Muốn yêu cầu điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần làm gì?

Để yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại doanh nghiệp cần tập trung làm rõ các hành vi lần tránh biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn trước khi nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Theo Điều 73 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu bị yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có thể bao gồm:

- Hàng hóa tương tự với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có xuất xứ tại nước thứ ba mà hàng hóa đó sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (có thay đổi xuất xứ);

- Hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển tải thông qua nước thứ ba (có thay đổi xuất xứ);

- Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (không thay đổi xuất xứ);

- Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (không thay đổi xuất xứ);

- Hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối để hưởng lợi từ mức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thấp hơn mức đang áp dụng (không thay đổi xuất xứ).

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, để yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại doanh nghiệp cần tập trung làm rõ các hành vi lần tránh biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn trước khi nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương.

Trong đó, doanh nghiệp liệt kê tất cả các loại/kiểu hàng hóa bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực tại Việt Nam. Tiếp đó, các phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng rõ ràng chứng minh rằng:

(1) Hàng hóa tương tự với hàng hóa nhập khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hoặc quốc gia không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nước thứ ba). Để chứng minh yếu tố này, doanh nghiệp có thể nêu chứng cứ về việc:

- Có sự thay đổi về dòng chảy thương mại của nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM giữa nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM.

- Các bằng chứng rõ ràng khác về việc nhà sản xuất ở nước thứ ba sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM rồi xuất khẩu sang Việt Nam.

(2) Các nhà sản xuất, xuất khẩu, các quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thay đổi thông lệ thương mại, mô hình thương mại hoặc kênh bán hàng để hàng hóa của họ được xuất khẩu sang Việt Nam thông qua các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hoặc quốc gia không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nước thứ ba). Để chứng minh yếu tố này, doanh nghiệp có thể nêu chứng cứ về việc:

- Các nhà nhập khẩu trước đây nhập khẩu từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM nay chuyển sang nhập khẩu từ nước bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM;

- Trong khi có sự thay đổi về dòng chảy thương mại của nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM giữa nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM thì dòng chảy thương mại của nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM giữa các nước khác và nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM hầu như không thay đổi;

(3) Giá xuất khẩu của hàng hóa từ nước thứ ba vào Việt Nam thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu. Để chứng minh yếu tố này, doanh nghiệp có thể nêu chứng cứ về việc:

- Giá trung bình hàng hóa nhập khẩu từ nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM thấp hơn giá thông thường theo Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu (trong trường hợp Bên yêu cầu trong vụ việc này chính là Bên yêu cầu trong vụ việc gốc);

- Giá trung bình hàng hóa nhập khẩu từ nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM thấp hơn hoặc tương đương giá trung bình hàng hóa nhập khẩu từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM (trong trường hợp Bên yêu cầu trong vụ việc này không phải Bên yêu cầu trong vụ việc gốc).

(4) Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng bán hàng của nhà sản xuất, xuất khẩu. Để chứng minh yếu tố này, doanh nghiệp có thể nêu chứng cứ về việc:

- Thị phần (tính theo lượng) của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM tăng lên đáng kể trong giai đoạn sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp PVTM ban đầu hoặc sau khi Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp PVTM ban đầu.

- Thị phần  (tính theo lượng) của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM giảm đi tương ứng trong giai đoạn sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp PVTM ban đầu hoặc sau khi Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp PVTM ban đầu.

(5) Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại xuất khẩu vào Việt Nam. Để chứng minh yếu tố này, doanh nghiệp có thể nêu chứng cứ về việc:

- Trong chi phí sản xuất hàng hóa bị điều tra, thông thường giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư tương đương loại đang được xuất khẩu từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM sang nước đang bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

- Dữ liệu có thể lấy từ các nguồn công khai hoặc các nguồn tốt nhất mà Bên yêu cầu có được, hoặc từ dữ liệu do Bên yêu cầu ước tính.

Cần nói thêm, doanh nghiệp không nhất thiết phải chứng minh đủ từng yếu tố của 5 vấn đề nêu trên. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bổ sung các lập luận, yếu tố khác cho là cần thiết để chứng minh hành vi.

Văn Chấn