối tạo cơ chế đàm phán giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để hồi phục và phát triển nền kinh tế.
Với tinh thần cùng nhau thành công vì mục tiêu tăng trưởng của đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hiện thực mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.