Nâng cao hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng thủy sản tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 – 2017

PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu (Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), ThS. NCS. Nguyễn Ngọc Trung (Thành ủy TP. Hồ Chí Minh), ThS. NCS. Nguyễn Thị Nga (Khoa Tài chính - Học viện Ngân

TÓM TẮT:

Mục đích của nghiên cứu này là tập trung phân tích chuỗi cung ứng cũng như rủi ro trong chuỗi cung ứng thủy sản của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2017. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu các rủi ro này trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng, thủy sản, tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2012-2017.

I. Đặt vấn đề

Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đem lại nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước như mở rộng thị trường kinh doanh, dễ dàng tiếp nhận thêm vốn và công nghệ… Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều và một trong những thách thức lớn đó là xác định cụ thể và quản trị hiệu quả các rủi ro đang ngày càng phức tạp do xu hướng toàn cầu hóa các chuỗi cung ứng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường liên kết, hợp tác có tính chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển trước các đối thủ lớn từ nước ngoài cũng như hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù là chủ đề được quan tâm nhiều trong cả lý luận và thực tiễn. mỗi quốc gia và mỗi ngành đều có các rủi ro đặc thù. Chính vì vậy, nghiên cứu này sẽ cố gắng xác định các loại rủi ro cho một ngành cụ thể như ngành Thủy sản Việt Nam, là một ngành khá đặc thù, có mức độ rủi ro cao (Duijn và các cộng sự, 2012).

II. Thực trạng chuỗi cung ứng thủy sản tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2017

1. Chuỗi cung ứng thủy sản tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2017

Kết quả định tính chi phí và lợi nhuận tại các mắt xích trong chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bến Tre cho thấy sự bất hợp lý và mâu thuẫn trong quá trình phân bổ chi phí và lợi nhuận đối với các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị; trong đó người nuôi thủy sản gặp bất lợi lớn, nhà nhập khẩu và phân phối thủy sản ở nước ngoài có lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, các số liệu cũng mô tả sự bất hợp lý về phân phối thu nhập ngay trong nội bộ ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bến Tre khi lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gấp gần 4 lần hộ nuôi thủy sản (Nguyễn Ngọc Minh, 2011).

1.1. Đầu vào

+ Con giống:

Trên địa bàn tỉnh có 33 trại sản xuất (9 trại sản xuất giống tôm chân trắng) và 101 cơ sở kinh doanh giống tôm biển. Các cơ sở ươm và phân phối giống trên địa bàn có thời gian hoạt động khá lâu, trung bình với số năm kinh nghiệm hoạt động là 12 - 15 năm. Về quy mô hoạt động cũng khác biệt lớn, có cơ sở vốn đầu tư chỉ khoảng 200 triệu đồng nhưng cũng có cơ sở có số vốn đầu tư lên đến 5 tỷ đồng tùy thuộc vào nguồn lực của chủ các cơ sở. Năng lực cung cấp con giống giữa các cơ sở cũng khác nhau, trung bình mỗi cơ sở cung cấp khoảng 50 triệu con giống/năm, có cơ sở chỉ cung cấp khoảng 10 triệu con giống/năm. Tuy nhiên, có những cơ sở lớn có khả năng đáp ứng khoảng 70 triệu con giống/năm. Trong đó, số lượng giống tôm thẻ cung ứng chiếm 80%, còn lại là số lượng giống tôm sú.

Con giống là khâu quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình nuôi và chất lượng của thủy sản thành phẩm khi xuất khẩu. Chất lượng con giống của người nuôi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn con giống được lưu thông trên thị trường. Theo các chuyên gia về thủy sản, công tác kiểm tra về chất lượng giống thủy sản hiện nay chỉ mới thực hiện được đến mức phát hiện các mầm bệnh của một số bệnh cơ bản thường gặp mà chưa thể kết luận được giống thủy sản thực sự có chất lượng hay không. Hầu hết các hộ gia đình đều tự mua giống và nhận xét về chất lượng con giống theo kinh nghiệm nuôi sẵn có, chỉ một số ít các hộ nhờ sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật và mua tại trung tâm giống thủy sản. Sự phụ thuộc vào giống nhập ngoài tỉnh khiến công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng giống thủy sản gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho giống không rõ nguồn gốc từ các tỉnh khác xâm nhập gây ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi trồng. Con giống kém chất lượng và nhiễm bệnh do virus, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hàng năm chiếm 10% diện tích nuôi.

