PV: Thưa bà, xin bà cho biết một số sửa đổi cũng như cải cách cơ bản của Quyết định 158-2002/QĐ-UB so với các văn bản pháp luật khác được ban hành và thực hiện trên địa bàn thành phố trước đây?
Bà Nguyễn Tường Loan: Nói về vấn đề này, trước hết hãy nói đến sự ra đời của Quyết định 158. Đây là những văn bản qui phạm pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ giao dịch liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, sở hữu nhà trên địa bàn Thành phố và thay thế các văn bản trước đây đã hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với thực tế quản lý hiện nay. Theo đó, Ngày 25/11/2002, UBND Thành phố đã ra Quyết định 158/2002/QĐ-UB qui định về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp (hoặc bảo lãnh), góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trên địa bàn Hà Nội. Sau đó, ngày 14/4/2003, Sở Địa chính Nhà đất đã ra hướng dẫn số 1385/HD-ĐCNĐ, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
So với các văn bản khác như Nghị định 17/NĐ-CP và Nghị định 79 NĐ-CP, Quyết định 158 được xem là bước “đột phá” trong cải cách thủ tục hành chính về chuyển dịch nhà, đất ở, làm giảm bớt được lượng hồ sơ ở Sở phân về các quận, huyện giải quyết..., tạo điều kiện tiết kiệm thời gian và tránh phiền hà đối với cả người dân lẫn cơ quan quản lý địa chính. Một ví dụ dễ thấy nhất trong vấn đề cải cách thủ tục của Quyết định 158 là: Trước đây, khi thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng theo Nghị định 17/NĐ-CP và Nghị định 79 NĐ-CP của Chính phủ, mặc dù có đầy đủ Giấy chứng nhận hợp pháp, song khi có như cầu chuyển quyền sở hữu nhà (QSHN) ở và quyền sở dụng đất (QSDĐ), ở 2 bên (bên mua và bên bán) phải ra phường xác nhận, tiếp đến trình hồ sơ lên Sở Địa chính Nhà đất, rồi Sở ra công văn chuyển cơ quan công chứng, sau đó mới thực hiện được việc sang tên chuyển quyền. Toàn bộ thời gian hoàn thành các công đoạn phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Đến nay, với Quyết định 158/20002/QĐ -UB, 2 bên khi đã có Giấy chứng nhận, có thể trực tiếp đến cơ quan công chứng lập hợp đồng (hoặc chứng thực hợp đồng) mua bán. Sau khi hồ sơ đã lập đủ và nộp tại Sở Địa chính Nhà đất, theo qui định, thủ tục đăng ký trước bạ sang tên sẽ được hoàn tất trong 5 ngày. Riêng đối với việc mua bán một phần diện tích trong Giấy chứng nhận, do Qui định yêu cầu hồ sơ phải trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xem xét nên thời gian là 20 ngày.
PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn?
Bà Nguyễn Tường Loan: Các “cải cách cơ bản của Quyết định này có thể nêu ra một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, là theo Quyết định 158, hiện nay, Sở Địa chính Nhà đất chỉ phải giải quyết thủ tục đăng ký trước bạ vào Giấy chứng nhận do UBND Thành phố cấp, còn trường hợp có Giấy chứng nhận do UBND quận, huyện cấp theo uỷ quyền của UBND Thành phố thì quận, huyện trực tiếp giải quyết thủ tục chuyển quyền, đăng ký trước bạ sang tên vào Giấy chứng nhận.
Thứ hai là cùng sự phân cấp, giảm tải, Quyết định đã mở rộng việc lập hợp đồng mua bán chuyển quyền so với Quy định trước, cho phép người dân được tự do lựa chọn bất kỳ một phòng công chứng nào trên địa bàn Thành phố để thực hiện việc lập hợp đồng hoặc đến UBND quận (huyện) nơi có đất, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Trong đó, những trường hợp không có Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng có các giấy tờ hợp pháp, hợp lệ sẽ được cơ quan chủ quản cấp Giấy chứng nhận để được thực hiện các quyền theo quy định. Đối với hồ sơ thừa kế nhà ở, đất ở, tiến hành cùng thời điểm với việc chuyển QSHN ở và QSDĐ ở thì giải quyết thủ tục khai nhận thừa kế cùng lúc với thủ tục chuyển QSHN ở và QSDĐ ở.
Đồng thời, bên cạnh các nội dung trên, Quyết định còn quy định rõ ràng về trình tự và thủ tục thực hiện việc cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp (hoặc bảo lãnh), góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội (đối với cả hộ gia đình cá nhân và các tổ chức kinh tế).
PV: Với những thuận lợi của Quyết định 158/2002/QĐ-UB, xin bà cho biết tình hình chuyển nhượng, chuyển dịch sở hữu và quản lý nhà, đất của Sở trên địa bàn Thành phố kể từ khi Quyết định chính thức có hiệu lực thi hành?
Bà Nguyễn Tường Loan: Nếu như trong những năm trước đây, do vấn đề thủ tục hành chính, trung bình mỗi năm Sở chỉ thực hiện và hoàn tất trả lại được khoảng 1000 hồ sơ, thì từ khi thực hiện Quyết định 158 đến nay, mặc dù chỉ trong vài tháng, cụ thể là tính đến ngày10/6/2003, Sở đã giải quyết trả lại được 1350 Giấy chứng nhận, trên 1400 hồ sơ nhận được, (so với kế hoạch đặt ra năm 2003, dự kiến là 1500-1800 hồ sơ) trong đó, số hồ sơ nhận tại khu phố cổ là 50, đã trả 40 hồ sơ. Đặc biệt là Sở đã cùng các cơ quan khác của Thành phố thu ngân sách trên 10 tỉ đồng tiền thuế chuyển quyền và lệ phí trước bạ nhà đất, không kể có 189 trường hợp được miễn thuế theo Thông tư 28/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính).
PV: Xin cảm ơn bà!