Ngành công nghiệp hoá dược ở Việt Nam đang phát triển thế nào?

Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại và số lượng và có thế mạnh về một số loại khoáng chất. Đây là lợi thế to lớn đối với ngành công nghiệp hoá dược. Tuy có

Đứng trước thực trạng trên, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hoá dược. Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức cùng tham gia giải quyết vấn đề này: Quyết định 108/2002/QĐ-TTg ngày 15/8/2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dược; Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 “Phát triển công nghiệp Dược Việt Nam và xây dựng mô hình hệ thống thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020”; Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21/5/2009 “Phê  duyệt Quy hoạch phàt triển ngành công nghiệp hoá dược đến năm 2015 tầm nhìn 2025”. Trong các văn bản chỉ đạo trên thì Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020” được coi là Chương trình có tính chất thực tiễn nhằm gắn kết các hoạt động khoa học công nghệ với ngành công nghiệp hoá dược.

Một số nội dung cơ bản của Chương trình

 Về mục tiêu chung: Nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lưọng cao, kết hợp với nhập khẩu để sản xuất nguyên liệu hoá dược, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước; nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp… từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên; xây dựng và tăng cường mạnh tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, chuyển giao và ứng dụng công nghệ; đưa khoa học và công nghệ về hoá dược của nước ta đạt trình độ tương đương các nước trong khu vực; góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hoá dược để chủ động sản xuất và cung cấp nguyên liệu hoá dược phục vụ phát triển ngành công nghiệp bào chế thuốc trong nước và ngành công nghiệp dược ở Việt Nam. Ngoài mục tiêu chung, Chương trình cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Từ năm 2007 – 2010: nghiên cứu tạo ra những công nghệ tiên tiến, triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm hoá dược ở qui mô pilot và làm chủ những công nghệ nhập khẩu; sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất của các viện nghiên cứu, trường học…; hiện đại hoá các dây chuyền công nghệ, phòng thí nghiệm và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Giai đoạn từ năm 2011 – 2015: là giai đoạn then chốt, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh việc sản xuất thử sản phẩm; tăng cường mạnh về cả tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực; đưa lĩnh vực hoá dược ở nước ta đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, phát triển ngành công nghiệp hoá dược thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn để sản xuất và cung cấp đủ nguyên liệu làm thuốc thiết yếu, chủ động sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước.

Về nhiệm vụ: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (R-D) và sản xuất thử sản phẩm ở qui mô pilot; xây dựng tiềm lực cho nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp hoá dược; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoá dược và góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hoá dược. 

Để triển khai Chương trình, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện được xác định trên cơ sở kinh phí của từng đề tài, dự án. Hàng năm, Nhà nước bố trí tăng dần mức vốn đầu tư từ ngân sách, đồng thời đa dạng hoá từ các nguồn lực khác. Tổng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện Chương trình là 500 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đồng cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (R-D), hỗ trợ sản xuất thử sản phẩm ở qui mô pilot, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ…; còn 200 tỷ đồng dành cho đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá các phòng thí nghiệm. Riêng vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu hoá dược phục cụ bào chế thuốc, do doanh nghiệp tự thu xếp, cân đối từ các nguồn khác nhau. 

Kết quả thực hiện

Sau hơn hai năm thực hiện, Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, giới nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp, được thể hiện qua các đề tài nghiên cứu, các dự án và nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị. Theo báo cáo của Bộ Công Thương ngày 02/11/2009 về hoạt động của Chương trình từ năm 2008 đến nay, cho biết:

Trong việc nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai (R-D) và sản xuất thử sản phẩm ở qui mô pilot, từ năm 2008 - 2009, trong tổng số 101 đề tài và 11 dự án đã đăng ký thì có 12 đề tài và 4 dự án được duyệt với tổng số kinh phí là 51,1 tỷ đồng. Sang năm 2010, trong tổng số 61 đề tài và 6 dự án đã đăng ký thì có 11 đề tài và 1 dự án được duyệt với tổng mức kinh phí là 23,321 tỷ đồng. Đến tháng 1/2010, sẽ tổ chức thi tuyển ngoại ngữ cho 7 cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị đã đăng ký tham gia nội dung đào tạo của Chương trình. Về hợp tác quốc tế, đã xây dựng được quan hệ với một số đối tác nước ngoài như: Ấn Độ, Bộ Công nghiệp Nga, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Song song với các hoạt động về nghiên cứu thực hiện các đề tài, dự án… thì các hoạt động về tuyên truyền, thu thập ý kiến của các đơn vị, cá nhân cũng đem lại nhiều giá trị đáng kể. Trên thực tế, để Chương trình đạt hiệu quả thì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Theo Công ty Mecophar - một đơn vị đã lập dự án sản xuất kháng sinh bán tổng hợp cephalosporin, công suất 250 – 300 tấn/năm - cần có cơ chế ưu đãi cho các dự án sản xuất thuốc kháng sinh theo Chương trình, như hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, được vay vốn ưu đãi với lãi xuất bằng 0%/năm, được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Còn đối với Công ty Traphaco, nên cấp kinh phí nghiên cứu một lần, không nên tách hàng năm vì gây mất thời gian và tốn kém cho các chi phí gián tiếp; doanh nghiệp cần có bảo lãnh tại ngân hàng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thu hồi vốn, thậm chí bị xử phạt; giảm thuế đối với các sản phẩm thuộc Chương trình cũng như hạn chế bớt các thủ tục hành chính rườm rà; sự kết hợp giữa “4 nhà – nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà tiêu thụ” còn quá lỏng lẻo do thiếu cơ chế về tài chính.

Tại buổi Hội thảo “Vai trò của khoa học công nghệ trong việc phát triển ngành công nghiệp hoá dược ở Việt Nam”, được tổ chức vào tháng 10/2009 do Cục Hoá chất - Bộ Công Thương tổ chức, trong đó có một số ý kiến cho rằng: cơ sở sản xuất kháng sinh nên đặt ở doanh nghiệp mạnh bởi quá trình sản xuất kháng sinh có rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vào thời điểm này không nên tập trung đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành mà nên đầu tư chiều sâu cho các cơ sở nghiên cứu. Nên đầu tư khai thác từ nguồn sinh vật biển, đồng thời lập kế hoạch điều tra tổng thể và lập qui hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chiết xuất, bán tổng hợp các chất thiên nhiên và mở trường đại học chuyên ngành hoá dược.

Hiện nay, “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020” đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân muốn tìm hiểu và sẵn sàng bỏ tâm huyết, tiền của đầu tư với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hoá dược. Và trong những thời gian tới, hiệu quả của Chương trình ra sao? những mục tiêu đặt ra có thực hiện được hay không? những vấn đề đã nêu ra như trên có giải pháp cụ thể thế nào? Các tổ chức, các đơn vị và cá nhân đang đặt niềm tin rất nhiều ở các cơ quan chức năng. Tin tưởng trong tương lai gần, ngành công nghiệp hoá dược nước ta sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, thực hiện tốt các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009.