Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam

LTS: Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội thảo chủ đề "Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam" do Báo Nhân Dân và Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Phòng TM&CNVN phối h

 Đánh giá về hàng hóa dịch vụ và các sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam hầu hết 28 tham luận tham gia Hội thảo đều cho rằng, trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được sự tăng trưởng khá, các nhân tố tạo thành năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được xác lập và ngày càng phát triển. Nhiều mặt hàng, sản phẩm và doanh nghiệp đã vươn lên cạnh tranh với hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, người tiêu dùng được tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ đa dạng và chất lượng ngày càng tốt hơn. Đến nay, hàng hóa Việt Nam đã được biết đến ở nhiều thị trường thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản... như các sản phẩm dệt, may, cơ khí, nông sản...

Mặc dù vậy, nhưng nhìn toàn cục thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của hàng hóa và dịch vụ so với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế còn thấp và chuyển biến chậm. Các tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm như giá cả, chất lượng, mẫu mã, tổ chức tiêu thụ và uy tín của doanh nghiệp còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, theo tham luận của ông Lê Quốc Ân, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, ông Lê Xuân Bá, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương... những lợi thế về giá nhân công, tài nguyên ngày càng sụt giảm và hiện đã cao hơn một số số nước như Trung Quốc (như lương công nhân ngành dệt may). Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến khi so sánh giá nhân công của Công ty với các công ty Trung Quốc, cho thấy lương công nhân May Việt Tiến với mức 1,5 triệu/tháng, cao gần gấp 2,5 lần công nhân một số công ty của Trung Quốc. Song, những điều này cũng chưa phải là tất cả, tình trạng “trì trệ” của sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn thể hiện ở nhiều mặt như sự “thờ ơ” về quảng bá thương hiệu, công nghệ lạc hậu... (Điều này, thể hiện rõ qua các tham luận: “Tỉnh táo với thương hiệu” – của ông Lê Văn Chính - GĐ Vitek; “Công nghiệp điện tử Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của hội nhập khu vực mậu dịch tự do (AFTA) – của ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam…)

Do vậy, trước tình hình đó, việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam trở thành vấn đề hết sức bức xúc. Một loạt cam kết quốc tế song phương và đa phương đã có hiệu lực (Cam kết với AFTA, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ). Một số các cam kết quan trọng khác đang trong giai đoạn đàm phán (Gia nhập WTO, Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc...). Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đang đẩy mạnh cải cách, tăng cường liên kết khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình là một thách thức lớn của Việt Nam trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, hơn bao giờ, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam đang là mối quan tâm của Chính phủ cũng như doanh nghiệp.

Nhận thức rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) đã xác định: “Đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là một trong những định hướng chiến lược quan trọng để “thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết 07 - NQ/TW ngày 27 - 11 - 2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã chỉ rõ: “Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hàng hoá và dịch vụ là một trong những biện pháp quan trọng nhất để hội nhập kinh tế, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới”.

Đóng góp cho khía cạnh chủ đạo này của chủ đề, tất cả các báo cáo đều được các đại biểu tham gia thảo luận rất hào hứng sôi nổi. Về phía đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kinh nghiệm, con đường phát triển của đơn vị mình, còn phía các cơ quan quản lý, nghiên cứu đề xuất hướng đi, những sự điều chỉnh giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo của ông Nguyễn Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh: “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng nhựa Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước - một vài kinh nghiệm trong đầu tư nước ngoài”, và của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Kế hoạch Đầu tư: “Đổi mới công nghệ nội địa hóa chi phí sản xuất”...

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song các tham luận đã nhất trí tập trung những kiến nghị đối với Nhà nước và đặt ra những yêu cầu đối với các doanh nghiệp như sau:

* Đối với Nhà nước.

1. Xây dựng môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, ổn định tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hạn chế độc quyền và chống các hành vi gian lận thương mại.

2. Cần có chính sách toàn diện giúp cho doanh nghiệp phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố, sắp xếp và thành lập doanh nghiệp mới. Mở rộng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết là trong lĩnh vực xác định giá cả, quảng cáo, quản lý nhân sự, quản lý tài chính tiền lương, chế độ khuyến khích, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Xoá bỏ các trở ngại về thủ tục hành chính quan liêu, phiền hà, tăng cường tính minh bạch. Có chính sách chọn lọc, củng cố một số DNNN thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật then chốt, trước hết là doanh nghiệp nhà nước có đủ sức mạnh cạnh tranh với đối tác nước ngoài.

3. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở cấp Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thị trường ngoài nước để có định hướng chiến lược lâu dài cho doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược xuất khẩu hướng vào những ngành công nghệ cao, sản phẩm có giá trị tăng cao và có nhiều lợi thế, nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu của các ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ.

4. Xây dựng chiến lược dài hạn để có một lực lượng lao động và cán bộ quản lý có trình độ cao, thích ứng với đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế.

5. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về cạnh tranh. Mở các khoá đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp và công chức Nhà nước. Ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và giám sát các hành vi lạm dụng cạnh tranh để lũng đoạn thị trường.

*Đối với doanh nghiệp.

1. Nhận thức được những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là áp lực cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt khi nước ta mở rộng thị trường, trước hết là AFTA và thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, chuẩn bị điều kiện để đối phó với những bất lợi khi Việt Nam gia nhập WTO.

2. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ thích ứng với điều kiện thị trường nhiều biến động, dành thời gian, công sức, trí tuệ vào đầu tư, củng cố vị thế (xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...) nhằm từng bước tạo uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

3. Có chiến lược về sản phẩm, dịch vụ, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh trong lựa chọn sản phẩm kinh doanh, chú trọng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa khâu thiết kế sản phẩm, chọn lựa hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, phát triển mạng lưới tiêu thụ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phân phối, nắm bắt và phản ứng kịp thời các thay đổi của đối thủ cạnh tranh trên thị trường, phát hiện những thị trường mới.

4. Nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh, điều hành, quản lý doanh nghiệp trình độ tay nghề của người lao động, trình độ kiến thức về tiếp thị, tiếp thu khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ thông tin, chú trọng những sáng kiến cải tiến, thực hiện tiết kiệm của người lao động ở các khâu của quá trình sản xuất

5. Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng, củng cố tổ chức này ngang tầm với những đòi hỏi của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp hội sẽ là người liên kết các doanh nghiệp tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cạnh trạnh với các đối tác khu vực và quốc tế

  • Tags: