Năm 2018: Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD

Năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao, cùng với nhiều giải pháp căn cơ, đưa kim ngạch XK toàn ngành dự kiến đạt 31 tỷ USD.
Thông tin trên, được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), chia sẽ tại Hội nghị Tổng kết ngành, được tổ chức ngày 11/12, tại TP. Hồ Chí Minh.Năm 2018 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu XK 34 tỷ USDNgành dệt may Việt Nam đã có đơn hàng cho quý 1 và quý 2/2018

Theo ông Vũ Đức Giang, năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đối diện với nhiều thách thức mới, cụ thể, từ quý IV/2016 và quý I/2017, khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định thương mại TPP, hàng loạt các dự án đầu tư triển khai, bị dừng lại, nguồn cung – thị trường xuât khẩu (XK) bị giảm không thực hiện theo đúng kế hoạch, đây là yếu tố tác động đến tâm lý cực kỳ phức tạp đến các nhà mua hàng và ảnh hưởng đến mục tiêu ngành đã định hướng cho 2017 trước đó.

Bên cạnh đó, kết cấu trong chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam 2017, cũng có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt chúng ta bị một số các nước chống bán phá giá như Thổ Nhĩ Kỳ, một số loại sợi màu, sợi PE, rồi Ấn Độ đưa ra những rào cản mới để bảo hộ hàng hóa trong nước.

Nhưng từ quý II/2017, bằng nhiều giải pháp, cộng với sự quyết tâm cao, ngành dệt may Việt Nam đã từng bước ổn định, vượt qua nhiều khó khăn, tính đến ngày 31/11, chúng ta đã XK đạt được con số 31 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ. Đặc biệt hơn, con số gây ấn tượng nhất cho ngành dệt may năm nay chính là chúng ta đã XK được trên 3,5 tỷ USD ngành sợi, do trước đó, ngành đã nhanh chóng đầu tư cho cọc sợi, nếu năm 2015 ngành sơ sợi chỉ có 5,7 triệu cọc sợi các loại, thì đến năm 2017 chúng ta đã lên đến 8,4 triệu cọc sợi. Một tín hiệu vui cho ngành sợi Việt Nam, là những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Phi, Trung Đông đã bắt đầu nhập khẩu (NK) lại sơ sợi của Việt Nam.

Ông Giang cho biết, để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, chính là nhờ toàn ngành đã vận dụng hết sức hiệu quả công nghệ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn. Song song đó, ngành đã thích ứng trong vấn đề việc chuyển đổi từ thị trường truyền thống sang thị trường mới, các doanh nghiệp đã đầu tư cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài những thị trường chính được giữ vững, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thì các doanh nghiệp đã tìm cơ hội, phát triển thêm một số thị trường mới như Trung Quốc, Nga, Campuchia..., riêng thị trường Nga, hiện nay một số Tổng Công ty trong ngành đã có cửa hàng, văn phòng đại diện tại Nga như: Tổng Công Ty May Nhà Bè, May Đức Giang, Việt Tiến… chính những yêu tố này đã tạo ra một bước ổn định để ngành Dệt may phát triển ổn định trong thời gian tới. Một điểm sáng của ngành dệt may trong năm 2017, là từ quý II/2017, các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu quay trở lại đầu tư tại Việt Nam, cụ thể trong quý III và quý IV/2107, tỷ trọng vốn hóa đầu tư vào ngành Dệt may Việt Nam tăng trưởng rất nhanh.

Mặt khác, ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng khá tốt. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã gia tăng giá trị XK từ việc gia công hoàn toàn sang hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu) và ODM (tự thiết kế mẫu), từ tỷ lệ 3% của năm 2016 lên mức 7% của năm 2017. Theo ông Giang, tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng cho quý 1 và quý 2/2018, cho thấy tín hiệu lạc quan cho ngành dệt may Việt Nam trong năm tới. Giá trị thặng dư thương mại đạt 15,51 tỷ USD, tăng 7,15% so với năm 2016. Ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch XK từ 33,5 đến 34 tỷ USD trong năm 2018.


Hồng Lực