Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã liên tiếp gia tăng trong những ngày gần đây. Sau khi công bố tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu làm dậy sóng dư luận quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, chính quyền Donald Trump lại tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” bằng việc tuyên bố sẽ đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỷ USD. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng ở đó bởi sau khi công bố kết quả điều tra theo Điều khoản 301 về các hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ, buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề này.
Trong yêu cầu tham vấn ghi rõ "Trung Quốc đã từ chối để các đối tác nước ngoài được có khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình khi liên doanh với đối tác Trung Quốc sau khi hợp đồng chuyển giao công nghệ kết thúc”. USTR cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Điều 3, Điều 28 của TRIPS - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO.Ngoài các động thái nêu trên, Tổng thống Donald Trump còn chỉ đạo USTR xây dựng các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Mỹ.Quyết định nói trên đã làm dậy sóng dư luận Trung Quốc và một loạt biện pháp trả đũa đã được Bắc Kinh lên kế hoạch sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại với Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng “Bắc Kinh có đủ vũ khí phản kích”. Trước hết, một danh mục 128 mặt hàng có liên quan tới thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị tăng thuế trị giá 3 tỷ USD đã được Trung Quốc đưa ra. Nhưng, đây mới chỉ là phản ứng “có đi có lại” đối với việc Mỹ tăng thuế nhôm, thép của Trung Quốc, đó là tăng thuế nhằm vào các mặt hàng đậu tương, xe hơi và máy bay nhập khẩu từ Mỹ, nếu Mỹ áp đặt gói thuế quan 60 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc.
Nếu những biện pháp nêu trên được áp dụng, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Mỹ sẽ gánh chịu tổn thất lớn. Theo hãng CNBC, năm ngoái Mỹ đã xuất khẩu nông sản trị giá 19,6 tỷ USD vào Trung Quốc, riêng giá trị xuất khẩu đậu tương là 12,4 tỷ USD. Trong khi đó, hãng tin Reuter của Mỹ cho rằng, Trung Quốc còn một “vũ khí hạng nặng” khác để trả đũa Mỹ là lĩnh vực tài chính, bởi nước này đang nắm giữ tới 1.170 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Cách đây ít hôm, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã “nói cứng” rằng: “Cuộc chiến thương mại là điều tốt với Mỹ, bởi Mỹ dễ dàng giành chiến thắng”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ - Trung rơi vào cuộc chiến thương mại thì “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Với những vũ khí lợi hại như trên, rất có thể Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong đàm phán chứ không phải Mỹ. Theo báo Trung Quốc People Daily, trong cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, hôm 25/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn khẳng định, Bắc Kinh không mong muốn một cuộc chiến thương mại nổ ra bởi sẽ không bên nào thắng. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng “Trung Quốc không sợ bất kỳ cuộc chiến thương mại nào” và hơn nữa nước này sẽ không ngồi yên. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã gửi đến Mỹ thông điệp tương tự và cho biết tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 580 tỷ USD. Theo ông, thành tích lớn như vậy sẽ không thể đạt được nếu thiếu những nguyên tắc kinh doanh và quy định thị trường.
Trong khi đó, một số chuyên gia kêu gọi Mỹ - Trung bình tĩnh và khách quan giải quyết tranh chấp thương mại bởi vấn đề thâm hụt thương mại có thể đã bị các chính trị gia phóng đại và điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác.Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã tại trụ sở Ngân hàng Đông Tây (East West Bank) ở thành phố Pasadena, thuộc bang California (Mỹ), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ngân hàng - ông Dominic Ng mới đây cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là điều không nên xảy ra. Ông chỉ ra rằng thép của Trung Quốc chỉ chiếm 2% tổng số thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017 và số liệu thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện không chính xác bởi chúng dựa trên các phương pháp thu thập và tính toán dữ liệu đã lỗi thời. Theo đó, các cơ quan thống kê chỉ lấy nước cuối cùng xuất sản phẩm đi để tính cho toàn bộ giá trị thương mại của sản phẩm đó mà bỏ qua một yếu tố quan trọng là nhiều thành phần của sản phẩm được sản xuất tại một nước thứ ba.
Giới phân tích cũng cho rằng, quan hệ đối ngoại Mỹ - Trung đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong năm qua, nhưng chặng đường phía trước còn gai góc hơn nữa. Các đòn trừng phạt thương mại nói trên của Mỹ nhằm vào Trung Quốc mới chỉ là ‘sấm báo mưa” mà thôi. Tờ South China Morning Post mới đây nhận định, trong một năm lãnh đạo, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đã phản ánh chính sách đảo ngược, điều này gây xói mòn các mục tiêu chính của chính quyền đương nhiệm. Khi năm thứ 2 cầm quyền sắp tới, giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách dự đoán mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục rạn nứt. Trong khi đó, chuyên gia Tiết Đại Lỗi từ Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh nhận xét: “Trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trên trường quốc tế, cấu trúc trong các mối quan hệ Mỹ - Trung đang thay đổi và mối quan ngại của Washington với Bắc Kinh sẽ tiếp tục hiện diện.”
Chính quyền Donald Trump mới đây đã xác định rằng các vấn đề kinh tế cũng là “an ninh quốc gia” và liên tiếp tố cáo Bắc Kinh vi phạm sở hữu trí tuệ; hối thúc Trung Quốc thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ đã lên đến hơn 309 tỷ USD vào năm 2016… Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong quan hệ Mỹ - Trung. Bản chất của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ là bắt nguồn từ sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - một cường quốc số một thế giới với Trung Quốc - nước đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ. Cuộc cạnh tranh này chắc chắn sẽ còn kéo dài và không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Không ai có thể dự báo chính xác được kết cục của “cuộc chiến giành ngôi vị số 1” nói trên, tuy nhiên một điều có thể chắc chắn là nếu Mỹ - Trung không thể giải quyết được các mâu thuẫn song phương, bao gồm mâu thuẫn về thương mại, thông qua đối thoại thì rất có thể không chỉ Trung Quốc, Mỹ bị thiệt hại mà kinh tế thế giới cũng sẽ chịu cảnh “cháy thành vạ lây”.