Ngành hóa chất nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập

Trên “sân chơi” chung của toàn cầu khi xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), phòng vệ thương mại (PVTM) chính là “van an toàn” mà các quốc gia thường sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước nói chung trong đó có ngành hóa chất nói riêng. Do vậy, trong bối cảnh hội nhập doanh nghiệp hóa chất cần chủ động các biện pháp ứng phó để tự bảo vệ chính mình.

Thách thức trước mắt

Theo Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương,  tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế số lượng các vụ việc PVTM ngày càng gia tăng. Tính đến hết năm 2021, đã có 208 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam, song những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước.

Liên quan đến PVTM, đối với ngành hóa chất phải kể đến các doanh nghiệp cao su Việt Nam sản xuất các sản phẩm lốp xe hơi và xe tải hạng nặng xuất khẩu sang Hoa Kỳ như Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC).

Doanh nghiệp cao su Việt Nam liên quan đến phòng vệ thương mại, điều tra từ phía nước ngoài 

Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe hơi nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan. Đối với nội dung chống bán phá giá, DOC giữ nguyên quyết định đã công bố tại quyết định sơ bộ ở mức 22,30% cho các doanh nghiệp không nằm trong số các doanh nghiệp chiếm tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu rất lớn, đến 95,5% sang Mỹ. Với cáo buộc trợ cấp, mức thuế DOC quyết định từ 6,23 - 7,89%, giảm tương đối so với phán quyết sơ bộ. 

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp mà các doanh nghiệp chiếm 95,5% kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam phải chịu từ 6,23 - 7,89%, thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong quá trình ứng phó với vụ việc, các bộ ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhau khi trao đổi với DOC nhằm đảm bảo kết quả khách quan, tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời chứng minh Việt Nam không bán phá giá, không trợ cấp cho sản phẩm lốp xe cũng như không định giá thấp đồng tiền nhằm tạo lợi thế xuất khẩu.

Trước đó, 3/4 doanh nghiệp, vốn chiếm đến 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe hơi sang Mỹ (khoảng 470 triệu USD vào năm 2019) được xác định không bán phá giá do có hợp tác điều tra đầy đủ, trong khi các doanh nghiệp khác bị áp đến 22,3% do không cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như thiếu sự hợp tác trong quá trình điều tra với DOC.

Việc Hoa Kỳ chưa kết luận Việt Nam bán phá giá với lốp xe và áp dụng lệnh trừng phạt cũng mang lại lợi ích đáng kể cho ngành cao su và người trồng cao su Việt Nam khi một số lượng lớn cao su khai thác tại Việt Nam được sử dụng sản xuất lốp xe.

Hay như đối với mặt hàng phân bón thời gian qua, việc áp dụng thuế PVTM đối với phân bón nhập khẩu DAP và MAP được thực hiện bài bản, đúng quy trình trong đó đã có đánh giá về tác động của nhiều yếu tố khi ban hành hình thức thuế này.

Hiện giá phân bón DAP sản xuất trong nước có giá thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu và ngay cả khi không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì giá phân bón sản xuất trong nước cũng thấp hơn so với phân bón nhập khẩu. Kể từ khi áp thuế tự vệ, lượng phân bón DAP, MAP nội địa đã cải thiện tăng lên, còn lượng DAP, MAP nhập khẩu giảm dần.

Điều này cho thấy, ban hành thuế tự vệ đã góp phần điều chỉnh cán cân thương mại về mặt hàng phân bón; tạo điều kiện và bảo vệ hợp pháp cho ngành sản xuất phân bón trong nước đứng vững và từng bước phát triển, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Qua theo dõi, có thể thấy Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ động và tham gia khá sớm và chủ động trong hoạt động PVTM (vụ việc EU điều tra xơ sợi, vụ việc thuế tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu, vụ việc sorbitol,…) và hiện nay đang tích cực phối hợp tham gia trong Hệ thống cảnh báo sớm, thực hiện đánh giá về năng lực sản xuất các ngành hàng quan trọng trong ngành như phân bón, lốp xe, hóa chất cơ bản… từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Hệ thống cảnh báo sớm, giúp cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đồng thời doanh nghiệp trong ngành có thể khai thác dữ liệu cơ bản để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Ngành Hóa chất chủ động trong hoạt động PVTM vụ việc thuế tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu

Do đó, cần phải cạnh tranh một cách sòng phẳng và công bằng, trong đó, các biện pháp PVTM là một công cụ hỗ trợ đã được quốc tế công nhận và cho phép.

