Nâng cao kết quả đầu tư dựa trên nghiên cứu tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Tóm tắt:

Lý thuyết tài chính hành vi, dựa trên tâm lý con người, để hiểu cảm xúc và nhận thức ảnh hưởng đến hành vi đầu tư cá nhân như thế nào (nhà đầu tư được đề cập là nhà đầu tư cá nhân). Mục tiêu chính của nghiên cứu là tìm hiểu các yếu tố hành vi ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân thông qua lợi nhuận mà họ đạt được.

Từ khóa: Các yếu tố hành vi, quyết định đầu tư, thiên vị sẵn có, tính đại diện…




I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tài chính hành vi là một lĩnh vực mở nhằm nghiên cứu các nhân tố tâm lý ảnh hưởng tới tiến trình ra quyết định đầu tư như thế nào dưới điều kiện không chắc chắn. Một nhà đầu tư, khi tham gia vào thị trường có phải lúc nào cũng có thể ra một quyết định hợp lý không. Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý hành vi cụ thể là quá tự tin, tâm lý đám đông, lệch lạc do tình huống điển hình và mâu thuẫn trong nhận thức tới tiến trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân quan trọng cho sự xuất hiện của tài chính hành vi là do có nhiều khó khăn phải đối mặt ở các lý thuyết truyền thống. Theo các nhà khoa học, nếu nới lỏng giả định người ta hoàn toàn tư duy một cách hợp lý, thì các hiện tượng tài chính khác nhau sẽ được hiểu tốt hơn. Sau đó, các mô hình khác nhau cũng được ra đời. Trong khi một vài người trong số họ cho rằng, người ta chỉ thất bại trong việc cập nhật thông tin một cách kịp thời, thì một vài mô hình khác cho rằng, họ cập nhật thông tin một cách hợp lý, nhưng đưa ra các quyết định dựa trên thông tin đó thì bất hợp lý. Nó đòi hỏi sự nhấn mạnh rằng, mục tiêu quan trọng của 6 tài chính hành vi đã không được chứng minh trong các lý thuyết tồn tại trước đó, vì những giả thuyết này không có khả năng giải thích những tình huống khó hiểu một cách thành công. Vì thế, tài chính hành vi về cơ bản muốn cố gắng đạt được để bổ sung cho các lý thuyết tài chính chính thống bằng việc sáp nhập nó với tâm lý học nhận thức, để tạo ra một mô hình hoàn thiện hơn về hành vi con người trong tiến trình ra quyết định (Thaler, 2005). Từ quan điểm thực tiễn, tài chính hành vi xác định những khái niệm khác nhau khiến con người cư xử một cách không hợp lý và dẫn đến các quyết định không tối ưu. Đối với một nhà đầu tư thông minh muốn nắm bắt bản chất của tài chính hành vi, đầu tiên họ phải suy nghĩ về quyết định đầu tư của mình. Con người thường dễ có những dị thường hành vi khác nhau, cái mà có thể trở thành trở ngại lớn nhất trong việc nỗ lực tối đa hóa tài sản của họ. Không phải những nhà đầu tư lớn thì không có những sai sót, mà là họ hiểu được tầm quan trọng của cảm xúc trong giao dịch và luyện cho tâm trí mình không bị pha trộn những cảm xúc trong việc ra quyết định bằng cách làm theo 2 bước sau: Hiểu được điểm yếu về tâm lý học cũng như cảm xúc của riêng mình bằng cách nghiên cứu các bất thường khác nhau và xác định liệu anh ta/cô ta có phạm phải những sai lầm trong quá khứ đó hay chưa. Hoặc là có xu hướng cam kết điều này trong tương lai và sau khi đạt được mục tiêu trong bước trước, hiểu được những hành vi không hợp lý của những người khác và lợi ích từ lỗi của họ (Parikh, 2011). Mục tiêu của bài này là để kiểm tra xem, liệu các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam có hợp lý ở tất cả các thời điểm hay không. Bài nghiên cứu tập trung vào 4 thiên lệch tài chính hành vi, có tên là: Quá tự tin, tâm lý đám đông, lệch lạc do mâu thuẫn về nhận thức, khuynh hướng lệch lạc do tình huống điển hình. Ảnh hưởng của 4 yếu tố này lên tiến trình ra quyết định của danh mục đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam đã được phân tích trong bài nghiên cứu. Đó là liệu các hành vi cá nhân có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư về mua và bán chứng khoán hay không.

