Thương mại đạt tốc độ phát triển nhanh
Vĩnh Long là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy trong cơ cấu phát triển kinh tế, đến nay, nông nghiệp, thủy sản vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Song, để hai ngành này có thể mở rộng, phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao thì vai trò của ngành công thương, cụ thể là: Điện lực, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa có vai trò động lực.
Về lĩnh vực công nghiệp, ước chỉ số công nghiệp năm 2023 giảm 5,7% so với năm 2022. Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Vĩnh Long hiện có 18 dự án lĩnh vực công nghiệp đang và chuẩn bị triển khai với ước tổng vốn đầu tư là 1.818 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Sở Công Thương đã xây dựng các Kế hoạch, Đề án của ngành để triển khai như: Kế hoạch triển khai thực hiện công tác khuyến công địa phương; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; Kế hoạch xúc tiến thương mại; Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông – thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp…
Ngành Công Thương Vĩnh Long tăng cường công tác khuyến công, chú trọng thực hiện các đề án khuyến công địa phương, tranh thủ nguồn ngân sách từ Trung ương trong thực hiện các đề án khuyến công quốc gia, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; Xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các làng nghề, các xã điểm nông thôn mới.
Giai đoạn này, lĩnh vực thương mại đạt tốc độ phát triển nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Bảo đảm tốt vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được quy hoạch, mở rộng và ngày càng văn minh, hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 115 chợ, 05 siêu thị và 02 trung tâm thương mại.
Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh. Trong thời gian qua xuất khẩu đã có những phát triển nhanh chóng góp phần tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước năm 2023 đạt 739 triệu USD, tăng 1% so với năm 2022. Tổng giá trị nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 251 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 346,8 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022.
Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, hàng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Tỉnh tìm được thị trường tiêu thụ, xây dựng được kênh phân phối, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương. Trung tâm Xúc tiến thương mại chủ động đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài để khai thác thị trường tiêu thụ.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm pháp luật thương mại; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, điạ phương triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tạo động lực thúc đẩy công nghiệp - thương mại phát triển
Trên tinh thần tiếp tục phát huy những thành quả kinh tế đạt được, Vĩnh Long đã xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp - thương mại năm 2024. Theo đó: Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2024 tăng 11% so với năm trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 780 triệu USD, quy mô tăng gấp 5,4% so với ước năm 2023 và kim ngạch nhập khẩu đạt 370 triệu USD, tăng 6,7% so với ước năm 2023.
Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, ngành Công Thương Vĩnh Long đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp đó là chủ động áp dụng nhiều biện pháp khuyến công, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp - thương mại phát triển mạnh. Đối với công nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến. Đồng thời tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh cũng tích cực huy động mọi nguồn vốn bằng nhiều hình thức cho đầu tư phát triển; Không ngừng nâng cao hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính, nhằm tác động mạnh vào quá trình thu hút đầu tư phát triển song song với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tạo kênh lưu thông hàng hóa, nắm bắt nhu cầu thị trường.