4 nguyên nhân chủ yếu
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết hầu như ngày nào cơ quan này cũng nhận được các báo cáo liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng. Trong đó có nhiều trang mạng quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng...
Nhiều hiện tượng các đơn vị kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử không có địa điểm kho hàng cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập tài khoản mạng để xóa dấu vết.
Cho đến nay, sau hơn 1 năm thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử nhằm đấu tranh với các vụ việc hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử; trên thực tế đã đánh trúng và đúng nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhưng như vòi bạch tuộc, buôn bán hàng giả trên mạng vẫn tồn tại. Thực này xuất phát từ 4 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, mang nhãn mác hàng hiệu nhưng giá “mềm”, lợi nhuận siêu khủng. Ví dụ, một chiếc túi hiệu Hermès giá thị trường hàng chính hãng khoảng 470 triệu đồng, nhưng hàng giả cũng mẫu đó chỉ có giá 6 triệu cho người nhập bán và 11 triệu đồng khi đến tay người tiêu dùng, tức lợi nhuận gần gấp đôi.
Thứ hai, sự hấp dẫn của “hàng hiệu” giả rất lớn. Phần lớn người mua đều biết hàng giả, nhưng sở hữu những nhãn hiệu lớn như LV, Chanel, Gucci, Tory Burch… với giá phải chăng có sức hút lớn, từ sinh viên, người làm công ăn lương thuần túy cho đến cả tầng lớp trung lưu.
Thứ ba, mức phạt với tội danh này ở nước ta khá nhẹ. Theo quy định hiện hành, người sản xuất, buôn bán hàng giả tại Việt Nam bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỉ đồng. Trong khi tại Pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ đối với những mặt hàng mang thương hiệu lớn có thể bị phạt mức tối đa 300.000 euro (tương đương 8,4 tỉ đồng) hoặc bị ngồi tù 3 năm nếu mang lượng hàng giả lớn vào quốc gia này. Tại Bỉ, mức phạt cao nhất chỉ bằng 1/3 của Pháp, khoảng 100.000 euro (khoảng 2,8 tỉ đồng), nhưng cũng cao gấp gần 3 lần Việt Nam.
Thứ tư, chúng ta mới chỉ đấu tranh với người sản xuất, buôn bán hàng giả, phạm vi hạn chế hơn nhiều so với nhiều nước đấu tranh với cả người sử hữu hàng giả. Có lần anh bạn tôi đi du lịch sang Đức đã bị hải quan sân bay nước bạn ách lại để hỏi xuất xứ chiếu túi Gucci.
Nếu có hóa đơn mua hàng chứng nhận của nhà sản xuất Gucci, hoặc chứng nhận ủy quyền kinh doanh của Gucci thì OK, nếu không có sẽ bị mời vào đồn cảnh sát để truy tìm nguồn gốc hàng fake.
Quy định trách nhiệm rõ ràng
4 nguyên nhân trên cho thấy, để giảm thiểu tình trạng buôn bán hàng giả trên mạng cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cơ quan. Trong đó, cần quản lý chặt chẽ hơn các mô hình thương mại điện tử, quy định trách rõ nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử.
Các quy định hiện hành chưa coi và đối xử bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Cụ thể, trên môi trường thương mại truyền thống, chúng ta quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, thì người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng, quy cách, cũng như xuất xứ hàng hóa, nhưng trên môi trường mạng thì chưa kịp sửa đổi để đưa những quy định này vào.
Bên cạnh đó, hiện chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng. Đây là một trong những lỗ hổng cần được bổ khuyết theo hướng quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử.
Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân đưa hàng giả, hàng nhái lên kinh doanh thì chủ sàn thương mại điện tử cũng phải chịu trách nhiệm liên đới; đây phải là nút chặn đầu tiên. Thêm nữa, cần có quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa…
Một nội dung khác không thể thiếu là sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức quản lý có liên quan. Hiện chúng ta đã có sự phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng. Nhưng với loại tội phạm công nghệ cao này, cần cả sự phối hợp, kết nối với Cục Thuế, các ngân hàng thương mại để nhanh chóng có thông tin về giao dịch mua bán của một số cá nhân có nghi ngờ kinh doanh qua mạng nhưng không đăng ký, không nộp thuế... Hoặc phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để có được những thông tin về các trang bán hàng có nhiều người theo dõi, lượt xem cao…
Được biết, hiện nay, lực lượng QLTT đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, nhằm quản lý các giao dịch trên thương mại điện tử bài bản hơn.
Song song đó, trong 2-3 năm tới dự báo tỉ lệ gian lận thương mại trên mại sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung, nên lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên các chủ thể, chủ sàn tham gia giao dịch thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hội…
Đồng thời, nâng cao năng lực, nghiệp vụ của cán bộ, công chức viên chức lực lượg; đổi mới trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để bắt kịp với tốc độ phát triển của thương mại điện tử.