Năm Thân - Kể chuyện... Khỉ

Khỉ là nhóm động vật thuộc bộ Linh Chưởng, được xếp chung một bộ với con người. Động vật bộ Linh Chưởng được chia ra hai nhóm lớn: Nhóm động vật nguyên thuỷ, bao gồm vượn cáo, vượn thỏ và cu li mắt tr

Về tổ chức xã hội loài khỉ
ở trong rừng, khỉ sống thành từng bầy, chịu sự chỉ huy của con khỉ chúa, chúng hoạt động theo một trật tự nghiêm ngặt. Trong một đàn lớn lại có các nhóm gia đình  gồm vợ chồng con cái cùng nhau hợp sức trong cuộc mưu sinh và tăng sức mạnh đối phó với kẻ thù. Chúng phân công nhau canh gác và cất tiếng kêu báo hiệu cho nhau khi phát hiện ra mối nguy hiểm từ các phía. Mỗi khi báo hiệu một hiểm hoạ, ở loài khỉ đầu chó dùng tiếng răng va vào nhau thì có nghĩa là báo tin có rắn độc. Còn khi phát tiếng kêu ngắn có nghĩa là có đại bàng ở trên cao…
Trong cuộc sống cộng đồng, khỉ còn nhận ra được những tín hiệu giao tiếp xã hội. Những con bé và yếu phải nhận ra tín hiệu đe doạ của con mạnh khi nó trừng mắt, nhe răng hoặc đập tay xuống đất giận dữ để lùi bước, nếu không, có thể bị một cú cắn đau. Mặt khác, chúng cũng nhận ra một lời mời chải lông hoặc chơi đùa bằng động tác chép môi hay một cái nhìn thân thiện. Một số loài khỉ không đuôi dùng tiếng kêu để tuyên bố lãnh thổ của chúng hoặc gọi bạn tình. Loài khỉ thường dùng phần lớn thời gian để bới lông cho nhau, một công việc mang lại sự gắn bó giữa các thành viên trong đàn.
Trí thông minh
Con người nhiều khi phải ngạc nhiên về tính láu lỉnh, thông minh của khỉ. Chúng học được rất nhanh những động tác con người truyền dạy. Các gánh xiếc rong của đám sơn lâm mãi võ quảng cáo bán thuốc ngày xưa, bao giờ cũng dắt theo con khỉ biểu diễn các trò múa thanh đao, nhào lộn và đi xe đạp. ở Thái Lan, người ta có sáng kiến huấn luyện khỉ trèo lên những cây dừa cao vút để hái quả, thay sức người.
Sự khôn ngoan của khỉ nhiều khi cũng gây thiệt hại cho người, chúng rất có tài bẻ trộm ngô và trái cây trồng trên nương rẫy. Khi tổ chức ăn trộm, chúng biết phân công một số con cảnh giới cho cả đàn ào xuống hái đưa về cất giấu trong hang đá. Chúng nhanh chóng biến mất khi nghe tín hiệu báo động của những con canh gác.
Khỉ còn có khả năng tìm được những cây thuốc để tự chữa bệnh và đắp vết thương. Đã có một dạo ở Hà Nội, người ta phổ biến cho nhau trồng một loại thân thảo gọi là “cây khỉ hái” để làm thuốc chữa bệnh gì đó (!) Thế là con người học mót phương thuốc của “thày lang” khỉ!
Khỉ rất hay bắt trước người, nên đã có lần chúng bị mặc lừa. Chuyện kể rằng, những năm chống Mỹ, có một đơn vị bộ đội đóng quân trong một cánh rừng Trường Sơn, nơi có đàn khỉ lớn. Chúng rất cảnh giác, thấy có bóng người là leo tít lên ngọn cây, nấp trong vòm lá, nhưng vẫn quan sát các hoạt động của con người. Bộ đội ta đã lập mưu bắt sống khỉ bằng cách ra bờ suối bày trò chơi lấy dây rừng trói nhau thật chặt, trói cả chân tay và quấn cả quanh người như bó giò. Trò chơi tinh quái này được lặp lại vài lần, sau đó bỏ lại một ít thức ăn và dây rợ đầy mặt đất, rồi trốn vào nơi ẩn nấp. Một lúc sau, cả đám khỉ ào ra chí choé giành nhau thức ăn rồi bắt chước trò chơi của người, có vẻ thích thú lắm. Bất ngờ bộ đội ta ập đến tóm gọn một lúc hàng chục con khiêng về.
Tình mẫu tử
Nhìn chung thì loài vật nào cũng yêu con và biết bảo vệ con khi còn nhỏ, nhưng ở khỉ, tình yêu con tha thiết vô cùng. Khỉ con mới sinh trưởng thường bám lấy túm lông của mẹ mà không cần sự giúp đỡ nào. Thoạt đầu, nó treo mình trên ngực mẹ, mặc cho mẹ nó cứ thoăn thoắt leo cây, truyền cành, nó vẫn có thể ngậm bầu vú mẹ. Chẳng bao lâu, nó đã biết cưỡi lên lưng mẹ. Những lúc thư nhàn, hai mẹ con thường ngồi bới lông cho nhau. Chuyện rằng: Có một người thợ săn, với khẩu súng trên tay, mỗi năm đã giết hàng trăm thú rừng, kể cả loài thú dữ. Rồi một hôm, ông ta bắt gặp một con khỉ mẹ cõng con nhỏ trên vai. Hai mẹ con đang đùa nhau âu yếm. Ông giương súng lên. Một tiếng nổ chát chúa. Viên đạn lại trúng vào con khỉ con xấu số, rơi xuống đất. Sau mấy giây kinh hoàng, khỉ mẹ đã không hề bỏ chạy mà nhảy choàng xuống cứu con trước mũi súng còn bốc khói. Nó ôm vội lấy đứa con và giương mắt nhìn người thợ săn đầy vẻ căm hờn, rồi cúi xuống xác đứa con đẫm máu, và nó khóc! Người thợ săn đã xúc động trước tình mẫu tử của con vật. Chợt nghĩ đến đứa con nhỏ của mình, ông đã sám hối, đập gẫy súng, bỏ nghề săn.
Quan hệ hôn nhân và gia  đình
Tại một hòn đảo ở biển Nha Trang nước ta, có một trung tâm nuôi khỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu về y học, người ta đã quan sát thấy nhiều hiện tượng lý thú về tình yêu và hôn nhân của khỉ. ở đây, con đực nào cũng có trên dưới 10 con cái làm vợ. Chúng tách thành các gia đình nhỏ trên đảo, cùng ăn uống sinh hoạt chung với nhau. Hễ có con khỉ đực nào đến lân la tán tỉnh đám vợ của mình là khỉ chồng lồng lên giận dữ, đánh nhau kịch liệt có khi đến chết. Vì sao tỉ lệ đực/cái lại chênh lệch lớn như vậy? Người nuôi khỉ cho biết, có 3 nguyên nhân: Tỉ lệ khỉ cái được sinh ra bao giờ cũng nhiều hơn khỉ đực. Chính các con khỉ đực trưởng thành luôn xung đột cắn giết lẫn nhau tranh ngôi chúa tể và cả tranh giành con cái. Mặt khác, trong việc nghiên cứu khoa học, con khỉ đực thường phải lên bàn mổ hiến thân cho khoa học nhiều hơn khỉ cáI, đã dẫn đến tình trạng... thiếu “đàn ông”. Các con khỉ vợ cũng biết ghen tuông, ngấm ngầm ganh ghét nhau, nhưng sợ chồng, không dám đánh ghen. Khỉ chồng cũng chẳng mấy công bằng mà thường thiên vị yêu vợ này hơn vợ khác.
Xã hội loài khỉ cũng như xã hội loài người, luôn tồn tại giữa thiện và ác. Trong đàn bao giờ cũng có một con khỉ chúa, ấy là con đực to khoẻ nhất, đánh thắng những con khác trong cuộc tranh giành ngôi chúa, áp bức thần dân. Nó trở nên kiêu ngạo, biến chất thành một con khỉ độc hung dữ và dâm bạo. Nó không kết bạn và lập gia đình riêng với khỉ cái, nó thường hú lên những tiếng man rợ, chạy ào từ trên núi xuống rồi chạy lồng quanh các gia đình khỉ tìm kiếm, gặp con khỉ cái nào ưng ý là nó chồm tới bắt rồi vác chạy vào rừng. Anh khỉ chồng sợ oai của nó đành cay đắng ngồi im. Cá biệt cũng có những con đực dũng cảm xông vào đánh nhau kịch liệt để dành lại vợ. Đã có lần, người ta tìm cách bắt nhốt con khỉ chúa đưa sang đảo khác nuôi, nhưng rồi chỉ vài tháng sau, lại thấy xuất hiện một con khỉ chúa khác, cũng hung bạo không kém gì con trước.
Chứng kiến một đám tang của khỉ trên đảo này cũng rất ấn tượng. Trong đàn khỉ, khi có một con bị ốm chết, dù chết ban ngày, chúng cũng để đêm mới đưa tang. Cả gia đình nhà khỉ đó ngồi xúm quanh xác chết người thân kêu khóc thống thiết. Các gia đình khỉ khác cũng ngồi thành vòng tròn từng cụm tỏ ý chia buồn. Chúng ngồi như vậy khoảng một giờ rồi mang đi chôn cất. Nếu con cái bị chết thì con đực vác xác vợ lầm lũi đi vào trong hang đá. Từng tốp khỉ lặng lẽ theo sau diễu hành đưa tiễn qua sườn núi vắng trong đêm.
ở trại nuôi khỉ, khi một con khỉ mẹ đang nuôi con mà bị chết thì đứa con mồ côi này rất khổ, thường bị các bà dì ghẻ hắt hủi, dành giật thức ăn của nó để ăn hoặc cho con mình. Khỉ đực vốn vô tâm không chú ý đến đến đứa con bất hạnh, vì vậy, khỉ con sau một thời gian sẽ chết, không ngoại trừ cả nỗi cô đơn nhớ mẹ.
Đàn khỉ con trong gia đình khỉ khi trưởng thành tự tách khỏi gia đình đi cặp với khỉ ở đàn khác cùng thế hệ, lập gia đình mới. Người ta chưa gặp đám khỉ có quan hệ huyết thống giao cấu với nhau, đó là bản năng chọn lọc tự nhiên, nâng cao sức sống giống nòi.

  • Tags: