Ngành Công Thương xây dựng 05 nhóm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng nhanh chóng thành tựu từ cuộc CMCN4.0, trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số được xác định là một trong những giải pháp có tính căn cơ để ngành Công Thương thực hiện tái cơ cấu một cách triệt để giai đoạn 2021-2030.

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ với Tạp chí Công Thương về vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Vụ trưởng Trần Việt Hòa
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

 

Hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0 là ưu tiên hoạt động KH&CN ngành Công Thương

PV: Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành các Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, ưu tiên trong việc chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0. Xin ông cho biết, những hành động này đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành Công Thương tiếp cận với công nghệ của cuộc CMCN4.0 như thế nào?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đó là hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Do vậy, để hỗ trợ và đồng hành cùng DN, những ưu tiên triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tập trung nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của DN khi tham gia vào cuộc CMCN4.0, với 4 nội dung chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với DN ngành Công Thương. Trong giai đoạn đầu, các hội thảo/diễn đàn ở quy mô lớn đã được tổ chức, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung của cấp lãnh đạo, quản lý và DN về cuộc CMCN4.0. Đến nay, các hoạt động đã đi vào những vấn đề cụ thể của phát triển các ngành, lĩnh vực trước yêu cầu và thách thức của cuộc CMCN4.0.

KHCN ngành Công Thương
MBA 467MVA 500KV do Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) thiết kế, chế tạo

 

Về phần mình, các Tập đoàn/Tổng Công ty, DN đã thực hiện việc quán triệt các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50-NQ/CP của Chính phủ và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ cấp lãnh đạo tới người lao động, từ đó đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của các đơn vị. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về CMCN4.0, các đơn vị đã đi vào triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.

Thứ hai, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về CMCN4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương. Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong các Chương trình khoa học và công nghệ hiện có của Bộ, một số mô hình điển hình như: Dự án phát triển mô hình nhà kho thông minh; Hỗ trợ xây dựng và áp dụng Module quản lý theo dõi sản xuất cho dây chuyền sản phẩm LED & điện tử tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Hệ thống giám sát, điều hành sản xuất trực tuyến (module quản lý năng lượng và bảo trì bảo dưỡng)” tại Công ty Bia Sài Gòn – Hà Nội; Dự án ứng dụng bản đồ số để quản lý và cung cấp thông tin ngành Da - Giày Việt Nam; Hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu đáp ứng công nghiệp 4.0; Hệ thống giám sát chất lượng tự động QCS trong quá trình sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm…

KHCN ngành Công Thương
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đang được chuyển đổi số từng phần

 

Nhiều dự án với sự tham gia trực tiếp của các DN ứng dụng đã được đưa vào kế hoạch triển khai như: Dự án Phát triển và áp dụng thí điểm phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất (PPM) tại Công ty CP Cơ khí Phổ Yên; Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh tại Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong v.v…

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển CMCN4.0, hỗ trợ DN chuyển đổi số tiếp tục là định hướng ưu tiên của Bộ trong xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2022. Đặc biệt, để triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, trong đó, tập trung vào việc phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc CMCN4.0; tiếp tục hợp tác với tổ chức KOSEN – Nhật Bản để thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành trong các trường của Bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành: Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử.

Về phía các Trường, các đơn vị đều đã có những định hướng cụ thể nhằm đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đạo tạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu trong công tác phát triển nguồn nhân lực 4.0

KHCN ngành Công Thương
Rạng Đông với tham vọng trở thành doanh nghiệp Make in Vietnam với các giải pháp kiến tạo thành phố thông minh

 

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các tổ chức, DN nước ngoài, có thế mạnh trong lĩnh vực chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ phục vụ phát triển CMCN4.0. Bộ Công Thương đã triển khai hợp tác cùng Tập đoàn Siemens để thúc đẩy giới thiệu công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại cho một số ngành công nghiệp tiêu biểu. Hợp tác của Siemens, Ủy ban phát triển kinh tế của Singapore, Công ty tư vấn Tuv Sud và các tổ chức quốc tế tập trung vào việc chuyển giao các công cụ hỗ trợ DN đánh giá mức độ sẵn sàng, xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số tại các DN.

Bộ cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, DN có kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động hỗ trợ DN; đồng thời, tăng cường kết nối giữa các DN Việt Nam với các DN cung cấp, tư vấn công nghệ, chuyển đối số trên thế giới, nhằm kế thừa và tận dụng nhanh chóng thành tựu và kết quả phát triển của các quốc gia đi trước.

KHCN ngành Công Thương
EVN Hà Nội với Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp

 

Chuyển đổi số là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của DN

PV: Phát triển sản xuất thông minh, thực hiện chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của các DN trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của các DN trong việc tiếp cận với phương thức mới này chưa cao. Ông có thể chia sẻ về những vấn đề đặt ra với DN ngành Công Thương khi bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Đón đầu xu hướng của CMCN4.0, ngay từ năm 2017, Bộ Công Thương đã thực hiện một cuộc khảo sát diện rộng, sử dụng phương pháp luận và bộ chỉ số đánh giá của Hiệp hội Kỹ thuật Cơ khí của Đức – VDMA. Kết quả cho thấy, mức độ sẵn sàng với CMCN4.0 của các DN sản xuất công nghiệp đang ở mức thấp với điểm trung bình toàn ngành là 0,53/5. Năng lực tiếp cận hạn chế ở cả 06 trụ cột, gồm: Chiến lược và Tổ chức; Nhà máy thông minh; Vận hành thông minh; Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; Sản phẩm thông minh và Người lao động.
Bên cạnh việc thiếu một Chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN4.0, khả năng chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng đang bị hạn chế bởi những vấn đề có tính chất hết sức cơ bản mà ngay cả doanh nghiệp cũng chưa nhận thức hết được.

Hạn chế đầu tiên phải kể đến là khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ DN cũng như giữa DN và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế; điều này dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của DN rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn DN); 11-12 % (ở các khu vực riêng lẻ trong DN).

KHCN ngành Công Thương
Ngành Giấy đang tiến gần tới CMCN4.0

 

Tiếp đó là các DN hiện nay gần như chưa có các sản phẩm thông minh (sản phẩm được tích hợp thêm các tính năng về công nghệ thông tin, công nghệ số, ví dụ như: tính năng bản địa hóa, tính năng tự báo cáo, tính năng nhận dạng tự động v.v…) để tiến hành thu thập dữ liệu của sản phẩm, dữ liệu của khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển sản xuất cá nhân hóa người dùng và hình thành, khai thác những dịch vụ/mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu.

Các mô hình quản trị DN dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%, 66% DN không sử dụng mô hình kỹ thuật số nào. Ví dụ như các hệ thống Quản lý chuỗi cung ứng (SCM), Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), Hệ thống thiêt lập kế hoạch sản xuất (PPS), Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM) v.v…đều có mức độ áp dụng chỉ ở mức 2-3%.

Mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN4.0 của các DN sản xuất công nghiệp còn rất hạn chế, ví dụ như Công nghệ in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, Bigdata chỉ ở mức 2%; 3% với Trí tuệ nhân tạo, Định vị thời gian thực v.v… Phần mềm điện toán đám mây có mức độ DN áp dụng nhiều nhất là 15%, tuy nhiên mức độ khai thác và sử dụng phần mềm này cũng rất khác nhau tại các DN. Kết quả khảo sát cho thấy, 22% DN sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu, 17% DN sử dụng phần mềm trên nền tảng đám mây, chỉ có 5% doanh nghiệp cho biết có sử dụng dịch vụ phân tích dữ liệu..

Cuối cùng, phần lớn các DN hiện nay chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh. Cũng theo kết quả khảo sát, 11% DN chưa trang bị kiến thức, kỹ năng gì cho người lao động để ứng phó với cuộc CMCN4.0 và tỷ lệ DN trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người lao động thấp từ 2-4%.

Ngoài ra, các DN còn bị hạn chế bởi việc thiếu một hệ sinh thái đủ mạnh, có năng lực phục vụ quá trình chuyển đổi. Năng lực nghiên cứu phát triển các công nghệ của CMCN4.0 chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt gắn với các ngành, lĩnh vực sản xuất đặc thù. Các đơn vị tư vấn đang thiếu các công cụ và tiêu chuẩn để tiếp cận và cung cấp giải pháp một cách tổng thể; đặc biệt, thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa tư vấn sản xuất công nghiệp và tư vấn về sản xuất thông minh để đưa ra giải pháp phù hợp cho DN.

KHCN ngành Công Thương
Ngành điện - điện tử với những nỗ lực chuyển đổi số

 

PV: Với những thách thức của DN như vậy, dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, xin ông cho biết Bộ Công Thương sẽ có định hướng, ưu tiên như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ DN của ngành thực hiện chuyển đổi số?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Bộ Công Thương đã có sự vào cuộc, chuẩn bị từ rất sớm thông qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng của DN, triển khai nhiều hoạt động có tính chất thí điểm. Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể mục tiêu và ưu tiên của ngành Công Thương gắn với cuộc CMCN4.0.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình Chính phủ trong năm 2021. Để triển khai việc xây dựng Đề án, chúng tôi đã huy động sự tham gia và vào cuộc của các chuyên gia hàng đầu trong các ngành, lĩnh vực, hoạt động của Bộ, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp 4.0 và chuyển đối số.

Đề án được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phân tích chi tiết các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến hoạt động của chuyển đổi số trong DN ngành Công Thương, tiếp cận toàn diện với các nội dung mang tính chiến lược để hỗ trợ cho DN ngành Công Thương chuyển đổi số, thay vì chỉ đặt trọng tâm vào đầu tư cho công nghệ. Mục tiêu của Đề án hướng tới việc hỗ trợ DN tiếp cận, lựa chọn và tiến hành hiệu quả các phương án, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với hiện trạng và điều kiện của mình.

Để đạt được mục tiêu đó, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án sẽ hướng tới 05 nhóm mục tiêu cụ thể gồm:

Thiết lập môi trường kiến tạo: Tạo ra môi trường chính sách và pháp lý mang tính hỗ trợ cao cho DN ngành Công Thương chuyển đổi số.

Tạo nhận thức sâu sắc: Nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số của toàn ngành song song với việc hình thành cơ chế hỗ trợ bền vững cho DN chuyển đổi số.

Hình thành năng lực sáng tạo: Hỗ trợ DN ngành Công Thương phát triển năng lực triển khai chuyển đổi số bao gồm nguồn nhân lực, năng lực công nghệ và sáng tạo, nguồn tài nguyên dữ liệu và hạ tầng số cho chuyển đổi số.

Dẫn dắt chuyên nghiệp: Hỗ trợ trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số của DN theo phương thức hiệu quả và bền vững, bao gồm nhân lực chuyển đổi số chuyên nghiệp cho DN, các dự án mẫu để đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nền tảng số, cơ chế và tài nguyên hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN.

Phát triển tầm nhìn bền vững: Hình thành yếu tố chuyển đổi số bền vững cho DN ngành Công Thương như theo dõi tiến độ, đánh giá tác động của hoạt động chuyển đổi số đến DN để điều chỉnh phù hợp, hướng đến nền kinh số…

KHCN ngành Công Thương
Dây chuyền sản xuất của Xí nghiệp lốp Radial, Công ty CP Cao su Đà Nẵng

 

PV: Còn với các DN, theo ông, đâu là những ưu tiên trước mắt mà họ cần thực hiện ngay để thích ứng với công cuộc chuyển đổi số nhanh chóng này?

Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Có thể nói, khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đó là “sức ỳ” và việc ngại thay đổi. Đây cũng là rào cản chính cho các hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ nói chung và việc thực hiện chuyển đổi số nói riêng. Tuy nhiên, tôi tin rằng, “cú hích” từ đại dịch Covid-19, cùng với cơ hội đến từ quá trình mở cửa và hội nhập sâu sắc hiện nay đã trở thành một “đòn bẩy” quan trọng giúp chuyến xe của DN trên hành trình chuyển đổi số được khởi động, lăn bánh.

Để quá trình chuyển đổi số của DN diễn ra một cách thuận lợi, theo tôi, trước tiên DN cần phải hiểu chuyển đổi số tại DN của mình có ý nghĩa như thế nào, DN cần, mong muốn gì và họ sẽ phải có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa mong muốn ấy. Nhận thức đầy đủ giúp DN sẽ có cách tiếp cận chủ động trước những cơ hội và thách thức, tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của DN. Cần nhấn mạnh lại rằng, CMCN4.0 lần này không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các DN cần nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi DN, buộc họ phải xem lại định hướng và chiến lược phát triển của mình.

Chuyển đổi số đòi hỏi các DN phải đầu tư nguồn lực thích đáng. Đây rõ ràng là một thách thức với các DN, đặc biệt đối với các DN có quy mô vừa và nhỏ. Khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ DN sử dụng thiết bị không thể kiểm soát bằng công nghệ thông tin hoặc phải nâng cấp để kết nối giữa các thiết bị và hệ thống khác là cao tương ứng ở mức 70% và 52%. Điều này cho thấy, đầu tư của DN không chỉ là vấn đề đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh mà sẽ bao gồm cả việc đầu tư, thay thế các công nghệ, thiết bị hiện có, trong khi, mức đầu tư của các DN trong 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới, phần lớn ở mức thấp.

Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ là một hành trình dài và mỗi DN cần xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể dựa trên các yếu tố: Năng lực hiện tại của DN so với yêu cầu của phát triển công nghiệp thông minh; Ưu tiên hay những thách thức hiện tại đối với vấn đề phát triển của DN và cuối cùng là hiệu quả mang lại là gì.

Tóm lại, đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của DN. Lộ trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào Chiến lược và tầm nhìn của DN trong một bối cảnh phát triển mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hà (thực hiện)