+ Thức ăn:

Toàn tỉnh có có 431 đại lý cấp 1 và cấp 2 kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Trong hoạt động mua bán ở các đại lý thức ăn và thuốc thủy sản thường phân biệt qua mức độ thân quen giữa đại lý với người mua. Đối với các khách hàng mới, người mua phải trả trước và trả gối đầu hoặc phải trả tiền mặt trong khoảng 1 tháng đầu và chỉ bán thiếu từ tháng thứ 2 trở đi. Còn đối với các hộ thân quen, các đại lý sẵn sàng cho thiếu ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, giá bán của từng khách hàng cũng khác nhau tùy vào hình thức trả tiền mặt hay trả chậm.

Về nguồn thức ăn nuôi thủy sản, ngoại trừ nghêu ăn mùn bã hữu cơ (chiếm 75% - 90%) và thực vật phù du có trong môi trường sống, còn lại các loài thủy sản khác (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) đều cần người nuôi phải cung cấp thức ăn khi nuôi thâm canh. Căn cứ vào kinh nghiệm, sự giới thiệu của các hộ lân cận và thông tin quảng cáo của người bán, hộ nuôi lựa chọn loại thức ăn cần sử dụng.

Chi phí thức ăn cho các loài thủy sản rất cao nhưng kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy không có hộ gia đình nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chế biến thủy sản hoặc bất kỳ hình thức cam kết nào khác về vấn đề thu mua sản phẩm đầu ra. Hộ gia đình nuôi trồng thủy sản theo kinh nghiệm và tư duy sẵn có, không tiếp cận được nhiều thông tin về yêu cầu đối với sản phẩm đầu ra; trong khi đó, khi mua cá tra để phục vụ chế biến, doanh nghiệp chỉ mua sản phẩm của các hộ nuôi đạt yêu cầu. Sự khác biệt giữa nhận thức của hộ gia đình nuôi trồng thủy sản và yêu cầu của doanh nghiệp rất dễ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu luôn đặt ra những quy định mới theo hướng khắt khe hơn đối với thủy sản Việt Nam.

Chi phí thức ăn trong khâu nuôi thủy sản chiếm tỷ trọng rất cao nhưng người nuôi không được đảm bảo về thu mua đầu ra từ doanh nghiệp nên trong trường hợp không tìm được nguồn thu mua, người nuôi có nguy cơ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Thông qua quá trình hợp tác, kinh doanh, mối quan hệ bán - mua giữa người cung cấp thức ăn và người nuôi được thiết lập. Trong nhiều trường hợp, người bán thức ăn còn cho người nuôi mua thức ăn trả sau, vay thêm tiền để đầu tư, cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và bán thuốc hóa chất v.v... Tuy nhiên, mối quan hệ này chỉ thực sự hiệu quả khi vụ nuôi thắng lợi; còn khi vụ nuôi thất bại hoặc rớt giá thì rủi ro thuộc về người nuôi (người mua thức ăn) bởi lẽ hầu hết các quan hệ trên chỉ tạo quyền chủ động cho người bán, không có một cam kết chính thức hay ràng buộc nào về tiêu thụ sản phẩm hay chia sẻ rủi ro khi có dịch bệnh hoặc giá thị trường biến động. Bên cạnh đó, người nuôi thường phải mua thức ăn, thuốc hóa chất và các yếu tố đầu vào khác với giá cao hơn một chút so với giá thị trường; đồng thời, phải cam kết khi thu hoạch phải bán giá sản phẩm cho chính những chủ đại lý bán thức ăn với giá thấp hơn giá thị trường, điều này tạo một tiền lệ không tốt trong kinh doanh, gây ra sự chèn ép của lực lượng trung gian đối với người nuôi về giá đầu vào (cao), giá đầu ra (thấp), buộc phải bán sản phẩm, gian dối trong cân lượng sản phẩm và định giá bán sản phẩm (Cục Nuôi trồng thủy sản, 2009).

1.2. Nuôi trồng

+ Chăm sóc:

Lực lượng lao động tham gia vào khâu chăm sóc, bảo vệ và nuôi trồng thủy sản là các thành viên trong hộ. Một số hộ thuê mướn thêm lao động và số lượng lao động được thuê tương đối nhiều chứng tỏ sự tập trung của các hộ nuôi vào công việc chăm sóc, bảo vệ thủy sản.

