Trong giai đoạn 2001 – 2005, ngành GTVT tỉnh đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng có bước phát triển mạnh, như quốc lộ 1A được xây dựng mới, QL31, 37, 279 và 18 tuyến đường tỉnh đang từng bước được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, thuận tiện cho việc giao lưu với khu vực kinh tế phát triển là thủ đô Hà Nội, cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Các cầu đã và đang được xây dựng mới, như cầu Vát, cầu Trũ, cầu An Châu, Bố Hạ, Lục Nam, Bắc Giang, Bến Đám. Cứng hóa được 2500 km đường giao thông nông thôn. Trong 5 năm, tổng kinh phí xây dựng đường đạt 586 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 366 tỷ đồng. Phong trào giao thông nông thôn của Tỉnh phát triển mạnh đã được Chính phủ, Bộ GTVT biểu dương và là một trong những địa phương mạnh của cả nước. Lực lượng vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông đã có hướng phát triển kể cả số lượng và chất lượng, khối lượng vận tải hành khách và hàng hóa năm sau đạt cao hơn năm trước, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Mặc dù những năm qua, các tuyến đường bộ đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng nhìn chung hệ thống đường bộ chưa vào cấp, chất lượng mặt đường một số tuyến chưa cao. Mạng lưới đường sông có chiều dài khai thác vận tải là 187 km, chưa đầu tư nạo vét sông và đầu tư phương tiện vận tải. Mạng lưới đường sắt chạy qua Tỉnh có chiều dài khoảng 95 km (gồm 3 tuyến), hiện tại chỉ có tuyến Hà nội - Đồng Đăng là hoạt động có hiệu quả, tuyến Kép – Lưu Xá đang ngừng hoạt động, tuyến Kép – Hạ Long hoạt động rất hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI, ngành Giao thông vận tải Tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển giao thông vận tải đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020:
- Đường quốc lộ: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp những tuyến, đoạn tuyến quan trọng đạt quy mô cấp III, những đoạn tuyến khác có thể đạt chuẩn cấp IV.
- Đường tỉnh: Nâng cấp một số tỉnh lộ quan trọng lên cấp quốc lộ, mở một số tuyến mới ở những khu vực cần thiết. Xây dựng một số cầu lớn nối với các tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh. Xây dựng các tuyến đường phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu tỷ lệ nhựa hóa hệ thống đường tỉnh đạt 80% vào năm 2010 và 100% vào năm 2015.
- Đường giao thông nông thôn: Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư (WB, ADB, JIBIC, NSNN …) đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng; đưa một số đường huyện quan trọng lên đường tỉnh; đến năm 2020 cải tạo nâng cấp cơ bản đường huyện, tỷ lệ mặt đường bằng các vật liệu cứng đạt 95%, tỷ lệ đường giao thông đi lại cả hai mùa đạt 90%, cầu cống kết hợp với công trình vĩnh cửu đạt 50%, đường xã đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A,B, phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Giao thông đường sông, cần nạo vét luồng lạch, chỉnh trị dòng sông đảm bảo cho các phương tiện có tải trọng 150 tấn – 200 tấn qua lại an toàn; xử lý xoá bỏ một số ghềnh, thác trên một số tuyến sông Lục Nam, bồi lắng tại các thác; khai thác tốt hơn các cảng trung ương và địa phương; xây dựng thêm một cảng mới do trung ương quản lý, mở rộng một số cảng sông địa phương.
- Phương tiện và vận tải tiếp tục phát triển, mở rộng các tuyến vận tải liên tỉnh, mở thêm các tuyến vận tải nội tỉnh về các trung tâm huyện và thị.
- Công nghiệp vận tải đẩy mạnh phát triển, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của thị trường; củng cố phát triển các cơ sở sửa chữa cơ khí giao thông vận tải, khuyến khích các tập thể và cá nhân xây dựng các cơ sở sửa chữa có năng lực sản xuất và quy mô lớn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, trong lĩnh vực công nghiệp giao thông vận tải của tỉnh.