Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần đầu tiên - VILOG 2023, sáng ngày 12/8, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) phối hợp tổ chức Diễn đàn đào tạo nguồn nhân lực Logistics Việt Nam lần thứ III.
Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics - gắn kết hiệu quả với đào tạo” kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Phát triển nhân lực logistisc Việt Nam (VALOMA); đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID); Chương trình Úc cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills; đại diện các cơ sở đào tạo, cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics và chuỗi cung ứng.
Cần trang bị kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực logistics
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh vai trò nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới.
Để ứng phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở thành yếu tố không thể thiếu, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn trong hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban Nghiên cứu - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng đang phải đối mặt với sự thay đổi, số hóa trong quá trình vận hành và quản lý. Để đáp ứng được yêu cầu của xu hướng phát triển, đội ngũ nhân lực với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cần phải được đào tạo và trang bị kỹ năng số.
Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam thực hiện tháng 7/2023 về kỹ năng số trong lĩnh vực logistics cho thấy, mức độ đánh giá năng lực của nhân viên trong lĩnh vực này ghi nhận kỹ năng về ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội được đánh giá cao nhất (điểm 4.02/5), còn kỹ năng sáng tạo nhận điểm thấp nhất (3.21/5); kỹ năng chuyển đổi số (3.23/5) và IT (3.28/5).
Đối với việc thực hiện các chính sách và quy trình để đào tạo nhân viên về kỹ năng số và chuyển đổi số, hơn 86,2% doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, có thể cho thấy rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực.
Kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
Tại phiên thảo luận của Diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi xung quanh các vấn đề như các khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong việc nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics; những giải pháp nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics và kết nối doanh nghiệp - cơ sở đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics.
Từ thực tế sử dụng lao động, ông Phạm Nam Long, Tổng giám đốc và nhà sáng lập Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam (ABIVIN) cho rằng, lực lượng lao động ngành logistics Việt Nam có một số ưu điểm về kỹ năng số dựa trên khả năng thích nghi, sẵn sàng học hỏi và phần lớn còn trong độ tuổi trẻ nên nhanh chóng làm quen với công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu mà lực lượng lao động ngành logistics Việt Nam gặp phải về kỹ năng số bắt nguồn từ việc thiếu đào tạo chuyên sâu và tiếp xúc hạn chế với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và phân tích dữ liệu nâng cao, gây trở ngại đến khả năng tận dụng những công nghệ này để tối ưu hóa hoạt động.
ThS. Phan Huy Đức, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải cho biết, Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo kỹ năng số, nhất là các khó khăn thuộc nhóm hạ tầng số, nền tảng số, năng lực số của đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên; mức độ ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và trình độ không đồng đều về công nghệ thông tin của sinh viên…
Cũng theo ThS. Phan Huy Đức, qua công tác đào tạo, giảng viên của Nhà trường đã áp dụng các phương pháp đào tạo hướng về thực hành thực tế, học tập cộng tác (nhóm học tập hoặc đối tác học tập), trò chơi hóa, cố vấn và hướng dẫn và nhiều phương pháp đào tạo khác hoặc giảng viên kết hợp nhiều phương pháp đào tạo với nhau để đạt được mục tiêu đề ra. Hiện tại, Nhà trường đang triển khai phương pháp đào tạo và đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực với kiến thức, kỹ năng đạt được từ các dự án đào tạo của Chương trình Aus4skills và ngành học Logistics của nhà trường cũng là ngành tiên phong vận dụng phương pháp này cho các mô đun thực hành.
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng ban Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, khi khảo sát các cơ sở đào tạo vào tháng 7/2023 về việc làm thế nào để nâng cao kỹ năng số cho sinh viên hiện nay, hơn 67% cơ sở đào tạo cho rằng cần phát triển môi trường học tập số; hơn 70% cơ sở đào tạo nhận định cần chú trọng hỗ trợ giảng viên cập nhật xu hướng công nghệ; hơn 82,5% cho rằng cần chú trọng đầu tư phần mềm để sinh viên được thực hành; 77,5% cho rằng cần phải có một chiến lược để xây dựng chương trình học đa dạng và linh hoạt, tập trung vào công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần phải có kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường - hiệp hội/doanh nghiệp - tổ chức Quốc tế, chẳng hạn liên kết giữa VLA/VLI - VALOMA -AUS4SKILLS - USAID, để phát triển chương trình đào tạo tích hợp ứng dụng chuyển đổi số phù hợp; kết hợp với huấn luyện giảng viên và sinh viên làm quen với các ứng dụng số hoá.
Ông Lợi cũng đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện tình hình đào tạo và huấn luyện kỹ năng số trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Chẳng hạn ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, kết hợp việc đào tạo với huấn luyện giảng viên và sinh viên trong việc làm quen với công nghệ số.
