Gian nan quản lý các cơ sở nhỏ, lẻ
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh, trong nửa đầu năm 2023, mặc dù công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đề ra, song do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm đến 86%; các cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tự phát tại các khu, cụm công nghiệp hoạt động chủ yếu vào ban đêm, phát triển tự phát không theo quy hoạch. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận kinh tế nên chưa tự giác chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, không quan tâm đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng….
Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chưa được đầu tư, còn thô sơ, tập quán sản xuất cũng như ý thức của người dân, chủ cơ sở trong đảm bảo an toàn thực phẩm chưa cao. Đặc biệt là việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ tạm, chợ cóc còn gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng, phong phú từ các nơi trong và ngoài tỉnh. Bắc Ninh cũng như các tỉnh, thành khác đều gặp phải vấn nạn về quy trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm thủy sản theo phương pháp truyền thống, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các hộ sơ chế, sản xuất, kinh doanh còn thấp. Truyền thống và thói quen, đó là thực trạng của tình trạng của tình trạng an toàn thực phẩm của Bắc Ninh.
Khi mà sàn giao dịch thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc mua bán qua mạng ngày càng phát triển cũng chính là tạo ra các kẽ hở pháp lý gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn chậm thích nghi với yêu cầu mới, nhất là ở tại tuyến xã, cán bộ phụ trách về an toàn thực phẩm đều là cán bộ kiêm nhiệm…
Tháo gỡ từ nhận thức
Những nguyên nhân trên đã khiến công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh gặp không ít khó khăn. Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh sẽ tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Sẵn sàng, chủ động các phương án đảm bảo thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới.
Tuy nhiên, tâm điểm mà Bắc Ninh hướng tới là đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông nhằm thay đổi hành vi về ATTP. Bên cạnh các hình thức truyền thống sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên môi trường mạng. Đổi mới nội dung và hình thức để tiếp cận tới từng nhóm đối tượng truyền thông phù hợp. Tạo sự đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATTP; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát hậu kiểm đối với các sản phẩm thực phẩm sau công bố và tự công bố của các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, mô hình điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.