Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp dệt may, da giày trong “Xanh hóa” chuỗi cung ứng

Điều kiện tất yếu muốn tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường lớn, doanh nghiệp Việt phải "xanh và bền vững". Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp da giày nói riêng cần nhận thức rõ hơn rằng, việc sẵn sàng thích ứng với những thách thức mới về chuyển đổi Xanh không chỉ để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường mà sẽ giúp mở ra những cánh cửa mới, thị trường mới, giúp gia tăng xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thị trường.

Hiện nay, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.

Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may, da giày hàng đầu thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức khi phải đáp ứng được quy định khắt khe của khách hàng trong việc "xanh hóa" sản xuất, bao gồm một số cam kết như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải,...

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. “Xanh hóa” ngành dệt may, da giày là xu thế toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ tại Tọa đàm “Động lực “Xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày” do Tạp chí Công Thương tổ chức
Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ tại Tọa đàm “Động lực “Xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày” do Tạp chí Công Thương tổ chức

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ, chúng ta được biết các Hiệp định FTA thế hệ mới, các cam kết của Chính phủ Việt Nam cũng như sắp tới cơ chế điều chỉnh carbon biên giới CBAM đến năm 2026 đã phải áp dụng.

Hiện nay, đối với các doanh nghiệp dệt may thì chúng ta chưa phải đối mặt với những thách thức đó nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị một lộ trình tiến tới là sẽ phải đối mặt với cái những cam kết đó.

Các doanh nghiệp dệt may phải xác định rõ lộ trình, đầu tiên, xác định hiện trạng của doanh nghiệp đang ở đâu, thực hiện xanh hóa như thế nào hay phải xác định được sử dụng bao nhiêu năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, sử dụng bao nhiêu nước sạch, thải ra bao nhiêu chất thải trên một đơn vị sản phẩm, hay thải ra bao nhiêu khí thải carbon trên một đơn sản phẩm và hướng tới mục tiêu nào… chẳng hạn, hướng tới trong vòng 5 năm tới đây, sẽ cắt giảm 5% năng lượng hay 20% sử dụng nước, hay tuần hoàn được 50% lượng nước thải thì các doanh nghiệp phải xác định được lộ trình phù hợp với điều kiện của mình.

Trong xác định lộ trình, ngoài việc phù hợp với khả năng của mình, chúng ta phải thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong quá trình thực hiện, từ lãnh đạo đến nhân viên và trong quá trình tư vấn của chúng tôi, chúng ta thấy một bài học kinh nghiệm mà các doanh nghiệp sau khi xác định được lộ trình thì có thể đi rất nhanh đó là sự đồng hành của cả một tập thể, từ lãnh đạo đến công nhân viên khi đồng hành với nhau, huy động trí tuệ cũng như năng lực tập thể để đưa ra những sáng kiến, những cơ hội cải tiến để cùng nhau thực hiện, có như vậy thì mới có thể đi nhanh và đi xa.

Trong dệt may thì do sự đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động, thế nhưng đây cũng là thuận lợi khi mà lực lượng lao động này đồng hành với lãnh đạo nhà máy thì không có sức mạnnh nào hơn sức mạnh của một tập thể cùng nhau cùng tiến đến lộ trình xanh trong thời gian tới.

Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)
Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)

Trước bối cảnh những chính sách về tiêu chuẩn Xanh ngày càng khắt khe, ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) có đề xuất một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, về chính sách, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, có các nghị định, cũng có Thông tư nhưng chúng ta cũng phải xây dựng được những tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như tiêu chuẩn xanh cho ngành dệt may, hay cũng phải có những tài liệu hướng dẫn để doanh nghiệp dệt may có thể thực hiện được lộ trình của mình.

Bên cạnh đó, cũng có những khuyến khích về các cơ chế tài chính, chẳng hạn như doanh nghiệp thực hiện xanh thì sau khi thực hiện xanh rồi thì có những ưu đãi như thế nào, ưu đãi trong quá trình vay vốn, tiếp cậnn nguồn vốn, ưu đãi về thuế, hoặc ưu đãi được tiếp cận về mặt khoa học công nghệ, các công nghệ điển hình trong dệt may.

Thứ hai, có những hỗ trợ, đặc biệt là từ Hiệp hội để có thể xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh này, bởi hiện nay, chúng ta chưa sẵn sàng, đặc biệt là chưa có đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở dưới các nhà máy chưa được tiếp cận hay chưa quen lắm với các công nghệ hoặc lộ trình, cách thức để thực hiện quá trình xanh này thì cần phải đào tạo, tập huấn cũng như xây dựng đội ngũ nhân lực này. Việc xây dựng đội ngũ này cũng cần được tập huấn, đào tạo liên tục, bởi lực lượng lao động trong ngành dệt may có đặc thù là chuyển dịch rất rõ ràng, vì vậy chúng ta phải đào tạo lực lượng này để chuẩn bị cho quá trình xanh hóa.

Các quy định về bảo vệ môi trường sẽ ngày càng được mở rộng và chặt chẽ hơn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Xu hướng Xanh đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải Chuyển đổi Xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.