Hoạt động bán phá giá dẫn đến hàng nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất rẻ. Nếu đi theo hướng giá rẻ để tận dụng thì đến một ngày, có thể không còn ngành sản xuất nào nữa. Trong một số trường hợp, thị trường sẽ hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. Theo đó, việc áp dụng hết sức nghiêm túc quy trình điều tra các biện pháp PVTM, sẽ đảm bảo quyền lợi của các bên, kể cả người tiêu dùng”- đại diện lãnh đạo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Hay như gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 12/2020 trên cơ sở đề nghị của của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 9/2020. Quá trình điều tra vụ việc được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Được biết, Sorbitol (E420i) thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm. Ngoài ra còn có tác dụng tạo độ bóng và giữ độ ẩm cho thực phẩm.

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, trong bất kỳ một vụ việc điều tra PVTM nào, quyền lợi của người tiêu dùng luôn được Bộ Công Thương xem xét một cách đúng đắn nhất, thể hiện qua quy trình điều tra và các bên liên quan đều được quyền lên tiếng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đẩy mạnh phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước

Ngày 2/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1659/QĐ-TTg Đề án “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” với quan điểm cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về PVTM để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cụ thể, Đề án đề cập đến vấn đề năng lực của Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước. Nội dung PVTM được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm.

Đề án cung đặt ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về PVTM, giải quyết tranh chấp PVTM trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do.

Trước đó, ngành hóa chất cũng đã chủ động lên kế hoạch như xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp trong ngành hóa chất để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.

Nhận thức được vấn đề, một số doanh nghiệp hóa chất lớn đã chủ động trao đổi thông tin với cơ quan điều tra và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp PVTM, tác động của các vụ việc PVTM; xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc PVTM.

Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA, 15 FTA đã đi vào thực thi, điều này đồng nghĩa với nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi hơn, thuế nhập khẩu cũng theo lộ trình giảm dần tùy cam kết trong từng FTA.

Đặc biệt, để ứng phó kịp thời trước tình trạng số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ngày càng gia tăng trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai vận hành Hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng (cập nhật ngành hàng tại website www.trav.gov.vn của Cục PVTM).

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, về mặt ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại nước ngoài, doanh nghiệp cũng như các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã có thuận lợi hơn khi được trang bị, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm sau vụ kiện chống bán phá giá cá ba sa của Việt Nam tại Mỹ từ năm 2002.

Cũng theo bà Trang, các hiệp hội doanh nghiệp … đã có sự chuẩn bị giúp mang lại hiệu quả nhất định trong các vụ kháng kiện ở nước ngoài. Thậm chí, nhà xuất khẩu Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nhập khẩu mang lại lợi ích về kỹ thuật cũng như sự vận động chính sách liên quan tại nước sở tại.

Theo xu hướng, nhiều nước gia tăng các biện pháp PVTM, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện PVTM ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào. Thậm chí gần đây, các nước xung quanh Việt Nam trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á cũng tăng cường kiện PVTM đối với hàng hóa Việt Nam, cụ thể là chiếm 40 trên tổng số 204 vụ.

Theo Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng, sử dụng công cụ phòng vệ, coi đây là "phao cứu sinh" để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện. Trong quá trình điều tra các biện pháp PVTM, các nước nhập khẩu thường tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như chuỗi sản xuất của sản phẩm. Do đó, để có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.

Để có thể sử dụng biện pháp PVTM hữu hiệu, chúng ta cần am hiểu quy định, chủ động ứng phó, đảm bảo tính đại diện và có bằng chứng xác đáng.

Dưới góc độ ngành hóa chất, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quan tâm và có nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp như tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức trang bị kiến thức cơ bản cho nhiều doanh nghiệp về PVTM, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện PVTM, cập nhật thông tin cảnh báo, tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất xứ hàng hóa, chủ động hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong quá trình xử lý vụ việc… Bên cạnh đó, những yêu cầu về tính chủ động trong việc cung cấp thông tin, tâm thế, vai trò nguyên đơn hoặc bị đơn cũng được chia sẻ, hướng dẫn chi tiết và nhận sự hợp tác khá tốt từ một số doanh nghiệp. Đơn cử như Hiệp hội cao su Việt Nam và bày tỏ quan tâm sâu sắc về vụ việc lốp xe ô tô và sẵn sàng tham gia xử lý vụ việc cũng như phối hợp với Cục PVTM trong suốt quá trình ứng phó nếu Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra vụ việc với một số sản phẩm lốp xe ô tô.

Đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ phải là đại diện của ngành, chứ không phải doanh nghiệp riêng lẻ; phải chứng minh được có hành vi bán phá giá, trợ cấp cũng như gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Có thể khẳng định, PVTM vẫn sẽ luôn là công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, tham gia nhiều FTA. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhiều nước chuyển sang áp dụng các hình thức mới trong PVTM, thì việc kiện toàn, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước… và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về PVTM sẽ là điều kiện tiên quyết giúp các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó, đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp.

 

Đặng Văn Thực, Cục Hoá chất, Bộ Công Thương