Thông qua số lượng phản hồi của hộ nuôi về nguồn gốc tiếp thu kỹ thuật nuôi trồng đã cho thấy các hộ vẫn chăm sóc, bảo vệ thủy sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và tập huấn tập trung đều chưa trở thành nguồn tư vấn kỹ thuật thực sự đáng kể do các nguyên nhân: Hộ nuôi chưa quan tâm tham dự các buổi tập huấn hoặc không có nhu cầu được cán bộ kỹ thuật tư vấn, vì cho rằng kinh nghiệm của mình là chính xác, trình độ học vấn còn hạn chế nên khó tiếp thu khi được truyền đạt về kỹ thuật.

Tương tự như tiếp thu kỹ thuật nuôi trồng, thông tin mà các hộ tiếp cận phần lớn là quy định của ngành do cán bộ kỹ thuật, các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp tập huấn phổ biến kiến thức tập trung, còn lại đa số các hộ là không quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng các hộ không quan tâm hoặc không cập nhật tình hình quy định của các thị trường xuất khẩu, không biết sản phẩm của mình có được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hay không, chỉ số ít các hộ cho rằng sản phẩm có thể được xuất khẩu nhưng không biết sẽ được xuất khẩu sang những thị trường nào.

Về công tác chấp hành vệ sinh môi trường nuôi thủy sản, trình độ nhận biết và ý thức đảm bảo vệ sinh của các hộ nuôi trồng còn hạn chế. Tập quán nuôi trồng tự nhiên, làm theo thói quen, chú trọng tính thuận tiện vẫn còn ăn sâu vào nhận thức của các hộ. Mặc dù đã chuyển sang nuôi thâm canh, sản phẩm đầu ra cần phải đáp ứng nhiều điều kiện kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường của thị trường tiêu thụ và không làm ảnh hưởng đến vùng nước, các hộ nuôi trồng lân cận. Kết quả điều tra cho thấy, số hộ cho rằng sự tuân thủ các quy định về vệ sinh nguồn nước, ao nuôi và bảo vệ môi trường đang là khó khăn đối với quá trình nuôi.

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn của hộ nuôi trong thực hiện quy định về vệ sinh nguồn nước, ao nuôi và bảo vệ môi trường là đa số các hộ đều cho rằng việc chấp hành quy định làm gia tăng chi phí nuôi nên sản phẩm đầu ra khó cạnh tranh. Việc không thực hiện các yêu cầu về vệ sinh, môi trường, là nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản và có thể gây ảnh hưởng xấu đến kết quả xuất khẩu khi các thị trường xuất khẩu như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đang ngày càng đặt ra các tiêu chí nghiêm khắc hơn về vấn đề này. Tính không đồng nhất trong tuân thủ cũng là một trở ngại đối với các hộ nuôi có ý thức và thực hiện nghiêm túc, bởi vì cùng với việc tuân thủ là chi phí nuôi trồng vượt trội so với các hộ không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ trong khi lợi nhuận thu được từ nuôi thủy sản khá bấp bênh.

Về vấn đề xử lý thủy sản khi bị bệnh hoặc chết, hộ nuôi thường dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc học hỏi kinh nghiệm xử lý từ các hộ nuôi khác. Khi phỏng vấn sâu các hộ về cách thức xử lý thủy sản khi bệnh, chết thì được biết là các hộ có thể thu hoạch sớm để bán, có trường hợp là thải ra môi trường xung quanh nếu không tiêu thụ được. Việc không được hướng dẫn cách thức xử lý thủy sản bị bệnh, chết đúng cách mà hộ nuôi tự xử lý theo cách nghĩ của mình hoặc làm theo các hộ nuôi khác là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nuôi trong khu vực và phát tán các dịch bệnh nhanh chóng.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre tình hình các hộ nuôi chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi là thách thức đối với thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bến Tre. Theo quy định của Farm Bill, cá da trơn phải được nuôi trong các ao nông và sử dụng nước giếng khoan, đây là những điều kiện nuôi ngặt nghèo sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các hộ gia đình, trong khi đó ý thức bảo vệ môi trường và vệ sinh trong khâu nuôi trồng hiện tại vẫn còn hạn chế thì việc đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn là không khả thi.

