Ngày 4/12/2018 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 (VBF),\ với chủ đề: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu. Diễn đàn được tổ chức thường xuyên trong 20 năm qua, là kênh đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Tại Diễn đàn, các nhà đầu tư nêu lên những vấn đề quan tâm về cơ chế chính sách thuế, hải quan, ngân hàng, thị trường chứng khoán, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác công-tư, tận dụng cơ hội của hợp tác thương mại...
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế đang hướng đến kết nối thương mại và đầu tư mạnh mẽ, thì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là các vấn đề thương mại, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Cơ hội thấy rõ là các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các quan hệ thương mại để đảm bảo các hỗ trợ các nền kinh tế của họ.
Đặc biệt việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm được thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là những đối tác rất quan trọng. Đây là xúc tác quan trọng để cải cách hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có thúc đẩy hợp tác công-tư, hướng tới một nền kinh tế số.
"Cánh cửa cơ hội lớn đang mở ra cho Việt Nam trong bối cảnh các nước tăng cường hợp tác và Việt Nam là một điểm đến, là nơi lựa chọn của nhiều nhà đầu tư" - ông Kyle Kelhofer cho biết.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, cơ quan này đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh đang chuyển biến mạnh mẽ.
Rõ nhất là việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã dễ dàng hơn nhiều. Có khoảng 13% số doanh nghiệp thực hiện đăng ký thủ tục kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong phá sản, thủ tục xuất nhập khẩu...
Việt Nam sẽ có lợi trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung
Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng ngay bây giờ đã nhìn thấy được những cơ hội to lớn ở Việt Nam ở cả các lĩnh vực kinh doanh trong và ngoài nước khi tận dụng sự căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.
Theo AmCham, căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại và Việt Nam đang có được lợi ích từ các doanh nghiệp đó. Trong đó, một nửa đang cân nhắc việc di dời, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng? Thực tế cho thấy Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không.
Một đại biểu quốc hội gần đây đã nói: "Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp này rút khỏi Việt Nam". Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam.
“Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát, và khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”, AmCham nêu.
Không nên cấm kinh doanh rượu trên Internet
Kiến nghị đến diễn đàn VBF, Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng rượu hiện đang được phép kinh doanh mua, bán trên thị trường nhưng rượu từ 15 độ cồn trở lên lại bị cấm bán trên Internet theo quy định tại Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ về Kinh doanh rượu; đề xuất tại Điều 20 của Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc cho phép bán rượu, bia trên Internet hoàn toàn không làm tăng tiêu thụ các sản phẩm này, trong khi đó lại giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu bia trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, và ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp”, EuroCham nêu.
Cụ thể, hiệp hội này cho rằng việc cho phép bán rượu trên Internet giúp hạn chế người mua chưa đủ tuổi, vì việc mua hàng hoá qua Internet đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ ngân hàng hợp pháp để thanh toán.
Cùng với đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm (nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối được cấp phép) và những thông tin chỉ dẫn hướng dẫn sử dụng rượu một cách có trách nhiệm (không cung cấp rượu có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi) và cho khách hàng sự lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Theo EuroCham, việc cấm bán rượu trên mạng Internet hiện đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc tiếp cận với người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức.
“Việc cho phép mua rượu trên mạng Internet sẽ giúp cho người tiêu dùng có được sự lựa chọn tốt hơn và đảm bảo hơn đối với những sản phẩm họ mua. Đồng thời mua bán trên internet có khả năng lưu giữ dữ liệu giúp cho Chính phủ kiểm soát các hoạt động thương mại và mức độ tiêu thụ rượu, bia”, EuroCham nêu.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng. Với những lợi ích trên, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ, đều cho phép bán rượu trên Internet.
“Việc cấm bán rượu, bia trên Internet sẽ khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung trên thế giới và khu vực”, EuroCham nêu.