II. 4 THIÊN LỆCH TRONG TÀI CHÍNH HÀNH VI

1. Quá tự tin

Những nhà tâm lý xác định rằng quá tự tin khiến mọi người đánh giá quá cao kiến thức của họ, đánh giá thấp rủi ro và phóng đại khả năng của họ trong việc kiểm soát các sự kiện. Khái niệm quá tự tin bắt nguồn từ một chuỗi các thí nghiệm tâm lý và khảo sát, trong đó các chủ thể đánh giá quá cao cả khả năng dự đoán cũng như độ chính xác của thông tin mà họ có được. Con người thường ước lượng tới khả năng xảy ra của sự việc - một sự việc mà họ nghĩ chắc chắn xảy ra thì thường khả năng xảy ra ít hơn 100%. Tóm lại, con người nghĩ rằng họ thông minh hơn và có nhiều thông tin tốt hơn họ thực sự có (Pompian, 2006). Trong số 289 nhà đầu tư được khảo sát, có 237 nhà đầu tư tương ứng 82% trong tổng khảo sát cho rằng, họ có khả năng ước lượng được giá chứng khoán trong tương lai từ mức trung bình trở lên; trong đó có tới 33.56% cho rằng khả năng ước lượng của họ tốt và tỷ lệ nhà đầu tư nam đồng ý với điều này từ mức trung bình trở lên chiếm 60,6% tương ứng với 144 người. Để hỏi về mức độ tin tưởng vào sự đánh giá của bản thân so với sự đánh giá của các chuyên gia phân tích, có 220 người tức 76,12% tin rằng họ vẫn sẽ quyết định đầu tư nếu ước lượng giá chứng khoán trong tương lai của họ khác biệt so với dự đoán của các chuyên gia phân tích nổi tiếng; trong đó tỷ lệ giữa nhà đầu tư nam và nhà đầu tư nữ không có quá nhiều chênh lệch lần lượt là 59% và 41%. Có tới 81% tức 234 nhà đầu tư khẳng định rằng, mức độ hiểu biết về thị trường của họ từ mức trung bình trở lên; trong đó có 141 nhà đầu tư nam, chiếm tỷ lệ 60,25%. Khi hỏi về khả năng lựa chọn cổ phiếu tốt trong nhóm các cổ phiếu tốt của thị trường, có 248 nhà đầu tư tức 85,5% cho rằng, họ có khả năng chọn được cổ phiếu tốt nhất trong nhóm các cổ phiếu tốt của thị trường và số các nhà đầu tư nam đồng ý với điều này là 151 tương ứng với 60,9%.

Trong đầu tư, quá tự tin dẫn nhà đầu tư đến việc họ có thể tự tin là tìm được Apple hoặc Priceline Inc.( Apple và PriceLine Inc. đã tăng giá 5,3 và 14 lần trong 5 năm gần đây). Nhưng thực tế, họ không thể. Ngoài ra, họ tự tin rằng họ thông minh hơn nhà đầu tư khác ở vị thế ngược lại và họ không tính toán đến những chi phí khi giao dịch như: phí giao dịch, thuế, chênh lệch mua bán (Bid-ask Spread) khi tiến hành một khoản đầu tư. Quá tự tin có nguyên nhân do việc phải ra quyết định rất nhanh khi bị bao vây bởi rất nhiều thông tin trong thị trường chứng khoán và dựa trên những thành công trước đây.

Để vượt qua điều này, chúng ta phải luôn thừa nhận rằng, những gì chúng ta biết ít hơn những gì chúng ta nghĩ, chúng ta biết rõ (We all know less than we think we do) và luôn sẵn lòng học hỏi, thảo luận, phân tích những sai lầm đã qua. Điều quan trọng hơn, để sự quá tự tin này không làm ảnh hưởng đến đầu tư, chúng ta phải xây dựng một danh mục đa dạng hóa và không đánh cược quá trên bất kỳ một ý tưởng hoặc khoản đầu tư nào trong danh mục đầu tư. Đôi lúc chúng ta cũng chiến thắng trên những lý do sai lầm nhưng chính điều này sẽ ghi nhận trong tâm trí và sẽ ảnh hưởng trong lần đầu tư tiếp theo. Vậy để thành công trong đầu tư, không phải là kiếm thông tin tốt hơn mà chính là phải tìm kiếm những giá trị từ các thông tin hiện hữu một cách sáng suốt và có lý hơn.