Đồng thời nghiên cứu tích hợp công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo trong quá trình đào tạo, đồng thời tập trung vào việc định hướng đào tạo về phương pháp làm việc mới; áp dụng chương trình chuẩn quốc tế và hoàn thiện những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, tìm kiếm thông tin trên mạng và an toàn trong môi trường số hóa.
TS. Lê Ngọc Trung - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển nhân lực logistisc Việt Nam (VALOMA), Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cho biết, VALOMA đang triển khai nhiều hoạt động kết nối hội viên nhằm nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên ngành Logistics và chuỗi cung ứng hướng tới thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho sinh viên một cách hiệu quả.
Theo ông Bùi Hữu Nghĩa, Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực Công ty Cổ phần Logistics U&I, trong quá trình chuyển đổi số, U&I gặp phải một số khó khăn về đội ngũ nhân lực IT liên quan đến các vấn đề về số lượng, ngân sách và trình độ của nhân lực tại thời điểm bắt đầu thực hiện còn khá khiêm tốn.
Ông Bùi Hữu Nghĩa thông tin thêm về việc Khối HRD (Phát triển nguồn nhân lực) và Khối IT (Công nghệ thông tin) của Logistics U&I sẽ kết nối để chia sẻ phần mềm WMS (Giải pháp Quản trị Kho) cho các trường thông qua Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), trước mắt là giai đoạn 2023-2024, giúp sinh viên rút ngắn hơn khoảng cách giữa kiến thức và thực tế.
Cùng quan điểm, ông Lê Doãn Trình - Giám đốc thương mại Công ty Cổ phần Công nghệ EcoTruck (ECOTRUCK) cho rằng, để nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics, cần có sự liên kết và kết hợp chương trình đào tạo nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, việc huấn luyện nhân lực về hệ thống vận hành số hoá cần phải thực hiện để quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hiệu quả với các yêu cầu tiên quyết: tuyển đúng, văn hóa đúng, kiểm soát đúng cũng như chú trọng thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo, ngay cả khi đã 100% số hoá trong hoạt động vận hành.
Liên quan đến vấn đề liên kết đào tạo nhân lực logistics giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, GS. Claudio Dordi, Giám đốc Dự án thương mại số VDT, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã chia sẻ kim nghiệm quốc tế thông qua các mô hình đến từ Mỹ, Singrapore và Italia. Tiêu biểu như: Đại học California, Berkeley (UC Berkeley) và UPS hợp tác cung cấp Chương trình chứng chỉ Quản lý chuỗi cung ứng của UPS-UC Berkeley; Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Singapore Logistics Cluster (SLC) hợp tác để phát triển một chương trình đào tạo bao gồm các mô-đun về các chủ đề như quản lý chuỗi cung ứng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Tại Italia, Hiệp hội doanh nghiệp logistics quốc gia (National Logistics Cluster - NCL) hợp tác với một số cơ sở đào tạo để phát triển và cung cấp các chương trình đào tạo chung cho các chuyên gia logistics. Tại Đức, Viện Fraunhofer về Dòng Nguyên liệu và logistics (IML) đã phát triển một số chương trình đào tạo cho lực lượng logistics tập trung vào các chủ đề như quản lý chuỗi cung ứng, tự động hóa kho hàng và phân tích dữ liệu…
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Những thảo luận sâu rộng và trao đổi ý kiến đa chiều tại Diễn đàn giúp các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhận thức rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà ngành logistics đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan nhà nước trong vấn đề đào tạo nhân lực, trang bị kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực sẽ giúp đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả của ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã công bố Bộ tiêu chuẩn nghề (OS) và tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OSS) đối với vị trí Nhân viên giao nhận hàng nguy hiểm. Tài liệu được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện và phù hợp để sử dụng tại doanh nghiệp trong việc đánh giá, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động cũng như sử dụng tại cơ sở đào tạo trong việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo và người lao động có thể dựa vào đó để tự đánh giá cũng như hoàn thiện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần đầu tiên VILOG 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD tổ chức từ ngày 10 – 12/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Triển lãm là sự kiện trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy những giải pháp tiên tiến và định hướng cho ngành logistics Việt Nam nắm bắt cơ hội và thách thức mới trên sân chơi toàn cầu.
Với 345 gian hàng trưng bày của 250 doanh nghiệp tham gia đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, Triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ tiên tiến nhất của ngành logistics. Các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính bao gồm: Vận tải và giao nhận; dịch vụ và thiết bị kho bãi nhà xường; đóng gói và chuỗi cung ứng lạnh; ứng dụng công nghệ logistics.
Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, trong 03 ngày diễn ra Triển lãm VILOG 2023 còn có chuỗi hội thảo và toạ đàm chuyên ngành tạo cơ hội cho các doanh nghiệp logistics tìm hiểu, cập nhật các vấn đề cấp bách và xu hướng nhất, từ công nghệ thông minh IOT đến các quy định hải quan, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới, đào tạo nhân lực ngành hay mô hình Buy-Ship-Pay đột phá trong xuất khẩu nông sản...