+ Chữa bệnh:

Thuốc và hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm cải tạo môi trường, nhóm phòng bệnh (gồm cả việc kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng) và nhóm trị bệnh. Theo kết quả điều tra, hiện nay, những hiểu biết của người nuôi về các loại thuốc hóa chất này nhìn chung rất thấp.

Hiện, ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, việc sản xuất các loại thuốc, hóa chất cho nuôi trồng thủy sản nhìn chung chưa phát triển. Chúng ta mới chủ yếu sản xuất các loại thuốc hóa chất đơn giản như vôi nông nghiệp, một số loại kháng sinh, men vi sinh,… Tuy nhiên, chất lượng thấp nên không được người nuôi ưa chuộng. Hầu hết các loại thuốc hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là nhập khẩu và lưu thông vào Việt Nam qua hệ thống các đại lý kinh doanh, nhà phân phối độc quyền.

Nhìn chung, hệ thống kinh doanh thuốc hóa chất hoạt động khá năng động và hiệu quả. Do hầu hết các loại thuốc hóa chất phải nhập khẩu nên chất lượng tương đối bảo đảm, số lượng đa dạng, hệ thống phân phối rộng khắp nên bước đầu đã kích thích sản xuất, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, do nhận thức và trình độ kỹ thuật của người dân chưa cao và năng lực quản lý kiểm soát còn hạn chế nên nếu không có những giải pháp, hành động cụ thể, việc sử dụng thuốc và hóa chất có thể gây nguy hại cho môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm hiệu quả sản xuất và tính bền vững.

Trong quá trình nuôi dưỡng, việc sử dụng các thuốc chữa bệnh là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại xảy ra nhưng việc dùng thuốc chữa bệnh (chủ yếu là kháng sinh) cần phải được tuân thủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo không sử dụng các chất kháng sinh bị cấm và liều lượng hợp lý để đáp ứng yêu cầu về dư lượng kháng sinh theo quy định của thị trường xuất khẩu. Đây là mối quan tâm đặc biệt của nhà sản xuất, chế biến do sản phẩm bị kiểm soát rất chặt chẽ tại các tổ chức về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU và Hoa Kỳ (Bush and Oosterveer, 2007).

Việc hộ nuôi không nắm được thông tin rõ ràng, sản phẩm đầu ra của các hộ này có khả năng không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Thực trạng này cho thấy công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho hộ nuôi trồng còn chưa đạt được kết quả tốt. Khi hộ nuôi thiếu thông tin sẽ xử lý theo kinh nghiệm, có thể lựa chọn thuốc trị bệnh theo tiêu chí loại có tác dụng mạnh và giá cả thấp mà không nhận biết được loại thuốc được mua có bị cấm sử dụng hay không.

1.3. Thu hoạch

Thu hoạch thủy sản để bán là khâu cuối cùng trong quá trình nuôi của các hộ gia đình đều do doanh nghiệp chế biến, người thu mua trung gian hoặc hộ thuê người thực hiện. Trong đó, sản phẩm đầu ra được thu hoạch bởi doanh nghiệp chế biến; khi hộ đồng ý bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến theo giá thỏa thuận, doanh nghiệp sẽ có đội ngũ đánh bắt chuyên nghiệp đến ao nuôi để thực hiện thu hoạch và bố trí sẵn phương tiện vận tải để chở về nhà máy. Các hộ nuôi không thể tự thu hoạch được vì doanh nghiệp chế biến, người thu mua trung gian không cho phép thực hiện; doanh nghiệp có đội ngũ đánh bắt chuyên nghiệp để hạn chế tổn thất; mặt khác, người nuôi cũng không đủ phương tiện kỹ thuật, nhân công để thu hoạch và chở đến nhà máy thu mua sản phẩm.

Thực tế ở nhiều địa phương, giá cả thủy sản phụ thuộc nhiều vào thị trường trong khi mối liên kết giữa người nuôi và lực lượng thu mua vẫn rất lỏng lẻo, chưa có ràng buộc chính thức về chia sẻ rủi ro, số thương lái gian lận trong cân đong, phương thức mua ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất.

