Phát triển nhanh gắn với bền vững là chủ đề chính trong cuộc đối thoại thường niên giữa doanh nghiệp và Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019.
Diễn đàn do Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức sáng nay 26/6/2019 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng hơn 500 doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; thuận lợi hóa môi trường đầu tư đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế Việt Nam có sự đan xen giữa những khó khăn, thách thức và cơ hội. Trong bối cảnh, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, có xu hướng chững lại, đặc biệt là mâu thuẫn thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa đạt yêu cầu mong muốn, năng suất lao động còn thấp do những yếu tố nội tại của nền kinh tế.
Từ đó, vấn đề đặt ra là phải gia tăng và tận dụng các nguồn lực, thu hút công nghệ, sẵn sàng tham gia và tận dụng thành quả, cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư nhấn mạnh.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chủ đề của VBF giữa kỳ 2019 và khẳng định, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, doanh nghiệp mới thực sự là chủ thể, là lực lượng chính để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm xã hội nhất là trong các vấn đề liên quan tới kinh tế, pháp lý và đạo đức, Phó Thủ tướng nhận định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức nội tại chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững...
Nhất là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.
Để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ cam kết “không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”.
Một giải pháp hết sức quan trọng khác là, tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế; tích cực tham gia các Hiệp định, thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới với các khu vực, các quốc gia phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, đây chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam; là động lực, là mục tiêu “ép” Việt Nam phải đổi mới để hội nhập quốc tế.
Đánh giá cao chủ đề Diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng nhắn gửi doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, đảm bảo bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng... doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của xã hội”.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng đã được được Phó Thủ tướng cụ thể hoá trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức.
Về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hoá và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.
Về khía cạnh đạo đức, mặc dù không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng chính là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp. Những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại.