Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Động lực mới, có thể không giới hạn cho tăng trưởng

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định “Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới. Đây là những động lực mới, có thể không có giới hạn cho tăng trưởng

Phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong những năm qua, có thể thấy hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn. Chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Các biện pháp hạn chế thâm hụt thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thực sự nóng lên kể từ đầu năm 2018.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 sáng 4/12/2018.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 sáng 4/12/2018.

 

Thời gian gần đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang có diễn biến phát triển mạnh mẽ với sự hội tụ của nhiều công nghệ đột phá trong nhiều lĩnh vực như kinh tế số, logistics, thương mại điện tử khiến cho các sản phẩm hữu hình hiện không còn quan trọng như trước. Chính vì vậy, ưu tiên trong đàm phán tự do hóa thương mại thế giới đã dịch chuyển: từ mua bán hàng hóa vật chất chuyển sang mua bán dịch vụ xuyên biên giới. Đàm phán về tự do hóa thương mại không chỉ còn giới hạn ở cắt giảm thuế, mà quan tâm hơn đến các hàng rào kỹ thuật mới, liên quan đến công nghệ số, đến chủ quyền số và thông tin người dùng.

“Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đây chính là những động lực mới, có thể không có giới hạn cho tăng trưởng. Những quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển.”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

 

Tình hình mới đặt ra nhiều thách thức

Những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới có thể mang lại một số cơ hội quan trọng trong việc hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng. Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.

Nếu ứng dụng kịp thời các đổi mới khoa học công nghệ ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công,… sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, bài toán đầu tiên mà Việt Nam phải xử lý là hài hòa giữa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định. Các nghiên cứu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu quá tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. Trong khi ấy, chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng đến động lực cho doanh nghiệp cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, Việt Nam còn phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.

Không những thế, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam.

Kết quả kinh tế - xã hội cho đến nay cho thấy chúng ta đã xử lý khá hiệu quả một số tác động ban đầu qua kênh tỷ giá, thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu có sự điều chỉnh, thích ứng để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu.

“Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự tin tưởng hơn vào khả năng nhận định tình hình, hoạch định chính sách ứng phó của Chính phủ và các Bộ ngành trước những diễn biến mới. Những kỷ lục về giải ngân đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại trong 11 tháng đầu năm 2018 - tương ứng đạt 16,5 tỷ USD và 6,8 tỷ USD – chính là minh chứng cho niềm tin ấy.”

Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 tổ chức sáng 4/12/2018 tại Hà Nội.
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 tổ chức sáng 4/12/2018 tại Hà Nội.

 

Cần “bình tĩnh” trước những biến động quốc tế

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những xu thế mới về thương mại sẽ còn tiếp diễn, ít nhất trong trung hạn, với sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn biến liên tục mỗi ngày, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức ấy, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện đáng kể nhận thức và khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước. Đồng thời, cải thiện chất lượng của việc điều hành và cải cách thể chế kinh tế của Chính phủ cũng như cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo/cảnh báo kịp thời. “Tuy nhiên, công tác hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh” để tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính và các tiến bộ công nghệ”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, để ứng phó với những xu thế thương mại mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần xem xét thực hiện một số nhóm giải pháp nổi bật, trong đó có việc liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt, đồng thời theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó.

Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để dự báo và xử lý các biến cố đối với thị trường xuất nhập khẩu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của công nghệ, v.v…

Một trong những hoạt động mà Việt Nam đã và đang triển khai tốt là tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các Tổ chức, Diễn đàn kinh tế quốc tế; tăng cường trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế đa phương và khu vực, đồng thời hỗ trợ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đẩy nhanh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam. Thông qua những hoạt động này, cơ hội thúc đẩy các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được tìm kiếm nhằm đón đầu các cơ hội hợp tác với các đối tác mới.

Song hành cùng những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần được khích lệ tinh thần chủ động tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới. Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia tham vấn chính sách, kiến nghị những rào cản, bất cập chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tính chất quyết định của sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm hội nhập của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới mục tiêu hội nhập theo đúng tinh thần: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 là Diễn đàn thường niên về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được tổ chức lần thứ hai do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì, nhằm mục tiêu tạo lập cầu nối chia sẻ thông tin và thảo luận các khuyến nghị chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Thy Thảo