1.4. Chế biến

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bến Tre đã được Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ngành Thủy sản Việt Nam (tương đương với các quy định số: 852/2004/EC, 853/2004/EC của Hội đồng Châu Âu và quy định về GMP, SSOP, HACCP của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ tại 21 CFR 110, 123) trong sản xuất các sản phẩm thủy sản xuất khẩu và đạt chứng nhận về quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng hoàn toàn đủ điều kiện để sản phẩm được chứng nhận là thực phẩm HALAL (sản xuất phù hợp với các quy tắc ẩm thực của người Hồi giáo), vì thủy sản là loại thực phẩm có quá trình nuôi và chế biến hoàn toàn không tiếp xúc với các thực phẩm được xem là cấm kỵ của đạo Hồi.

Ngoài các chứng nhận phổ biến, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Bến Tre cũng đã đạt được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường và đối tác nhập khẩu như: FAQUIMEX đạt được chứng nhận Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS - International Food Standard) hay AQUATEX có chứng nhận Tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm do tổ chức British Retailer Consortium (BRC) thiết lập. Các chứng nhận về tiêu chuẩn này cũng góp phần nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia cho rằng mặt bằng chung về trình độ máy móc, công nghệ chế biến của các nhà máy chế biến thủy sản của các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre còn hạn chế so với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở một số tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang.

1.5. Xuất khẩu

Các hoạt động phục vụ khâu xuất khẩu thủy sản tại các doanh nghiệp đều được thực hiện đúng quy định của các thị trường xuất khẩu, quy trình vận chuyển và xuất khẩu được thực hiện nhờ sự hỗ trợ bởi các công ty giao nhận hoặc các hãng tàu có uy tín. Tuy nhiên, thực trạng là thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre chưa có thương hiệu; nhãn mác được in trên bao bì theo quy định của đối tác nhập khẩu. Mặc dù trong một số cuộc đàm phán, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã cố gắng nhượng bộ về giá hoặc một số điều khoản ưu đãi tương tự nhưng đối tác nhập khẩu không cho phép thể hiện nhãn hiệu của doanh nghiệp trên bao bì, kể cả trường hợp nhãn hiệu của doanh nghiệp được in nhỏ hơn nhãn hiệu của nhà nhập khẩu. Mặt khác, cũng vì sản phẩm xuất khẩu chưa có thương hiệu doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Bến Tre không chủ động được về giá xuất khẩu, các doanh nghiệp đều không lạc quan về sự cam kết giữ giá sàn trong hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, sự đa dạng hóa thị trường đã làm thay đổi quy định trong ngành cá tra theo hai cách. Trước hết, phân loại chất lượng đã được thiết lập để phân biệt cá chất lượng cao hay thấp bằng việc dựa trên màu sắc và độ chắc của thịt cá. Thí dụ: cá loại I có màu thịt trắng được xuất sang thị trường EU và Hoa Kỳ, loại II có màu không trắng được xuất sang thị trường Nga và loại III có thịt vàng được bán cho thị trường nội địa hoặc các nước trong khu vực châu Á (Khôi et al, 2008). Việc phân loại cá không chỉ ảnh hưởng đến giá bán của nhà xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến giá mua nguyên liệu của nhà máy chế biến và người nuôi (Nguyễn Tri Khiêm, 2015).

1.6. Phân phối

Khâu phân phối tại thị trường nước ngoài được các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản thực hiện, hầu hết là các tập đoàn bán lẻ hoặc thương nhân phân phối trung gian; doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Bến Tre sau khi hoàn thành xong xuất khẩu cũng không quan tâm đến việc phân phối tại thị trường nước ngoài. Chưa có doanh nghiệp nào thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường nước ngoài để có thể thâm nhập sâu hơn vào kênh phân phối.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản còn thiếu thông tin để tiếp cận thị trường xuất khẩu mới hoặc tìm kiếm đối tác nhập khẩu; thiếu sự hỗ trợ về vốn và thông tin, tính liên kết trong kinh doanh còn lỏng lẻo.

III. Kết luận và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng ngành Thủy sản tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2018-2023

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng ngành Thủy sản tỉnh Bến Tre trong giai đoạn tới, một số kiến nghị được đề xuất như sau:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn 4 nhà giữa doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học và người nuôi trồng thủy sản để đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu;

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh trên toàn bộ chuỗi cung ứng từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu nhằm thỏa mãn yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Chất lượng thủy sản xuất khẩu được kiểm soát tốt tạo uy tín cho thủy sản Bến Tre đối với các đối tác nhập khẩu hiện có, đây cũng là tiêu chí cơ bản để thủy sản xuất khẩu có thể được chấp nhận ở hầu hết các thị trường nhập khẩu.

