Năm 2015, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2014

Trong năm 2014, toàn ngành Dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 24,5 tỷ USD, riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đạt KNXK 3,3 tỷ USD. Vinatex đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ có doan

Tám đơn vị của Vinatex được nhận Cờ thi đua và Bằng khen
 của Thủ tướng Chính phủ

Tại buổi Lễ tổng kết hoạt động SXKD năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được tổ chức tại Bộ Công Thương vào sáng ngày 9/1/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinatex trong năm 2014. Tập đoàn hoạt động rất chuyên nghiệp, đặc biệt lần đầu tiên Tập đoàn có riêng một bệnh viên chuyên ngành phục vụ người lao động. Vinatex luôn là đơn vị chủ lực, thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa. Về xuất khẩu,  năm 2014, Vinatex đã đạt KNXK tới 3,3 tỷ USD, góp phần cùng toàn ngành đạt KNXK 24,5 tỷ USD. Trong năm qua, Vinatex luôn khẳng định là lực lượng nòng cốt của ngành, đặc biệt trong công tác cổ phần hóa đã được Tập đoàn thực hiện rất chuyên nghiệp, với sự kiện IPO thành công và Đại hội cổ đông lần đầu được đánh giá cao. Có thể khẳng định đó là những thành tích vượt trội, thể hiện sức vươn ấn tượng của Vinatex.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ tổng kết

Hoạt động tại các đơn vị dệt may luôn đổi mới, sáng tạo

Con số KNXK của toàn Ngành lên tới 24,5 tỷ USD là con số đẹp, mang lại niềm vui và hy vọng cho những người làm nghề Dệt may Việt Nam. Sự tăng trưởng về doanh thu nội địa chủ yếu tập trung vào các công ty may mặc lớn liên tục đầu tư các nhà máy mới và tạo ra những sản phẩm mới từ năm 2013 đến nay để thích ứng với nhu cầu thị trường trong tình hình kinh tế chung khó khăn.

Một trong những vấn đề quyết định sống còn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay là vấn đề đổi mới, sáng tạo trong tái cấu trúc doanh nghiệp. Trao đổi riêng về vấn đề này tại Lễ tổng kết, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng: Hiện nay, Dệt May Việt Nam đã trở thành một ngành kinh doanh thị trường tương đối hoàn hảo, phải cạnh tranh với tất cả các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới, cho nên áp lực từ thị trường bên ngoài đã buộc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đổi mới và sáng tạo. Và thực tế, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam đã liên tục thực hiện đổi mới và sáng tạo, coi đó là quyết định sống còn của các doanh nghiệp. Đổi mới không chỉ từng đợt rồi dừng lại, mà phải đổi mới liên tục, cải tiến liên tục trong hệ thống quản lý, phương thức đầu tư, tiếp cận thị trường và đón nhận các yếu tố từ bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường phát triển của doanh nghiệp đó và biến nó trở thành đầu vào trong hoạt động đổi mới doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex: Liên tục đổi mới sáng tạo
là quyết định sống còn của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là cơ quan sở hữu vốn tại các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Đặc thù của Vinatex là các thành viên đều là công ty cổ phần (CP), hoạt động theo cơ chế công ty CP, theo luật Doanh nghiệp cổ phần. Vì thế, Vinatex có quyền và trách nhiệm cao nhất thể hiện quan điểm và ý chí chiến lược trong đổi mới doanh nghiệp thông qua người đại diện cổ đông và hội đồng cổ đông. Trong đó thực hiện đổi mới, sáng tạo, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc lựa chọn đầu tư trọng tâm vào khu vực mà đơn vị doanh nghiệp có năng lực, lợi thế cạnh tranh tốt nhất.

Theo đó các DN trong Tập đoàn cũng đã xác định được thế mạnh riêng của mình để đầu tư trọng tâm và phát triển thị trường. Bên cạnh các thương hiệu đã có uy tín và đứng vững trên thị trường, như: M10 Series, Eternity GrusZ, Pharaon, Cleopatre (thuộc Tổng Công ty may 10); De celso, Mattana, Novelty (May Nhà Bè); Viettien, Vee Sendy, San Siaro, Mahattan, TT-up, Smart Casual, Vietlong (May Việt Tiến)…, thì Tổng công ty Đức Giang mới đây đã ra mắt thương hiệu HeraDG, SPearl, Tổng công ty Việt Tiến cho ra dòng sản phẩm Viettien Kid dành cho trẻ em dưới 11 tuổi, Tổng công ty CP Phong Phú ra mắt nhãn hiệu Style…

Bên cạnh việc mang tới các sản phẩm chất lượng cao, với vị trí là đơn vị đầu tàu dẫn dắt ngành Dệt may cả nước, Vinatex còn không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Nếu năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng 4% so với 2012, thì năm 2014, con số này ước tăng 3,9% đạt tổng số 4.286.

Ông Phạm Tiến Lâm - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang, cho biết: Liên tục hàng tuần, hàng tháng, đơn vị đã tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và kết quả thấy rõ. Hiện Đức Giang đang hoàn tất các nội dung đàm phán để ký thỏa thuận hợp tác ngay trong tháng 1/2015 với một số đối tác lớn sẽ sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam.

