Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, mặc dù mới thực hiện Nghị định này nhưng đã bộc lộ nhiều bất
cập, làm khó cho doanh nghiệp.
Khắc phục bất cập
Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân (xã Long Hòa,
huyện Châu Thành, Tiền Giang), Nghị định này vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, những khó khăn từ thực
tiễn chỉ có doanh nghiệp đối mặt đó là việc kiểm soát các đơn hàng xuất khẩu cá tra sang cho Hiệp
hội Cá tra Việt Nam là điều bất hợp lý.
Hiện nay, hầu hết các lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu đều do hải quan giám sát, kiểm tra các tờ
khai xuất hàng. Mặt khác, nếu chuyển khâu kiểm tra chất lượng sang Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhiều
thông tin về giá bán, thông tin khách hàng và thị trường tiêu thụ đều bị lộ vì những thành viên
quản lý của Hiệp hội Cá tra Việt Nam có người thân cũng là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá
tra. Như vậy sẽ trái với quy luật cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Hơn nữa, hiện nay cá tra phải chịu những chi phí về con giống, thức ăn, thuốc, vệ sinh cho tới khâu
thu hoạch mất 4.000 đồng/kg, đến khi xuất khẩu cũng phải chịu một số chi phí khác từ thị trường
nhập khẩu, sản phẩm mới đến được với người tiêu dùng.
Theo Nghị định, Chính phủ giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam thẩm định chất lượng sẽ gây nên phí
chồng phí, không chỉ đẩy giá sản phẩm cá tra cao hơn nữa mà cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều không
được lợi. Đó là chưa kể đến con giống thoái hóa, doanh nghiệp lẫn nông dân chịu sự hao hụt lớn,
việc quản lý nguồn thức ăn cung cấp cho nuôi cá chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng hàng kém chất
lượng, cá chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài làm cho giá thành con cá đội lên gấp đôi.
Bên cạnh đó, xét về thời gian Nghị định có hiệu lực đã gây khó khăn trong việc xuất lượng hàng còn
tồn kho của doanh nghiệp. Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, hiện nay các
doanh nghiệp còn tồn kho cá tra rất lớn. Khi áp dụng quy định về mạ băng không quá 10% và hàm lượng
nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm,
các doanh nghiệp sẽ không bán được những lô hàng còn tồn kho, do làm theo tiêu chuẩn của các khách
hàng "dễ tính" trước đó.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho rằng việc chuyển công tác kiểm tra chất lượng cho Hiệp hội Cá
tra Việt Nam trở nên dư thừa vì đã có hải quan kiểm soát danh mục hàng hóa xuất khẩu. Ông đề nghị
tách hai vấn đề chế biến và xuất khẩu thành hai phần khác nhau trong thông tư hướng dẫn thực hiện
Nghị định 36/2014. Doanh nghiệp đăng ký khâu chế biến với Hiệp hội Cá tra, còn hải quan quản lý về
xuất khẩu, bán hàng.
Đối với những doanh nghiệp không có nhà máy chế biến mới thông qua Hiệp hội bằng hợp đồng thể hiện
rõ nơi mua hàng, nơi chế biến và danh mục xuất khẩu, thị trường xuất khẩu để việc chế biến xuất
khẩu cá tra không còn lộn xộn. Ông Minh nhấn mạnh Nghị định không đưa ra vấn đề liên doanh, liên
kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Bởi nông dân có diện tích nuôi rất nhỏ, thậm chí có người chỉ có
một ao nuôi thì khó mà đạt tiêu chuẩn theo như Nghị định quy định hoặc họ sẽ chuyển đổi rất chậm so
với thời gian quy định vì hạn chế nguồn vốn đầu tư.
Mở hướng đi mới
Dù vẫn tồn tại bất cập bởi thời gian có hiệu lực thi hành của nghị định là "sớm" theo nhiều nhận
định của doanh nghiệp, nhà quản lý. Tuy nhiên, khi loại bỏ yếu tố thời gian, Nghị định đã mở ra
hướng đi mới cho ngành cá tra Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng chia sẻ, hiện nay toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 94 nhà máy chế biến cá tra
với công suất gần 1 triệu tấn/năm. Với công suất này, Việt Nam thừa lượng sản phẩm cá tra cung cấp
cho thị trường nhập khẩu.
