Với chủ trương mở cửa nền kinh tế và nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư có nhu cầu chuyển dịch sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xu thế này ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam đã mang theo tác động “kép” về phòng vệ thương mại. Năng lực sản xuất tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu cũng gia tăng khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung của nước nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Các nghi ngờ này chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2000-2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm.
Tuy nhiên, trong các năm 2017-2020, đã có thêm 8 vụ việc mới được khởi xướng điều tra, trung bình mỗi năm 3 vụ việc. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay đang gia tăng.
Riêng năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị khởi kiện 2 vụ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đều do Hoa Kỳ tiến hành, đối với sản phẩm thép tấm không gỉ và gỗ dán. Hoa Kỳ cũng là quốc gia điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với 10 vụ việc, chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số vụ việc.
Đáng chú ý, vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với thép tấm không gỉ là do cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ tự khởi xướng, không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, cũng là việc tương đối hiếm. Điều này cho thấy Hoa Kỳ có xu hướng tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.
Bên cạnh việc tự khởi xướng điều tra vụ việc, Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu điều tra về lẩn tránh thuế mặc dù nguyên đơn trong vụ việc đã nộp quá thời hạn quy định. Thêm vào đó, sản phẩm bị kiện của Việt Nam không giới hạn ở các mặt hàng công nghiệp mà còn có nguy cơ gia tăng ở nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, với hai nhóm mục tiêu chính là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan.
Ngày 31/12/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, để xử lý hiệu quả vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.
Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Mặt khác, trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra (như Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) có thể chủ động điều tra mà không công bố công khai. Quy định về “chuyển đổi đáng kể” hay yêu cầu “hợp tác”, “cung cấp thông tin” cũng có thể thay đổi qua từng vụ việc. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước để kịp thời nắm bắt các thay đổi này.
Cục Phòng vệ thương mại nhận định, nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta khi tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản, v.v... để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.