Thứ ba, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về chủ trương, kinh phí, kỹ thuật và sự chủ động của doanh nghiệp thì việc xây dựng được một nhóm các sản phẩm giá trị gia tăng mới là hoàn toàn có thể thực hiện được vì một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thành công với cách làm này. Việc đa dạng hóa sản phẩm là điều kiện để doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu và kinh doanh bền vững;

Thứ tư, cần phải có các giải pháp cụ thể để ứng phó với sự thay đổi của thị trường như quy định IUU của Liên minh châu Âu hay qui định của đạo luật Farm Bill 2008; tăng cường kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm. Trên cơ sở chủ động sẽ hạn chế được sự thay đổi các qui định đến hoạt động của toàn bộ chuỗi cung ứng;

Thứ năm, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi, chế biến thủy sản xuất khẩu; Hỗ trợ kinh phí đảm bảo các hoạt động của các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

1. Chính phủ, 2017. Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

2. Cục Nuôi trồng thủy sản, 2009. Quy hoạch Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, 2016. Công văn số 2366/QLCL-CL1 ngày 14/11/2016 về việc lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản bị cảnh cáo.

4. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre Lần thứ IX, 2011. Văn kiện Đại hội. Tạp chí Xây dựng Đảng.

5. Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa IX, 2016. Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 03/08/2016 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

6. Lê Thủy, 2016. Nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL do xâm nhập mặn. Kinh tế và Dự báo. <http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/174-5546-nguy-co-pha-vo-quy-hoach-nuoi-trong-thuy-san-vung-dbscl-do-xam-nhap-man.html>. [Ngày truy cập: 10/7/2017].

7. Nguyễn Tri Khiêm, 2015. Chuỗi giá trị toàn cầu cá tra Việt Nam: Thách thức của phát triển bền vững. Hội thảo khoa học: Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn, trang 143 - 160. Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8. Nguyễn Xuân Minh, 2011. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bến Tre - Tiếp cận từ chuỗi giá trị xuất khẩu. Đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh Bến Tre.

9. Quốc hội, 2016. Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/04/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

10. Thủ tướng Chính phủ, 2013. Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

11. Tổng cục Thống kê, 2016. Niên giám thống kê năm 2016. Hà Nội: Nhà Xuất bản Thống kê.

12. Trần Hữu Hiệp, Nguyễn Song Tùng và Hà Huy Ngọc, 2015. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đề tài cấp Nhà nước. Mã số: BĐKH.30.

13. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, 2008. Quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 12/12/2008 Về việc quy hoạch chi tiết nuôi cá da trơn tỉnh Bến Tre đến năm 2020.

14. VASEP, 2015. Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tiếng Anh:

1. Bush, S.R., N. T. Khiem and L. X. Sinh, 2009. “Governing Pangasius for sustainable rural livehoods and enviriment performance: a review”. Aquaculture Economics anf Management 13(4): 271-293.

2. Bush, S.R., P. Oosterveer, 2007. The missing link: intersecting governance and trade in the space of place and the space of flows. Sociologia Ruralis 47(4): 384-400.

3. Khoi, L. N. D., J. Wijingaard and C. Lutz, 2008. Farming system practices of seafood production in Vietnam: the case study of Pangasius small-scale farming in the Mekong River Delta. Groningen, ASEAN Businees Case Studies No 27.

Improving the performance of fisheries supply chain in Ben Tre province in the period of 2012 - 2017

Assoc. Prof. PhD. Nguyen Thanh Hieu

Faculty of Business Administration - National Economics University

MA. Post Graduate Student. Nguyen Ngoc Trung

Ho Chi Minh City Party Committee

MA. Post Graduate Student. Nguyen Thi Nga

Faculty of Finance - Banking Academy

Abstract:

The purpose of this study is to analyze the supply chain as well as the risk in the fisheries supply chain of Ben Tre province for the period 2012 - 2017. Thus, the authors propose solutions to minimize these risks in the next stage.

Keywords: Supply chain, Aquaculture, Ben Tre province, period 2012 - 2017.