2. Tâm lý đám đông

Hành vi theo đám đông là một xu hướng của các cá nhân bắt chước hành động của một nhóm lớn mà không xem liệu họ có thể ra quyết định cá nhân hay không. Một lý do nữa là con người thì hòa đồng và có xu hướng tìm kiếm sự đồng thuận từ một nhóm hơn là trở thành một nhân vật cá biệt. Một lý do khác là các nhà đầu tư có xu hướng suy nghĩ rằng một nhóm lớn thì ít có khả năng sai lầm. Điều này có thể khiến một nhà đầu tư tuân theo đám đông với suy nghĩ rằng mọi người có thể biết điều gì đó mà anh ta thì không. Nói rõ hơn, bất cứ khi nào bạn bán cổ phiếu thì người mua nó cũng sẽ nghĩ khác về những triển vọng tương lai của cổ phiếu đó. Bạn nghĩ nó sẽ giảm, người mua nghĩ nó sẽ lên. Hoặc bạn hoặc người mua sẽ đúng nhưng chắc chắn chỉ thông qua sự tương tác của những thái độ khác nhau, như vậy thì thị trường mới nhộn nhịp đông kẻ mua - nhiều người bán. Sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã phản ánh phần nào chân lý ấy.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2006 có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 145%, thậm chí đứng trên thị trường chứng khoán Thượng Hải với mức tăng 130%. Đầu năm 2007 vẫn đang tăng 46% - cao nhất trên thế giới. Thị trường tăng mãnh liệt đã gây sốc cho không ít nhà đầu tư trong nước và các chuyên gia chứng khoán kể cả những nhà quản lý thị trường. Kéo theo đó sự lo sợ nguy cơ hình thành bong bóng trên thị trường chứng khoán đã là đề tài gây tranh cãi trên thị trường. Điều đáng nói ở đây, sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán không chỉ làm tốn giấy mực của báo chí trong nước mà còn thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các báo giới nước ngoài. Thời gian trước và sau Tết, không ngày nào mà hai từ Việt Nam không xuất hiện trên mặt báo cùng với tin tức về thị trường chứng khoán. Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM) đăng tải trên website của họ bài viết “Thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa thiếu cơ sở”. Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) dẫn lời các nhà quản lý tài chính nước ngoài cảnh báo thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng quá nóng và vượt quá giá trị thật. Thậm chí Tuần báo Wall Street Journal có uy tín vào hạng bậc nhất trên thế giới cũng có bài bình luận về thị trường chứng khoán Việt Nam với tựa đề "SaigonMiss”. Đáng chú ý là IMF cũng đã có bản khuyến cáo về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước đổ lỗi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài đổ lỗi cho nhà đầu tư trong nước. Phần lớn đồng tình cho rằng nguyên nhân chính là do tâm lý đầu tư theo đám đông, đầu tư theo phong trào của các nhà đầu tư trong nước - thiếu kiến thức cũng như không có kỳ vọng riêng. Hoạt động chơi chứng khoán trong thời gian vừa qua đã được báo chí nói tới như một thứ “mốt”, một “phong trào”.

