Dù chưa thể hiện rõ ràng trên doanh số xuất khẩu, song nhiều DN xuất khẩu gỗ đã và đang cảm nhận ngày một rõ rệt tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với ngày càng nhiều khách hàng Mỹ tìm tới các DN Việt Nam tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Theo đó, dự báo doanh số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ sẽ có sự tăng trưởng mạnh kể từ năm 2019.
Nếu nắm bắt tốt cơ hội, doanh số xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ năm 2019 sẽ tăng trưởng đáng kể. Ảnh: N.Hiền.Dồn dập khách hàng Mỹ
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD, tăng 7,4%. Riêng thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 732 triệu USD, tăng chưa tới 4% so với 8 tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng trưởng tới 20%, đạt 2,4 tỷ USD.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết, về mặt tổng thể, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thể hiện sự biến động rõ ràng trên doanh số của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là người trong cuộc nên ông Hiệp cảm nhận rất rõ những thay đổi trong thời gian gần đây. “Khách hàng Mỹ tới nhiều vô kể. Phòng kinh doanh của chúng tôi báo giá không kịp cho khách” – ông Hiệp chia sẻ. Do đó, nếu nắm bắt được cơ hội này, chắc chắn doanh số xuất khẩu của các DN trong năm 2019 sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.
Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia Forest Trends cũng cho hay, một số DN gỗ Việt Nam đã chia sẻ rằng các đơn hàng vào Mỹ đang có xu hướng tăng do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Như vậy, việc Mỹ đánh thuế cao với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ có thể có lợi cho các DN chế biến gỗ của Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) cũng nhận định, thời gian tới, nếu sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn đó, thì sẽ là cơ hội rất lớn cho các quốc gia cung cấp vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, các DN Mỹ có thể sẽ đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, nếu có thể chứng minh năng lực và nắm bắt được cơ hội thì các DN Việt Nam sẽ có thể mở rộng được thị phần tại Mỹ.
Vấn đề là làm sao để có thể nắm bắt được cơ hội “vàng” này? Theo các DN, nguyên liệu chính là con “át chủ bài” cho vấn đề trên, bởi nguyên liệu hiện chiếm tới 45% giá thành của sản phẩm. Theo ông Hạnh, nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ phải là gỗ hợp pháp, bởi thị trường hiện nay không chỉ đòi hỏi chất lượng ở trên phần cứng của sản phẩm mà còn yêu cầu cả chất lượng sinh thái, tức là nguồn nguyên liệu đưa vào sản phẩm không làm ảnh hưởng gì đến môi trường sống của con người.
May mắn là Việt Nam đã có chính sách trồng rừng từ những năm 1988 và hiện đã đến thời kỳ thu hoạch một lượng rất lớn. Khoảng những năm 1990, nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ của Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% và 30% là nguyên liệu trong nước, nhưng hiện tỷ lệ này đang được đảo ngược. Ông Hạnh cho hay, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam luôn tăng trưởng, từ mức 39% năm 2011, hiện đã đạt trên 41% và dự kiến sẽ đạt 42% vào năm 2020. Riêng về rừng trồng hiện Việt Nam đang có khoảng 2,8 triệu ha, hàng năm có thể cung cấp vào thị trường khoảng 30 triệu m3 gỗ. Do đó, ông Hạnh cho rằng, điều mà các DN cần làm hiện nay là đầu tư về máy móc và công nghệ để nâng cao sản lượng, cải tiến về chất lượng và cải tiến về môi trường để có thể tận dụng được những cơ hội không chỉ tại thị trường Mỹ mà đối với tất cả thị trường khác.
Cảnh giác để tránh “vạ lây”
Ông Huỳnh Văn Hạnh, cho hay, thời gian gần đây có nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam tìm mua lại những DN làm ăn không hiệu quả trong ngành gỗ. Đây chính là vấn đề mà các DN cần cảnh giác. Vì khi DN Trung Quốc mua DN Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam, làm cho sản lượng của Việt Nam tại một thời điểm nào đó sẽ tăng cao lên một cách đột biến. Khi đó ngành gỗ Việt Nam chắc chắn sẽ bị “vạ lây”. Do đó, cần xem xét xem khi vào Việt Nam thì các DN Trung Quốc sản xuất những mặt hàng nào và sản lượng có đạt đến ngưỡng mà có thể bị Mỹ kiện bán phá giá hay không. Bởi khi kiện bán phá giá, phía Mỹ sẽ chỉ nhắm tới một vài mặt hàng nào đó có sản lượng tăng đột biến và ảnh hưởng đến thị trường của họ.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hiệp Long cho biết thêm, qua chia sẻ với chủ tịch Hiệp hội gỗ ở các tỉnh của Trung Quốc, ông Thanh được biết các DN chế biến gỗ của Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn do giá nhân công ở Trung Quốc tăng, sản phẩm gỗ đang bị Mỹ áp thuế. Điều này buộc các DN chế biến gỗ Trung Quốc phải có sự tính toán để chuyển dịch sản xuất. “Nếu các DN chế biến gỗ Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam một cách từ từ, khiến doanh số xuất khẩu của Việt Nam tăng dần thì không sao. Nhưng nếu họ chuyển dịch ồ ạt vào Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ, dẫn tới giá trị xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến, khi đó các DN Mỹ sẽ phát đơn kiện lên chính phủ Mỹ, điều này sẽ khiến Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá như trước đây Trung Quốc đã từng bị áp” – ông Thanh nói.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn áp dụng loại thuế chống lẩn tránh. Do đó, phía Mỹ sẽ theo dõi “đường đi” của các DN Trung Quốc. Khi phát hiện các DN Trung Quốc lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất sang Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể sẽ bị áp thuế với mức từ 10% trở lên. Khi đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ thiệt hại rất lớn.