Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các chủng loại hàng rau quả đều tăng
Ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho thấy, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 370 triệu USD, tăng 8% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là điểm sáng tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, hầu hết các chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đều có trị giá tăng. Trong đó, xuất khẩu các loại quả đạt 377,4 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu quả sầu riêng, mít, xoài, dưa hấu trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 56,9 triệu USD, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm 2022. Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của cả nước.
Trong 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sản phẩm chế biến, hoa và lá đều tăng khá. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm chế biến đạt 152,8 triệu USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu chanh leo chế biến tăng rất mạnh, đạt 25,8 triệu USD, tăng 236,1% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo sản phẩm chế biến từ trái dừa đạt 23,2 triệu USD, giảm 1,9%; sản phẩm chế biến từ hạt dẻ cười tăng 69,8%...
Cơ hội lớn tại thị trường EU
Theo số liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả (HS 07, 20, 08 - không bao gồm hạt điều HS 080131, 080132) của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Trị giá nhập khẩu trong năm 2022 tăng rất mạnh, đạt 104,5 tỷ EUR (tương đương 112,9 tỷ USD), tăng 9,6% so với năm 2021.
Tây Ban Nha và Hà Lan là 2 thị trường cung cấp hàng rau, củ, quả (HS 07, 20, 08 – không bao gồm hạt điều HS 080131, 080132) lớn nhất cho thị trường EU trong năm 2022, trị giá nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 31,97% tổng trị giá nhập khẩu.
Việt Nam là thị trường cung cấp chủng loại hàng rau, củ, quả (HS 07, 20, 08 – không bao gồm hạt điều HS 080131, 080132) lớn thứ 50 cho EU trong năm 2022, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 211,2 triệu Eur (tương đương 228,1 triệu USD), tăng 34,7% so với năm 2021.
Theo đánh giá, cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại EU là rất lớn vì quy mô thị trường chiếm tới 43% trị giá thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường EU, hàng rau, củ, quả của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.
Các sản phẩm rau, củ, quả xuất khẩu vào thị trường EU cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi và có giá trị gia tăng về hương vị. Không chỉ vậy, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.