Câu chuyện thị trường chứng khoán cũng không hề bớt sôi động khi chỉ số VN-Index liên tiếp giảm trong mấy tuần. Rồi lại đảo chiều hồi phục ngoạn mục ngay sau đó. Đúng là thật khó tiên liệu diễn biến trên thị trường chứng khoán. Mọi lý thuyết, mọi mô hình của thị trường hiệu quả dường như vô nghĩa. Mặc dù nhà đầu tư được cảnh báo chứng khoán đã vượt quá giá trị thật hơn 30% nhưng họ vẫn mua bán, thị trường vẫn không ngừng sôi động. Thậm chí cung không đủ cầu. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng này. Dễ thấy thị trường chứng khoán Việt Nam không vận hành theo bất cứ một quy luật nào. Lý thuyết thị trường hiệu quả hoàn toàn thất bại. Có lẽ đã đến lúc dùng đến các lý thuyết cơ bản dựa trên tâm lý con người để giải thích những bất thường trên thị trường chứng khoán. Bình thường một nhóm các nhà đầu tư cá nhân có thể rất bình tĩnh và sáng suốt, vậy mà cũng có lúc họ lại bị áp đảo bởi những cảm xúc tiêu cực khi các nhà đầu tư khác hành động theo một cách thức phổ biến nào đó. Hiểu một cách đơn giản nhất thì chính sự sợ hãi bị “bỏ rơi” hay thất bại khi bạn bè, người thân, hàng xóm của họ có thể kiếm tiền một cách nhanh chóng, đã đưa đến sức mạnh áp đảo của đám đông. Cũng giống như nhìn thấy sự kiếm tiền quá dễ dàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam - cứ mua là thắng - từ những “đại gia” chứng khoán thì lời hàng chục tỷ đồng, thậm chí bà nội trợ, anh nhân viên phải gom góp, vay mượn vài chục triệu đồng làm vốn nay đã có bạc trăm triệu, thậm chí bạc tỷ đã thôi thúc người ta lao vào chơi chứng khoán. Một nhà đầu tư đã phát biểu “Ai bảo thị trường chứng khoán là canh bạc thì kệ họ nhưng chơi thắng nhiều hơn thua thì chưa ai chịu dừng”. Chứng khoán vượt quá giá trị thật - biết chứ - nhưng họ vẫn mua. Họ chấp nhận mua với giá cao vì tin chắc rằng trên thị trường sẽ còn có người chấp nhận mua lại nó với giá cao hơn nữa. Họ vẫn kiếm lời được.

Sức nóng của thị trường chứng khoán còn “hút” cả anh nông dân, bà bán đậu phộng đến ông xích lô… gom góp tiền dành dụm cả đời đổ vào chơi chứng khoán. Họ cũng phân tích cổ phiếu, dự đoán khả năng hoạt động sinh lời của các công ty hay chơi theo tâm lý đám đông. Thậm chí có nhiều người còn mua bán theo cách hoàn toàn bắt chước các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu. Khuynh hướng (bản năng) đám đông giải thích tại sao con người lại thích bắt chước người khác. Khi thị trường lên hoặc xuống, nhà đầu tư sợ rằng người khác sẽ có nhiều thông tin hơn. Hệ quả của điều này là, nhà đầu tư cảm thấy có sự thôi thúc ghê gớm đối với việc làm theo những gì người khác đang làm. Các nhà tâm lý học cũng đã đưa ra nghiên cứu cho thấy hành vi đám đông thường có khuynh hướng hành động theo một số người chủ chốt có khả năng tiên đoán thị trường. Trong trường hợp của thị trường chứng khoán Việt Nam, “sứ mệnh” đó được giao cho nhà đầu tư nước ngoài.

3. Lệch lạc do mâu thuẫn về nhận thức

Khi nhà đầu tư đối mặt với tình huống mà đứng trước sự lựa chọn giữa hai khả năng, có thể sẽ có một vài xung đột theo sau khi ra một quyết định. Khía cạnh tiêu cực của những lựa chọn dường như có thể nhìn thấy trong khi những mặt tích cực của những thay thế bị loại bỏ sẽ làm tăng thêm các xung đột. Các nhà tâm lý kết luận rằng con người thường thực hiện những sự hợp lý để đồng bộ về nhận thức và duy trì sự ổn định trong tâm lý (Pompian, 2006). Theo mẫu nghiên cứu có 214 người, tương ứng 74% thừa nhận rằng họ sẽ bỏ qua các thông tin mới, đối lập với những thông tin cũ mà họ có về một loại chứng khoán và vẫn giữ nguyên quyết định đầu tư vào chứng khoán đó. Điều này một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư quá tự tin vào những suy đoán của bản thân và cho rằng chỉ những điều họ suy nghĩ mới đúng. Các nhà đầu tư nam thì tự tin hơn các nhà đầu tư nữ và kết quả ở câu hỏi này cũng phù hợp với kết quả thống kê được ở trên, có 128 nhà đầu tư nam tương ứng 59,8% lựa chọn đáp án từ mức trung bình trở lên, trong khi đó số nhà đầu tư nữ là 86, tương ứng 40,2%. Khi được hỏi nếu chứng khoán nhà đầu tư đang nắm giữ thua lỗ nặng thì họ có nắm giữ chứng khoán không, chỉ có 63% đồng ý họ vẫn tiếp tục nắm giữ và tỷ lệ nhà đầu tư nam và nữ trong câu hỏi này gần xấp xỉ nhau, lần lượt là 55% và 45%. Một tình huống được đặt ra là nếu nhà đầu tư tin rằng sản phẩm của công ty A sẽ chiếm lĩnh thị trường và vì vậy phớt lờ các tín hiệu xấu cũng như các đối thủ cạnh tranh khác trong cùng lĩnh vực, tuy nhiên chứng khoán của công ty đó không ngừng giảm giá, vậy liệu nhà đầu tư có tiếp tục củng cố niềm tin về sự phát triển trở lại của công ty không, chỉ có 74% cho rằng họ vẫn sẽ tin tưởng và giữ nguyên quyết định đầu tư, trong đó số các nhà đầu tư nam tự tin vào quyết định của mình là 142 tương ứng 66,4% lớn hơn nhiều so với 72 nhà đầu tư là nữ giới chỉ chiếm 33,6%.

