Theo đó, mặc dù tình hình sản xuất điều trong nước gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm về sản lượng cũng như XK, nhưng theo số liệu của Tổng Cục hải quan, tính từ đầu năm đến nay, ngành Điều cả nước XK được hơn 104 ngàn tấn điều nhân các loại, với kim ngạch đạt 713 triệu USD, tăng 18,2% về lượng và 2,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

Chế biến điều ở công ty CP Điều Hà My – huyện Đồng Phú – tỉnh Bình Phước
Tuy nhiên, phân tích một cách khách quan có thể thấy, có được những con số tăng trưởng trên là do, trong 7 tháng đầu năm nay, một lượng nguyên liệu thô nằm tại kho hải quan từ cuối năm 2011 đã được thông quan và đưa vào sản xuất. Song song đó, một số doanh nghiệp XK điều Việt Nam đang chuyển dần một số thị trường mới, thay vì tập trung vào thị trường EU, (vì thị trường này hiện nay sức mua đang giảm mạnh). Xét về lâu dài, dù là nước nhiều năm liền dẫn đầu sản lượng XK, nhưng các doanh nghiệp ngành Điều Việt Nam vẫn còn kém lợi thế về giá. Đơn cử như hồi tháng 5/2012, khi nhận thấy sản lượng điều từ các nước chủ chốt đang bị sụt giảm, nhiều khách hàng của ngành Điều Việt Nam đã có ý định tăng giá mua vào, nhưng một số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ lại ồ ạt tăng sản xuất (xuất sản phẩm thô), làm nguồn cung gia tăng mạnh, đây chính là sơ hở, làm cho khách hàng có điều kiện tiếp tục ép giá xuống.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Vinacas, xác nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp đang cố tình bán giá thấp, hoặc phá giá để đẩy mạnh lượng hàng XK, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của Ngành. Ông Thanh khuyến cáo các doanh nghiệp đừng vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng chung và đề nghị các doanh nghiệp nên liên kết lại với nhau, thành những nhóm XK mạnh, để trong thời gian tới, ngành Điều được phát triển theo hướng bền vững.
Bên cạnh việc kém lợi thế về giá, theo ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, việc các nhà máy tăng cường sản xuất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vừa qua còn kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất trong những tháng sắp tới. Ông Huyên còn cho biết, hiện nay một số nhà máy nhỏ ở Bình Phước đã bắt đầu đóng cửa, ngừng hoạt động. Nguyên nhân, một phần vì thua lỗ, một phần vì thiếu nguyên liệu chế biến. Theo tính toán của ông Huyên, từ nay đến cuối năm, nếu không nhập khẩu thêm, ngành Điều sẽ thiếu khoảng 200 ngàn tấn nguyên liệu nữa cho sản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tính toán dựa trên việc giảm bớt công suất các nhà máy như hiện nay, chứ nếu các doanh nghiệp sản xuất “quá tích cực” như tháng 5, tháng 6 vừa qua, thì cao lắm là trong 3 tháng nữa ngành điều sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất.
Để tăng giá trị cho hạt điều Việt Nam, Vinacas cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên đi vào chế biến sâu, tạo thành phẩm trước khi XK, bởi hiện nay, các sản phẩm chế biến sâu chỉ mới chiếm khoảng 13% lượng điều XK hàng năm của Việt Nam. Theo thông tin từ các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, do chi phí nhân công cao, nên nhiều nước phát triển sẵn sàng chuyển giao công nghệ để các doanh nghiệp Việt Nam gia công cho họ. Nếu nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi công nghệ và đạt giá trị lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đi cùng với việc thay đổi sản phẩm là đi cùng với thay đổi khách hàng, mà đây lại là thị trường mới lạ của các doanh nghiệp XK Việt Nam, nên định hướng kinh doanh này có thể gặp nhiều khó khăn khi đi vào thực tế.
Thời gian tới, Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp, không nên sản xuất quá ồ ạt, cũng như không nên XK sang các thị trường quá xa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên tiếp tục nâng cao chất lượng hạt điều, cũng như tìm những giống mới có năng suất cao để đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước.