Năng lượng mặt trời: Giải pháp tiết kiệm điện cho tương lai

Không phải đến năm nay ngành Điện mới đưa ra dự báo thiếu điện cho mùa khô giai đoạn 2006-2007. Nhưng, tình trạng “thiếu” điện đã dẫn đến phải cắt điện luân phiên tại miền Bắc vào mùa khô năm 2005 khi

Năng lượng mặt trời - thị trường

bỏ ngỏ

Thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nguồn năng lượng mặt trời chỉ mang tính chất thử nghiệm. Nhưng gần đây, khi con người ý thức được rằng, trong tương lai, các nguồn nhiên liệu trên trái đất sẽ cạn kiệt, bầu khí quyển cũng bị phá hủy, thêm vào đó, các vụ mất điện lớn làm ngưng trệ đời sống sinh hoạt và sản xuất xảy ra thường xuyên hơn thì năng lượng mặt trời được coi như một nguồn năng lượng dự trữ vĩnh cửu.

Việt Nam là nước nhiệt đới, tiềm năng bức xạ mặt trời vào loại cao trên thế giới với  tổng số giờ nắng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình xấp xỉ 5kWh/m2/ngày). Đặc biệt là ở các vùng phía Nam, số giờ nắng khoảng 1.600 - 2.600 giờ/năm. Nước ta đã phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời từ những năm 1960, tới nay, hoàn toàn làm chủ công nghệ điện mặt trời. Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời lớn nhưng sau một thời gian phát triển, việc ứng dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống, với mục đích tiết kiệm điện, cũng chỉ mới ở mức giậm chân tại chỗ và chưa được khai thác hiệu quả do thiếu kinh phí.

Sở dĩ, năng lượng mặt trời chưa phát triển ở Việt Nam là do chi phí lắp đặt quá lớn, khoảng 20.000 USD/gia đình. Ở nước ta chỉ có một vài nơi ứng dụng hệ thống điện mặt trời như: Mạng lưới điện mặt trời tại buôn Chăm - Ea Hleo - Dak Lak cung cấp điện sinh hoạt cho các hộ dân, nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn, các lớp học, bơm nước giếng khoan… trên địa bàn. Loại năng lượng này còn được ứng dụng để tạo nhiên liệu cho xe cấp cứu của bệnh viện huyện EaSup, Đak Lak; du thuyền của Công ty Mê Kông, TP.HCM; trạm điện thoại vô tuyến ở Cù lao Long Định, Đồng Tháp...

Đến nay, cả nước có khoảng 3.000 hộ sử dụng điện mặt trời. Nhưng điều đáng quan tâm là kinh phí lắp đặt mạng lưới điện mặt trời của 3.000 hộ này phần lớn là do nước ngoài tài trợ và Nhà nước chưa có một chính sách nào để ngành công nghiệp đưa nguồn năng lượng mặt trời vào phát triển.

Ứng dụng năng lượng mặt trời tại

Việt Nam

Năng lượng mặt trời đã được rất nhiều nhà khoa học,  các trường đại học  ở Việt Nam nghiên cứu, thử nghiệm các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Các thử nghiệm này đều thành công và cho thấy những kết quả đáng khích lệ nhưng việc ứng dụng vào cuộc sống và sản xuất lại chưa được quan tâm đúng mức.

Hơn 20 năm trở lại đây, nước ta đã sử dụng nhiều loại thiết bị thu hứng ánh sáng mặt trời để phục vụ cho quá trình sản xuất như thiết bị sấy, thiết bị đun nước nóng, thiết bị chưng cất nước và dàn pin mặt trời… Thiết bị sấy dùng để làm khô các loại nông sản, hải sản hoặc dược liệu; thiết bị đun nóng được lắp đặt tại các trường học, bệnh viện hay tại các hộ gia đình đề lấy nước nóng sử dụng trong mùa đông; thiết bị chưng cất nước được ứng dụng nhằm biến nước mặn, ô nhiễm (nhiễm phèn, thủy ngân, nitrat...) thành tinh khiết… rất hữu ích, tiết kiệm được nhiều chi phí cho người dân vùng biển, vùng nước chua phèn, cho bộ đội ngoài hải đảo… Theo thống kê, tính đến cuối năm 1999, cả nước lắp đặt được khoảng 70 thiết bị sấy, 70 thiết bị đun nóng, 600 dàn pin và hàng loạt thiết bị chưng cất nước tại nhiều khu vực. Những thiết bị này hàng năm đã tạo ra một lượng điện năng đáng kể từ ánh sáng mặt trời cung cấp cho người dân, đồng thời tiết kiệm được cho Nhà nước hàng tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây chưa phải là con số khả quan bởi đến nay, việc ứng dụng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vẫn chưa được người tiêu dùng quan tâm và cũng chưa được các ngành khai thác một cách hiệu quả. Nguyên nhân cũng bởi những vấn đề rắc rối trong thiết kế, lắp ráp và vận hành. Đặc biệt là những tấm pin mặt trời hiện nay đều phải nhập ngoại nên giá thành cũng còn cao. Duy chỉ có một sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời đã “đến” được với người tiêu dùng là đèn năng lượng mặt trời. Loại đèn này sử dụng pin ắc quy mặt trời để phát điện, tích điện bằng pin Niken, dùng liốt (LED) phát ra ánh sáng cao, tuổi thọ cao, chịu nhiệt, chịu lạnh, chống ăn mòn tự nhiên. Ưu điểm lớn nhất của các loại đèn năng lượng mặt trời là không tiêu hao nguồn năng lượng, tự động khống chế đèn sáng. Tuổi thọ của ắc quy tích điện thông thường là từ 3 - 4 năm, tuổi thọ của đèn là 80.000 h. Mạch điều khiển thông minh, ngoài tính năng tự động bật tắt còn có thể tự điều khiển nạp và chống xả kiệt ắc quy. Đèn có khả năng làm việc trong 2 - 3 ngày khi trời không có nắng trong điều kiện ắc quy đã được nạp đầy vào ngày trời nắng. Đèn năng lượng mặt trời rất dễ lắp đặt vì không cần thiết kế đường điện, an toàn cho người sử dụng vì điện áp thấp (chỉ 12VDC). Giá của những chiếc đèn năng lượng mặt trời chỉ trên dưới 100.000 VND/chiếc.

Hiện nay, sử dụng điện mặt trời là xu hướng tất yếu của thế giới. Muốn khai thác và sử dụng một cách hiệu quả, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách định hướng và hỗ trợ hợp lý. Bên cạnh việc cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, Nhà nước cần đỡ đầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm. Có như vậy, nước ta mới có thể đưa ngành này thành một ngành công nghiệp năng lượng mới, tiến tới trọng điểm trong tương lai, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện theo hướng lâu dài.

  • Tags: