TCCT: Thưa ông, đứng trên vai trò là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên Ngành phục vụ đắc lực cho ngành Dệt May Việt Nam, xin ông đánh giá về sự cần thiết trong việc ban hành Chiến lược Quy hoạch tổng thế Ngành trong giai đoạn tầm nhìn mới hiện nay?
Ông Phạm Văn Lượng: Ngày 10 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg phê duyệt, Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Trong giai đoạn 2008-2020, ngành Dệt May Việt Nam đã thu hút được nguồn lực của mọi thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển ngành, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đến nay đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Dệt may Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu có doanh thu thuộc top 3 thế giới. Ngành dệt may hiện sử dụng trên 3 triệu lao động, trong đó hơn 1,3 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỉ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước. Dệt may Việt Nam đang là ngành công nghiệp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam còn có nhiều bất cập, thể hiện ở một số mặt như:
(i) Xuất phát điểm của ngành may Việt Nam còn thấp;
(ii) Công nghiệp hỗ trợ ngành may kém phát triển (70% nguyên phụ liệu vẫn phải dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài), do vậy tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng tỷ lệ thu về lại thấp,
(iii) Tỷ lệ gia công cao, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, thiếu khả năng cung cấp trọn gói;
(iv) Thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng. Hàm lượng nội địa chủ yếu là nhân công có trình độ kỹ năng thấp hoặc trung bình, được sử dụng kết hợp với máy móc thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu;
(v) Môi trường cạnh tranh quốc gia còn chậm được cải thiện, thủ tục chậm và phiền hà, nhiều chi phí còn cao so với khu vực và quốc tế;
(vi) quan hệ lao động diễn biến phức tạp, chi phí lao động tăng nhanh, biến động lao động lớn (20-30%/năm).
Lợi thế cạnh về giá của Việt Nam đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất tích cực hơn.
Việt nam đã tham gia và ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA) trong đó có các thị trường tiềm năng lớn về dệt may (EU, Mỹ, châu Á -Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là các Hiệp định thế hệ mới CPTPP, EVFTA, Hiệp định song phương Việt Nam - Mỹ là động lực mở rộng thị trường và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt may.
Hơn nữa, nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký kết hầu hết đều có quy định về xuất xứ từ các nước xuất khẩu hoặc cộng gộp trong nội khối ( EVFTA từ vải; CPTPP từ sợi) trong khi đây lại là khâu yếu nhất của dệt may Việt Nam. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt nhuộm cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các doanh nghiệp FDI
Bên cạnh đó, đòi hỏi của các người mua trên thế giới ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất và thời gian giao hàng. Xu hướng “Thời trang bền vững, tuần hoàn”, sẽ ngày càng trở nên phổ biến và được chuyển tải vào trong các yêu cầu tuân thủ của các nước, các nhãn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một cao, đòi hỏi ngành dệt may Việt nam phải có sự chuyển đổi cơ bản trong tổ chức, quản lý, áp dụng công nghệ xanh, sạch, bền vững.
Xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đang thay đổi, các nhà mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu muốn chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, từ kéo sợi, dệt vải cho đến cắt, may sản phẩm cuối.
Xu hướng áp dụng công nghệ số, tự động hoá, công nghệ vật liệu, công nghệ sịnh học cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp dệt may ứng dụng các công nghệ này vào sản xuất, giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng hàng dệt may từ các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, đặc biệt là Trung Quốc sang các nước có lợi thế lao động. Việt Nam được lựa chọn là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư sản xuất dệt may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu
Những phân tích ở trên cho thấy ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Với mục tiêu đưa ngành dệt may phát triển vững chắc trong các giai đoạn tới, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và phù hợp với tốc độ phát triển chung của toàn ngành công nghiệp trong thời kỳ 2021-2030 và sau năm 2030 thì việc xây dựng nhiệm vụ “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cần thiết.
TCCT: Chiến lược Quy hoạch Ngành nếu được trình lên Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt, ban hành sớm, sẽ tạo hành lang pháp lý, huy động sự tham gia của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp. Như vậy, việc xây dựng Chiến lược nên tập trung vào những định hướng mới như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Văn Lượng: Theo tôi, việc quy hoach Chiến lược phát triển Ngành nên xác định rõ được các quan điểm sau:
Trước hết phải xác định rõ các quan điểm chính phát triển dệt may trong thời gian tới: Các định hướng chính cần tập trung để ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu và làm chủ thị trường nội địa.
Cụ thể như sau:
Ngành dệt may định hướng xuất khẩu là động lực chính, quan trọng cho phát triển; Tận dụng các cơ hội từ các FTA đã ký kết, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa.
- Ngành dệt may định hướng xuất khẩu là động lực chính, quan trọng cho phát triển; Tận dụng các cơ hội từ các FTA đã ký kết, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa.
- Thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành dệt may theo hướng: hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
- Phát triển ngành Dệt may theo hướng bền vững, tuần hoàn phù hợp với yêu cầu của các nhãn hàng và các cam kết quốc tế thông qua đổi mới thiết bị, công nghệ, phương thức quản lý, tập trung phát triển các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phù hợp xu thế tiêu dùng của xã hội.
- Khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu, quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, để cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ, và năng suất với các nước có ngành dệt phát triển cao hơn.
- Xây dựng một số khu công nghiệp ngành Dệt may đồng bộ (bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải-may mặc), hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; Ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn;
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, thiết kế và công nhân lành nghề để tạo ra lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập.
TCCT: Hiện nay, việc sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là vải vẫn là khâu yếu và điểm nghẽn của ngành dệt may. Theo ông đâu là nguyên trong nhiều năm qua, ngành Dệt May chưa thể tháo gỡ vấn đền này?
Ông Phạm Văn Lượng: Thực tiễn và công nghệ sản xuất trước đây trong ngành dệt may đã tạo ra định kiến chưa được tháo gỡ là nhiều địa phương, cho rằng ngành dệt may thuộc số những ngành gây ô nhiễm môi trường và các nước phát triển đã dịch chuyển các công đoạn gây ô nhiễm sang các nước chậm phát triển hơn, có quy định về môi trường ít khắt khe hơn.
Tuy nhiên cần phải thấy một thực tế là các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư tại Việt Nam đều rất thành công và là những nhà cung cấp vải rất tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Điều quan trọng để các doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi đều ứng dụng các công nghệ theo hướng bền vững, tuần hoàn đáp ứng với các yêu cầu ngày một cao của chuỗi cung ứng: sử dụng các nguyên liệu, hóa chất thuốc nhuộm xanh; ứng dụng các công nghệ hiện có tốt nhất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường, quản lý hóa chất được thừa nhận của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ sở để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững: có trách nhiệm xã hội, không sử dụng các hóa chất có hại, sử dụng nguyên liệu và công nghệ sản xuất tiết kiệm nước, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu phát thải ra nguồn nước, không khí.
Vì vậy quan niệm ngành dệt nhuộm là ngành gây ô nhiễm và từ đó hạn chế các dự án dệt nhuộm đầu tư tại một số địa phương không còn phù hợp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, bỏ lỡ các dự án đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao cho địa phương.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững để ngành dệt may Việt Nam phát triển xanh hơn, bền vững hơn. Chỉ có như vậy, ngành dệt may mới có thể giải quyết được những yếu kém trong sản xuất dệt nhuộm, tạo thêm nguồn nguyên liệu sợi, vải đạt tiêu chuẩn chất lượng cho may xuất khẩu.
TCCT: Trân trọng cảm ơn ông!