Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, nước này xuất khẩu ròng 211.000 thùng/ngày các sản phẩm dầu thô và lọc hóa trong tuần kết thúc vào ngày 30/11. Theo dữ liệu được ghi nhận trong vòng 45 năm qua, chưa khi nào Mỹ xuất khẩu ròng dầu như vậy.
Trong đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần thống kê đạt mức kỷ lục hơn 3,2 triệu thùng mỗi ngày.
"Điều này thực sự bất ngờ. Tôi cho rằng việc Mỹ xuất khẩu ròng dầu sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trong những năm tới", chuyên gia tư vấn Kyle Cooper thuộc ION Energy nhận định.
Mỹ vốn là một quốc gia nhập khẩu ròng dầu do lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài suốt 4 thập kỷ. Vào cuối năm 2015, dưới thời Tổng thống Barack Obama, lệnh cấm này đã được gỡ bỏ.
Song song với việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng bùng nổ những năm gần đây, xuất khẩu dầu thô của Mỹ ngày càng tăng. Sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 30/11 đạt kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày, Bộ Năng lượng Mỹ cho hay.
Các dữ liệu trên được đưa ra cùng ngày Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhóm họp ở Vienna, Áo để bàn kế hoạch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh giá dầu giảm sâu vì nỗi lo thừa cung.
Trong tháng 11 vừa qua, giá dầu thế giới sụt khoảng 20%, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất trong 10 năm. Tình trạng thừa dầu hiện nay xuất phát từ việc ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga cùng nâng sản lượng khai thác.
Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ đạt bình quân 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019, tăng hơn 3 triệu thùng/ngày so với năm 2016.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh nhờ các công ty dầu lửa ở nước này sử dụng phương pháp nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing, hay còn gọi là fracking) để khai thác các mỏ dầu ở Texas, North Dakota và một số tiểu bang khác.