Để quản lý một diện tích nuôi lớn với những nhà máy có công suất chế biến như vậy, sự ra đời của
Nghị định 36/2014/NĐ-CP là điều cần thiết. Nghị định này đảm bảo về lợi ích cho người nuôi, lợi ích
của quốc gia, đảm bảo lợi ích của người chế biến nhưng lại đi ngược với mục tiêu trước đây là không
quan tâm đến người tiêu dùng. Điều này dẫn đến sự "lệch pha" giữa người nuôi, người chế biến không
"nghe" người tiêu dùng nói gì và muốn gì. Do đó, cần giúp cân bằng ngành cá tra hiện nay, cụ thể là
cân bằng tỷ lệ cung-cầu và tôn trọng người tiêu dùng.
"Dù giới hạn về thời gian chuyển đổi từ hình thức chế biến như hiện nay sang hình thức do Nghị định
36 quy định, nhưng với 18 tháng các doanh nghiệp cũng đủ để xoay xở lượng hàng tồn kho. Từ đó các
doanh nghiệp phải tự điều chỉnh, tính toán lại công nghệ chế biến cũng như làm thế nào để tiết
kiệm, sản xuất sạch hơn, giá thành phải giảm, kể cả nuôi làm nguyên liệu thì sức cạnh tranh phải
mạnh hơn nữa mới hợp với thị trường. Dù Nghị định 36 ra đời chậm so với sự biến động của thị trường
cá tra hiện nay, nhưng cũng kịp điều chỉnh ngành cá tra theo hướng tích cực phù hợp với xu hướng
nhu cầu thị trường về chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của đa số doanh nghiệp làm ăn đàng
hoàng, không tranh mua tranh bán, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đảm bảo giá cả, cùng nông dân có
lãi," ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) chia sẻ.
Riêng tại An Giang, kể từ khi Nghị định có hiệu lực đã có một vài doanh nghiệp triển khai. Những
doanh nghiệp này làm ăn tích cực hơn, mời nông dân liên kết gia công tham gia vào chuỗi sản xuất
theo tiêu chuẩn VietGAP, không sản xuất các mặt hàng về mạ băng, tăng trọng.
Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra trong năm 2013 của cả nước được chứng nhận VietGAP chỉ chiếm
20% tổng diện tích nuôi. Mặt khác, nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến và xuất khẩu hiện nay
chủ yếu do các doanh nghiệp tự đầu tư, cung cấp cho nhà máy của họ, chiếm 70% tổng sản lượng nguyên
liệu chế biến và xuất khẩu, nông dân tự nuôi nhỏ lẻ, hoặc liên kết với doanh nghiệp thông qua
thương lái chỉ chiếm 30%. Như vậy, vấn đề chất lượng vùng nuôi còn quá thấp dẫn đến chất lượng con
cá không tốt, gây ảnh hưởng đến khâu chế biến.
Do đó, ông Võ Hùng Dũng và nhiều ý kiến khác đề xuất, để người nông dân có thể tồn tại trước sự
chênh lệch diện tích nuôi hiện nay, họ cần có sự hỗ trợ nguồn vốn và hoạch định chính sách, đề ra
giá sản xuất cá tra để tránh sự chèn ép của các doanh nghiệp khi vào vụ thu hoạch.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn),
Bộ đã công bố quy hoạch diện tích nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 là 7.260ha
theo tiêu chuẩn VietGAP.
Diện tích này được phát triển tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến
Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, nhằm đảm bảo cho người nuôi có lãi từ 1.000-1.500 đồng/kg,
nâng tổng lợi nhuận từ việc nuôi cá tra của toàn vùng lên khoảng 1.600-2.400 tỷ đồng. Từ đó, phát
huy lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất cá tra và quản lý toàn bộ chuỗi giá trị
theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường./.
Nâng giá trị xuất cá tra: Phải chuẩn hóa từ đầu vào đến đầu ra
TCCT
Trước tình trạng sản xuất manh mún, cung vượt cầu của sản phẩm cá tra và sự thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, sự ra đời của Nghị định 36/2014/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần chuẩn hóa n