Ngành Công Thương với những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2008

6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của ngành Công Thương đạt 30,6 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cơ cấu xuất khẩu đã có những chuyển dịch rõ nét về

Do nhu cầu, cũng như giá cả các loại hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nên kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu 6 tháng đầu năm, dù đã giảm dần trong các tháng vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao, tổng kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là 44,8 tỷ USD, trong đó nhập siêu là 14,2 tỷ USD.

Đứng trước tình hình này, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến bàn về các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu từ giờ đến hết năm. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta phải hạn chế nhập siêu. Tạp chí Công nghiệp xin trích đăng một số ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM: Nên bỏ quy định không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ.  

 

“Ngành gỗ đang gặp thuận lợi vì nhiều khách hàng châu Âu và Mỹ đang muốn chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu gỗ trên thế giới đang dồi dào nhưng lại bị ứ đọng nên doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội nhập khẩu gỗ nguyên liệu về nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam lại đang gặp khó khăn về vốn nên cũng không phát huy được thuận lợi trên. Tôi đề nghị Ngân hàng nhà nước bỏ quy định không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để chi trả trong nước vì quy định này không hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp, hạn chế sản xuất, xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP): Chính phủ cần nghiên cứu vấn đề tỷ giá ngoại tệ.

 

“Việc điều hành tỷ giá như hiện nay khiến xuất khẩu không phát triển được. Lãi suất đang từ 10- 11% tăng lên thành 20 -  21% đã gây khó khăn vô cùng cho doanh nghiệp. Không còn giải pháp nào, chúng tôi đành vay ngoại tệ. Chính Quyết định 09 đi ngược hoàn toàn với quy định của Chính phủ về thu hẹp đối tượng cho vay vốn ngoại tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã làm tình hình nhập siêu tăng. Vì vậy, để thay đổi tình trạng nhập siêu trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần nghiên cứu lại vấn đề tỷ giá ngoại tệ. Có thể nâng dần tỷ giá và mở dần biên độ giao dịch lên 5%, sau đó lên 10% để cho các ngân hàng tự điều chỉnh và thị trường quen dần với tỷ giá mới”.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy Việt Nam: Cần phải có lịch cắt điện chuẩn hơn

 

"Cần xây dựng mối quan hệ giữa chủ và thợ ngày càng tốt hơn. Đối với ngành Da Giầy điều này vô cùng quan trọng, Chúng tôi cũng gặp khó khăn bởi chi phí vận chuyển quá cao, thêm vào đó là tình trạng điện cắt bất kỳ lúc nào, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, cần phải có lịch cắt điện chuẩn hơn thay vì kiểu cắt điện không báo trước và sau đó xin lỗi như ngành Điện rất hay làm như hiện nay".

Ông Lại Quang Trung, Trưởng phòng Vật tư - xuất nhập khẩu - TCT Thép Việt Nam: Nhà nước cần cân đối để các doanh nghiệp Thép có thể vay ngoại tệ

 

  “Nhà nước cần cân đối để các doanh nghiệp Thép có thể vay ngoại tệ, chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất. Về vấn đề điện, ngành Thép là một ngành sản xuất đặc trưng 24/24, nếu điện bị mất đột xuất sẽ gây hậu quả rất lớn về kinh tế cũng như những sự cố kỹ thuật”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Cần có hình phạt nghiêm khắc hơn cho ngành Điện.

 

 “Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp điều hành lãi suất linh động hơn và hạ dần lãi suất cho vay, tăng kiểm tra hoạt động của các ngân hàng, nhất là mức tín dụng và lãi suất để tránh trường hợp có ngân hàng xé rào, biến tướng, tính thêm các khoản phí, làm khó doanh nghiệp. Về vấn đề điện, tôi cho rằng, ngành Điện cần nghiêm khắc xem lại mình hơn. Vụ việc 12 giám đốc Điện lực thiếu trách nhiệm trong việc cắt điện không thông báo trước gây thiệt hại cho nhân dân mà chỉ bị khiển trách là không thoả đáng. Cần phải có hình phạt nặng hơn nữa để răn đe những trường hợp sau này”.

 

 

5 giải pháp tăng cường xuất khẩu của Bộ Công Thương:

1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng nhằm tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, trong đó đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

2. Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, những mặt hàng có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cung như giải quyết nhiều công ăn việc làm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và chủ động về nguồn nguyên liệu.

3. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất các mặt hàng điện tử và máy tính, tăng tỷ trọng sản phẩm điện tử chuyên dung.

4. Tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam. Coi trọng công tác thị trừng nước ngoài trên cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo, đối tác cạnh tranh…

5. Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, tăng nhanh nguồn thu ngoại tệ góp phần hạn chế và giảm tỷ lệ nhập siêu.