![Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/nang-cao-nang-luc--tang-cuong-lien-ket-giua-cac-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro_678f7cfdb0479.jpg)
Chia sẻ về những nỗ lực của CNCTech Thăng Long trong quá trình vượt qua 200 doanh nghiệp để trở thành 1 trong 7 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ chuyên sâu tại Dự án, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho biết, Dự án đánh giá dựa trên hai tiêu chí:
Tiêu chí thứ nhất là những công ty có nền tảng sản xuất tốt và có tiềm năng để có thể phát triển, trở thành nhà cung ứng trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.
Tiêu chí thứ hai là sự quan tâm của ban lãnh đạo đến dự án này cũng như sự cam kết cao của ban lãnh đạo để cung cấp đầy đủ nguồn lực về tài chính cũng như con người, làm sao có thể đáp ứng được sự thay đổi theo mô hình cải tiến mà Toyota áp dụng.
May mắn là CNCTech đều đáp ứng được những tiêu chí trên và đã được tham gia vào dự án này. Trong quá trình hỗ trợ, Toyota đã cử các chuyên gia thực chiến đến hiện trường cũng như nghiên cứu, đánh giá và đưa ra phương án để làm sao cùng nhau cải tiến. Chuyên viên của CNCTech cũng được cử sang Toyota để học các kiến thức mới về quản lý, về quản trị như là LEAN, Sigma, Kaizen, 5S, rồi sau khi đã được học cũng như được thực tế tại hiện trường Toyota, thì các chuyên viên quay về CNCTech, cùng với các chuyên gia Toyota xây dựng, triển khai các hoạt động cải tiến.
Sau quá trình đó, khi dự án kết thúc, CNCTech cũng đạt được những kết quả khá ấn tượng. Về hệ thống đã vận hành theo hệ thống tinh gọn hơn rất nhiều, tối ưu hóa nguồn lực con người, tối ưu hóa diện tích nhà xưởng cũng như giảm được tỷ lệ hàng lỗi (NG), giảm được tỷ lệ tồn kho,… Theo ước tính, so sánh trước khi tham gia vào dự án và sau khi tham gia vào dự án thì đã giảm được lãng phí khoảng 800 triệu đồng/tháng và đến bây giờ CNCTech vẫn đang hoạt động theo những gì đã học tập được, nhờ đó hệ thống ngày càng vận hành tốt hơn và đi xa hơn.
Nhưng điều mà tôi cảm thấy quan trọng nhất, đấy là khi mà được Toyota đào tạo thì ý thức của người lao động cũng như ý thức của các lãnh đạo trong doanh nghiệp là có sự đổi mới và họ sẵn sàng thay đổi để làm sao đáp ứng được. Họ cũng nhìn thấy sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp Việt Nam đối với các doanh nghiệp quốc tế và từ đó họ có mục tiêu phải làm sao thay đổi, phải làm sao có thể đạt được năng lực để cạnh tranh được, cung cấp được sản phẩm cho các công ty hàng đầu trên thế giới.
![Ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/nang-cao-nang-luc--tang-cuong-lien-ket-giua-cac-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro_678f7d163e898.jpg)
Còn với KIMSEN, ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN chia sẻ, ngay từ giữa năm 2022 khi mà nhận được thông tin kết nối của Bộ Công Thương về chương trình này thì Ban lãnh đạo KIMSEN chúng tôi cũng cảm thấy rất vui mừng, vì chúng tôi đã nhận thấy được hiệu quả khi tham gia một chương trình trước đó vào năm 2018.
Để đáp ứng được chương trình này, Ban lãnh đạo KIMSEN đã cam kết cung cấp nguồn lực và toàn bộ cán bộ, công nhân viên của chúng tôi cũng cam kết đồng hành theo chương trình hỗ trợ này. Chương trình diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/2022, tuy nhiên phía Toyota đã gia hạn chương trình thêm ba tháng nữa thành sáu tháng. Hiệu quả cụ thể mà chúng tôi đạt được là đã tiết kiệm được hơn 800 m2 nhà xưởng, năng suất tăng khoảng 15%, tồn kho các công đoạn giảm khoảng 28%, loại bỏ được các thao tác di chuyển, thao tác thừa của công nhân khi thao tác sản xuất.
Giá trị bền vững mà chúng tôi nhận được đó là sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người lao động. Trước đây họ rất ngại thay đổi, mặc dù thay đổi đó tốt hơn cho họ nhưng họ lại rất ngại, vì họ vẫn giữ thói quen từ trước đấy rồi. Nhưng qua chương trình này thì toàn thể cán bộ, công nhân viên chúng tôi lại sẵn sàng đề nghị những ý tưởng cải tiến để ban lãnh đạo nghiên cứu, áp dụng, giúp nâng cao được năng suất, nâng cao chất lượng, giảm lãng phí. Cho đến hiện nay thì những giá trị này vẫn được chúng tôi phát huy và duy trì. Hàng quý chúng tôi đều có những đánh giá về những ý tưởng cải tiến trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, có trao thưởng, có vinh danh.
