Tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chiều nay (ngày 17/10) sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng yếu kém, gồm Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
"Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao hai ngân hàng, một ngân hàng nữa trong thời gian tới, một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đang triển khai lộ trình, còn Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thì duy trì ổn định", ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo đó, Ngân hàng CBBank sẽ được chuyển giao về cho Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) và Ngân hàng OceanBank sẽ được bàn giao về với Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB).
Trong thời gian qua, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Quân đội đã chủ động triển khai các phương án để việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém diễn ra thuận lợi, tuân thủ lộ trình. Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Quân đội cùng nhấn mạnh việc được chọn để nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ về năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản trị, đồng thời sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, nhất là tăng trưởng tín dụng.
Theo phân tích của một số tổ chức tài chính, việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém hiện nay thực sự mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Chưa kể, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.
Riêng Ngân hàng Vietcombank không được hưởng cơ chế này, song có thể được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng), thay vì phải chi một phần cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính như các năm trước.
Ngân hàng Vietcombank cũng cho biết, về lâu dài, việc tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho ngân hàng có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập.
Ngoài ra, với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…
Nếu quá trình nhận chuyển giao bắt buộc diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng yếu kém thoát lỗ sau 8-9 năm như ước tính thì các ngân hàng lớn nhận chuyển giao sẽ rút ngắn được quá trình mở rộng quy mô.
Đối với trường hợp Ngân hàng DongA Bank và Ngân hàng SCB dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt cho các ngân hàng khác trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyên giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc đối với Ngân hàng DongA Bank còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.