Tại May Nhà Bè, đơn vị đã chọn cho mình hướng phát triển riêng, ông Phạm Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè (NBC) cho biết, trong hai năm qua, May Nhà Bè chưa mở rộng đầu tư thêm nhà máy, mà tập trung vào đầu tư cho nhân lực chất lượng cao. Hiện NBC đang đào tạo 37 Thạc sỹ và đào tạo tại chỗ 25 Giám đốc, 25 Trưởng phòng chuyên môn. Giáo trình do nội bộ NBC biên soạn và tất cả các cán bộ của NBC đều tham gia đứng lớp. Học viên buổi sáng học ở lớp, chiều xuống xưởng thực hành, áp dụng luôn kiến thức vào thực tiễn. Chúng tôi đã đầu tư vào nhân sự giỏi, dám chi trả mức lương từ 5.000 - 10.000 USD/tháng, nhờ đó mà có mức lợi nhuận nhảy vọt, uy tín thương hiệu được khẳng định, mở rộng được thị trường và kéo thêm nhiều khách hàng.

Ông Phạm Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè: Đơn vị đang
tập trung cho việc đầu tư đào tạo nhân sự giỏi để tạo bước đột phá về
 uy tín thương hiệu và phát triển thị trường.

Mục đích của cách làm mới này là nguồn lực được đào tạo tại chỗ, khi tốt nghiệp được sử dụng ngay vào công việc, đem lại hiệu quả tức thì. Trong năm tới, khi NBC mở rộng đầu tư dự án mới, sẽ có ngay nguồn nhân lực chất lượng để dự án đi vào hoạt động. Việc đầu tư nhân sự ban đầu có thể tốn kém, nhưng nhất định sẽ cho mùa quả ngọt.

Trong tương lai, nhằm phát triển ngành Dệt may bền vững cả ở các thị trường XK và thị trường nội địa, Vinatex sẽ tập trung phát triển mạnh vùng nguyên liệu. Toàn Tập đoàn đang đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên con số 70% vào năm 2015, đồng thời đưa doanh thu thị trường nội địa tăng trưởng 15-20% trong giai đoạn tới.

Hoàn thiện chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực trong năm 2015

Năm 2015 là một năm thuận lợi cho Tập đoàn, khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán và TPP cũng đang trong giai đoạn đàm phán tích cực, tạo ra những cơ hội rộng mở để Vinatex hướng tới việc xuất khẩu thành công hơn nữa. Trong những năm qua, Vinatex đã xây dựng một chiến lược đúng đắn, đó là chuyển đổi dần mô hình sản xuất từ CM sang ODM, chủ động hình thành chuỗi cung ứng dệt may và đã có bước chuẩn bị bài bản các khâu từ sợi-dệt nhuộm đến hoàn tất-may-phân phối.

Tại lễ tổng kết, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết: Định hướng SXKD của Tập đoàn trong năm 2015 xác định sẽ dần hoàn thiện chuỗi cung ứng, củng cố chặt chẽ mối liên kết giữa các DN trong Tập đoàn trong hệ thống chuỗi này. Với quy hoạch từ Tập đoàn, các DN sẽ tạo nên liên kết nhịp nhàng, từ ba miền Bắc - Trung - Nam, không chỉ làm nên dịch vụ hoàn chỉnh cho khách hàng, mà còn hướng tới một dịch vụ cung ứng mang tính khác biệt, sáng tạo, với giá trị riêng của Tập đoàn.

Vinatex vinh dự được nhận Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng  Chính phủ

Con người là yếu tố quan trọng làm nên nội lực và giá trị bền vững cho Vinatex. Vì thế trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư và tận dụng ưu đãi 50% kinh phí đào tạo ngành Dệt may. Dự kiến trong năm 2015 sẽ có Trường Đại học Dệt may. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống thang bảng lương, chuẩn hóa quy trình đánh giá nhân sự đa chiều, chế độ đãi ngỗ đối với cán bộ nòng cốt.

Bước vào hoạt động năm 2015 với mô hình mới, Tập đoàn cổ phần, Vinatex sẽ kế thừa những nền tảng sức mạnh được tạo dựng bền bỉ qua hai thập kỷ hình thành và phát triển, lại được cộng hưởng sức mạnh từ các cổ đông chiến lược về vốn, kinh nghiệm quản trị, thị trường, công nghệ, để tạo bước đột phá, hòa nhập sâu chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tăng uy tín thương hiệu là một Tập đoàn đa quốc gia có nội lực mạnh. Vinatex đã đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ có doanh thu đạt 55 ngàn tỷ đồng, KNXK đạt 3,63 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014.


Với những thành tích nổi bật đó, năm 2014, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã vinh dự được đón nhận cờ Thi đua của Chính phủ. Nhiều đơn vị, cá nhân của Tập đoàn cũng được nhận cờ Thi đua, Bằng khen của Chính phủ và của Bộ Công Thương.

Bài và ảnh: Anh Thy