Chúng tôi cũng tự nhận thấy rằng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn của những sản phẩm linh kiện trong nền công nghiệp hỗ trợ này ngày càng cao hơn, và đòi hỏi sự phát triển bền vững để đáp ứng những yêu cầu đó. Do vậy, Ban lãnh đạo chúng tôi xác định là chúng tôi cần phải đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực nhân sự. Chia sẻ với các anh chị là nguồn nhân lực về chất lượng cao hiện nay thì không chỉ KIMSEN chúng tôi mà như tôi được biết là các doanh nghiệp khác của Việt Nam nói chung đều đang rất thiếu và yếu. Thiếu và yếu ở đây bao gồm cả về năng lực, về tay nghề cho nên cho đến ý thức về tuân thủ những quy định. Có những tiêu chuẩn công việc rất đơn giản thôi, nhưng hướng dẫn cho họ xong thì khi quay lại họ lại làm theo một cách khác. Đấy là vấn đề rất nan giải với các doanh nghiệp như KIMSEN chúng tôi hiện nay.
Về đầu tư máy móc, thiết bị, để đáp ứng những quy chuẩn và chất lượng sản phẩm cao, chúng tôi cũng xác định phải đầu tư máy móc gia công hiện đại, có độ chính xác cao như các trung tâm gia công CNC, các máy đo kiểm sản phẩm sau khi gia công. Đặc biệt, với lĩnh vực linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô thì đòi hỏi cơ tính rất cao. Chúng tôi nhận được những đơn đặt hàng từ các khách hàng châu Âu và Mỹ, yêu cầu là cơ tính của linh kiện nhôm mà chúng tôi sản xuất ra phải cao hơn 20% so với tiêu chuẩn hiện hành, thì điều đó đòi hỏi chúng tôi là một mặt chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị, các trường đại học trong nước trong việc nghiên cứu, thử nghiệm các thành phần kim loại đầu vào, thử nghiệm các chế độ nhiệt luyện để có thể nâng cao được cơ tính. Một mặt chúng tôi cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ từ nước ngoài.
Có một khó khăn mà tôi cũng muốn chia sẻ ở đây. Đấy là hiện nay, như ông Tuấn Anh vừa chia sẻ về vấn đề nguyên liệu, thì hầu hết nguyên liệu trong ngành mà chúng tôi đang làm ngành nhôm thì Việt Nam chúng ta phải nhập khẩu, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Do đó gây ra hạn chế trong quá trình chúng tôi nghiên cứu thử nghiệm thay đổi thành phần kim loại để đạt được chất lượng mong muốn. Đây cũng là khó khăn, mong sao các cơ quan quản lý nhà nước có thể tạo điều kiện phát triển được ngành công nghiệp vật liệu này.
Cũng theo ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty CP Công nghiệp KIMSEN, về sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Ban quản lý, Ban lãnh đạo KIMSEN đánh giá đây là một vấn đề góp phần cho sự định hướng phát triển của Công ty. Nhu cầu là do thị trường, tuy nhiên định hướng phát triển thì theo chủ trương, định hướng của các cơ quan nhà nước.
Trong thời gian tới, KIMSEN tập trung vào ba nhóm linh kiện cho những ngành công nghiệp ô tô, giải pháp nhiệt và năng lượng tái tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng và marketing, hướng tới các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và mang đến những sản phẩm yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn, yêu cầu chất lượng cao hơn cho đối tác. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp vào các Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội xúc tiến thương mại Việt Nam và quốc tế, như hiện nay KIMSEN đang là một thành viên của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI).
Về sản xuất, chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng cao về năng lực sản xuất. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, đào tạo nâng cao hơn nữa năng lực cho nhân sự. Bên cạnh những những hỗ trợ đào tạo về nhân sự như Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức thì hàng năm chúng tôi đều có những chương trình riêng, chủ động hợp tác với các trường đại học, các chuyên gia nước ngoài trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với xu hướng quốc tế ngày càng yêu cầu những sản phẩm lắp ráp hoàn thiện thì KIMSEN cũng có định hướng phát triển những sản phẩm lắp ráp sau chế biến, chế tạo. Hiện nay phần lớn các sản phẩm chúng tôi vẫn ở bán ở dạng sản phẩm gia công, nhưng định hướng của ban lãnh đạo Công ty thời gian tới chúng tôi sẽ phát triển thêm tổ hợp lắp ráp các sản phẩm đó để nâng cao giá trị của mình trong chuỗi giá trị, qua đó mang đến sự tin cậy cho các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
“KIMSEN cũng hy vọng rằng trong tương lai có nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về kết nối với các khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế; có thêm những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến công nghệ sản xuất và chúng tôi đánh giá rất cao những chương trình như vậy.” - Ông Dương Minh Hải bày tỏ.