Mục tiêu lãi năm nay tăng 17%, có thể chia cổ tức bằng tiền lên tới 15%
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB, mã cổ phiếu MSB - sàn HoSE) vừa qua đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với loạt thông tin đáng chú ý.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết, năm 2023 là một dấu mốc quan trọng của Ngân hàng khi đã hoàn thành chiến lược 5 năm giai đoạn 2018 – 2023 theo tư vấn của McKinsey. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng MSB trong năm 2023 tăng 15%, đạt gần 12.300 tỷ đồng. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong 5 năm gần nhất đối với lợi nhuận trước thuế lên tới gần 46% và kết thúc năm 2023 ở mức 5.830 tỷ đồng.
Đánh giá về triển vọng thị trường năm nay, Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB nhận định tình hình kinh tế còn nhiều biến động, rủi ro tiềm ẩn. Do đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng MSB đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178.200 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Tại Đại hội, cổ đông Ngân hàng MSB cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%.
Bên cạnh đó, HĐQT Ngân hàng MSB cũng xin ý kiến về việc lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ có thể dùng để chi trả cổ tức này với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu, thời điểm tạm ứng cổ tức tùy theo diễn biến tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng MSB cho biết nếu kết quả kinh doanh đạt kỷ vọng, Ngân hàng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt ngay trong quý 4/2024.
Để ngỏ khả năng bán vốn cho đối tác ngoại, sự cố tiền gửi không gây ảnh hưởng
Tại phần Thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng đạt mục tiêu kinh doanh năm nay, ông Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Ngân hàng đã tăng trưởng trên 4% so với thời điểm đầu năm, đạt trên 280.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng đang chững lại, tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 của MSB ước đạt trên 5%. Huy động tiền gửi ước tăng 4,1%; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 29%, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý 1/2024, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và biên lãi ròng (NIM) tổng thể đạt 3,87%, ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB nhận định, tình hình khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài đến ít nhất là trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, với khả năng kiểm soát và tối ưu hóa nguồn vốn, Ngân hàng MSB có thể đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2024.
Một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là sự cố tiền gửi tại Ngân hàng MSB thời gian vừa qua.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, các khác hàng gửi tiền chân chính tại Ngân hàng MSB luôn được ngân hàng đảm bảo quyền lợi. Sự việc vừa qua là do Ngân hàng MSB chủ động phát hiện ra và đưa ra cơ quan công an để làm rõ vụ việc này.
"Việc mất tiền trên hệ thống ngân hàng không hề đơn giản. Nếu thực hiện đầy đủ các khâu kiểm tra, giám sát thì chúng ta có thể tránh được các rủi ro trong việc gửi tiền", ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Chia sẻ thêm về ảnh hưởng từ sự cố vừa qua đến hoạt động của ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, các khách hàng của Ngân hàng MSB đều là khách hàng rất thông minh và có khả năng đánh giá thông tin. Vì vậy, số dư tiền gửi không bị ảnh hưởng. Đồng thời, Ngân hàng MSB hàng năm đều trích lập hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho các hoạt động, do đó, những sự cố nêu trên không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động.
Về vần đề bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết, Ngân hàng đã làm việc với một số đối tác trong thời gian gần đây. Riêng trong năm ngoái, đã làm việc với 2 tổ chức, trong đó có 1 tổ chức của Đức, để trao đổi việc mời cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm giúp Ngân hàng MSB trong công tác phát triển kinh doanh, quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng nói, với quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản hiện nay, Ngân hàng MSB hoàn toàn đáp ứng được các hệ số an toàn vốn mà Ngân hàng Nhà nước quy định, thậm chí là theo Basel III, Basel IV.
Do đó, thay vì nhu cầu tăng vốn, Ngân hàng MSB muốn các cổ đông chiến lược nước ngoài mang lại các giá trị về mặt quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh và chuyển đổi số.
“Ngân hàng MSB vẫn đang đàm phán và để ngỏ phương án này trong năm 2024. Kế hoạch chi tiết, nếu có, sẽ được báo cáo cổ đông tại các kỳ Đại hội tới”, Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB nói.