4. Lệch lạc do tình huống điển hình

Trong việc hình thành những đánh giá phán xét chủ quan, con người có khuynh hướng phân loại các sự kiện thành các tình huống điển hình hay mang tính đại diện bởi một tình huống đã biết. Chúng ta có thể định nghĩa đó là sự tin tưởng theo một khuôn mẫu có sẵn. Khuynh hướng này khiến con người đánh giá sự thay đổi tăng hay giảm của thị trường chứng khoán mà không cần xem xét khả năng rằng sự thay đổi chuỗi giá cả hiếm khi xảy ra tương tự nhau. Tương tự như vậy, điều này dẫn tới các nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn nếu là người chiến thắng trong quá khứ và bi quan nếu trong quá khứ thua lỗ. Theo mẫu nghiên cứu có 265 người, tương đương với 92% trong tổng số nhà đầu tư thừa nhận rằng họ thường xem xét thành quả trong quá khứ của một chứng khoán trước khi quyết định đầu tư vào chứng khoán đó; trong đó có 159 nhà đầu tư nam và 106 nhà đầu tư nữ, tương ứng tỷ lệ lần lượt là 60% và 40%. Tỉ lệ phần trăm rất cao này cho thấy các nhà đầu tư có xu hướng tin rằng thành quả trong quá khứ sẽ tiếp diễn trong tương lai. Do đó, khi được hỏi có thể dùng kết quả trong quá khứ của chứng khoán để dự đoán thành quả trong tương lai của chứng khoán đó hay không, có 258 nhà đầu tư trong tổng số 289 người được khảo sát (tương ứng 89%) trong đó có tới 159 nhà đầu tư nam (tương ứng 60,8%) đồng ý rằng điều này là đúng. Chỉ có 79% cho rằng một công ty tốt thì có cổ phiếu tốt và kết quả của câu hỏi này là xấp xỉ giữa 2 giới với 58% nhà đầu tư nam và 42% nhà đầu tư nữ và 78,5% trong mẫu cho rằng nếu một công ty công bố một chuỗi lợi nhuận lớn hàng quý thì những lần công bố sau sẽ tốt đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Đức Thành, Đầu tư chứng khoán căn bản đến kỹ thuật.

2. Lê Văn Tề và Huỳnh Thị Hương Thảo, Giáo trình Thị trường tài chính.

3. Nguyễn Sơn, 10 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam.

4. Burton G.Malkiel, Reflections on the Efficient Market Hypothesis.

Ngày nhận bài: 15/10/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 15/11/2015

Thông tin tác giả:

ThS. Trần Thị Ngọc Anh

Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp






Improving investment performance by studying psychology of investors in Vietnams stock market

Master. Tran Thi Ngoc Anh

Faculty of Finance and Banking, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

Behavioral finance theory is based on human psychology to understand how distortion in feelings and perception affect investing activities of individual investors. The main objective of this study is to examine factors affecting investment decisions of individual investor.

Keywords: Behavioral factors, investors, overreacting or pessimistic, investment decisions, availability bias, representative.