Trước thông tin đáng chú ý này, chiều muộn ngày 25/6/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp mặt báo chí để thông tin rõ hơn về những vấn đề xung quanh việc Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) và sẽ ký cả hai Hiệp định này vào 16h30 ngày 30/6 tới tại Hà Nội.
EVFTA sẽ giúp vị thế của Việt Nam mạnh lên rất nhiều
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết EVFTA sẽ giúp vị thế của Việt Nam mạnh lên rất nhiều.
EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế. Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với Việt Nam, chúng ta đã kí nhiều hiệp định, với 12 FTA, trong đó có cả những FTA thế hệ mới. Tuy nhiên với EVFTA thì đây là hiệp định có vai trò rất quan trọng, có tiêu chuẩn cao, có tính toàn diện.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Ngày 25/6/2019, Hội đồng bộ trưởng EU đã phê chuẩn thỏa thuận EVFTA, mở đường cho việc ký kết chính thức. EU cho biết Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký kết EVFTA tại Hà Nội vào ngày 30/6.
Bộ trưởng nhấn mạnh, do EVFTA là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… Nếu thực thi và được hưởng những điều kiện mà đối tác dành cho Việt Nam thì Việt Nam sẽ nâng cao được kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là có điều kiện hình thành chuỗi giá trị mới.
“Với Việt Nam, Hiệp định này sẽ giúp vị thế của chúng ta mạnh lên nhiều. Cùng các FTA khác, như CPTPP, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
9 năm đàm phán và hành trình vượt qua chính mình
Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Chia sẻ về quá trình đi đến ký kết Hiệp định này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đây là quá trình dài, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Có thể nói đây là quá trình “vượt vũ môn”, vượt về mặt năng lực, trình độ trong tổ chức đàm phán về các vấn đề kỹ thuật, về những nội dung yêu cầu cao, đa dạng với 28 quốc gia thành viên của EU, đây là những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và có trình độ rất cao, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Quan trọng nhất, Việt Nam đã vượt qua được chính bản thân mình. Bởi, Việt Nam và 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu khác nhau về trình độ kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa, năng lực quản trị... nhưng chúng ta đã vượt qua và đi đến đàm phán thành công.
Đặc biệt, ở giai đoạn cuối, có nhiều vấn đề không liên quan đến nội dung Hiệp định, nhưng họ vẫn đặt ra. Thì tất cả chúng ta đã có lời giải. Ví dụ đánh bắt cá, tốn rất nhiều giấy mực cả hai bên. Hay sản phẩm nông nghiệp, cũng rất phức tạp. Hay thẩm quyền của từng quốc gia khi xử lý tranh chấp của nhà đầu tư với quốc gia. Đó là những nút thắt.
Thậm chí đã có lúc tưởng như chúng ta chỉ ký riêng Hiệp định thương mại, bỏ lại Hiệp định bảo hộ đầu tư để ký sau, nhưng chúng ta cũng đã đàm phán thành công và vượt qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Lộ trình đàm phán và những mốc thời gian chính:
Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12/2015, hai bên kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6/2017, hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9/2017, EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt EVFTA và IPA.
Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018, hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Sau nhiều năm tiến hành đàm phán và rà soát pháp lý đến ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA và đến ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.