Để bảo vệ lợi ích chính đáng
Trao đổi tại Tọa đàm “Thực trạng ngành Mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết: Đến nay chúng ta đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) tổng cộng 25 vụ việc, trong đó có 15 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Đây là xu hướng phù hợp với xu hướng của thế giới.
Trong đó biện pháp được sử dụng nhiều nhất là các cuộc điều tra chống bán phá giá để xác định hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu khi bán với giá tại thị trường Việt Nam thấp hơn giá tại thị trường của họ ở cùng loại hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tiến hành 01 vụ điều tra chống trợ cấp đối với việc Chính phủ nước ngoài trợ cấp cho doanh nghiệp nước họ để xuất khẩu, cũng là đối với sản phẩm đường nhập khẩu, đây là trường hợp chúng ta vừa tiến hành điều tra chống bán phá giá và vừa điều tra chống trợ cấp.
Ngoài ra còn một số lượng nhỏ các vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu tăng một cách đột biến mà chúng ta chưa biết nguyên nhân nhưng chúng ta cần áp dụng biện pháp tự vệ trong một giai đoạn nhất định nhằm hạn chế bớt thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; bên cạnh đó là 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Theo ông Trung, hiện nay chúng ta đang duy trì hiệu lực 16 biện pháp PVTM và trong số đó nhiều nhất là đối với các mặt hàng kim loại như thép và sản phẩm thép. Đây là xu hướng chung của thế giới, bởi thông thường các mặt hàng kim loại là đối tượng điều tra áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất. Ngoài ra còn một số vụ việc liên quan đến mặt hàng gỗ, đường và một số mặt hàng khác.
Ông Trung nhấn mạnh: Trong xu hướng hội nhập, nhiều ngành hàng sẽ dễ dàng trở thành đối tượng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM. Đường cũng là một ngành bắt đầu có những bước hội nhập và có sự nghiên cứu thị trường thế giới nên biết được có những biện pháp PVTM có thể áp dụng được để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho những ngành khác trong việc vận dụng những công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Một số ngành khác như ngành thép, thông qua các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành va chạm và bị áp dụng biện pháp PVTM tại các thị trường nước ngoài, từ đó họ có những kiến thức, hiểu biết về PVTM và áp dụng những biện pháp đó trong điều kiện phù hợp để bảo vệ lợi ích cho thị trường trong nước của ngành.
Từ thực tiễn của ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Trong quá trình chuẩn bị cho hội nhập ATIGA, cách đây 5 năm ngành Mía đường Việt Nam với tinh thần cầu thị, đã bắt đầu tích cực nghiên cứu mô hình sản xuất mía đường của các nước ASEAN đã hội nhập trước Việt Nam nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh chuẩn bị cho bước hội nhập quốc tế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy ngành mía đường Việt Nam ở trình độ tương đương về năng lực cạnh tranh, nhưng còn hạn chế so với các nước về các biện pháp hỗ trợ cho sản xuất và bảo vệ thị trường đường trong nước.
Nhờ những thông tin và dữ liệu mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu được cho thấy bằng chứng rõ ràng của các biện pháp trợ cấp trái với các quy tắc thương mại quốc tế mà Chính phủ Thái Lan đã áp dụng cho ngành mía đường nước này để có thể bán đường với mức phá giá ra thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở đó, tháng 8/2020 Hiệp hội và 6 công ty mía đường đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Rõ ràng khi các ngành sản xuất trong nước ngày càng tham gia nhiều hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì sẽ có nhiều hơn những ngành hàng biết cách vận dụng, sử dụng công cụ hợp lý và hợp pháp để bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình.
Tuy nhiên, ông Chu Thắng Trung cũng khuyến cáo, việc áp dụng biện pháp PVTM với sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh mang lại tác động tích cực cho ngành sản xuất trong nước không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể lạm dụng biện pháp PVTM. Bởi việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM phải tuân theo những thủ tục, trình tự quy định đầu tiên của pháp luật trong nước và phù hợp với những cam kết quy định của Tổ chức thương mại thế giới, các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Khi một ngành sản xuất, ví dụ như là ngành đường đề nghị áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường nhập khẩu thì không có nghĩa là chúng ta sẽ đồng ý và áp dụng ngay mà cơ quan nhà nước phải thông qua một quá trình điều tra và thu thập đủ bằng chứng, có những phân tích, nhận định chính xác được hành vi bán phá giá và nhận trợ cấp từ sản phẩm đường nhập khẩu hay không để từ đó cơ quan điều tra mới có thể kết luận, kiến nghị, đề xuất việc áp dụng biện pháp PVTM đối mặt hàng đường nhập khẩu.
Một điều nữa là khi bất kỳ một biện pháp PVTM nào được áp dụng thì có thể sẽ dẫn đến khả năng thiết lập một mặt bằng giá mới đảm bảo mức cạnh tranh công bằng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Khi đó các hiệp hội, doanh nghiệp phải lưu ý đến những vấn đề như đảm bảo cung - cầu hay sự ổn định của giá cả. Những vấn đề đó nằm trong một chính sách rộng hơn những biện pháp PVTM, liên quan đến nhiều cơ quan liên quan hơn để đưa ra được những chính sách, giải pháp đảm bảo sự ổn định của giá cả, cân bằng cung – cầu hàng hóa tại thị trường trong nước.
Đồng quan điểm với ông Trung, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết: Giá đường trong nước tăng trở lại trong thời gian vừa qua đến mức giá hiện nay trên thị trường một phần do tác động của biện pháp PVTM và một phần do giá đường thế giới tăng cao. Tuy nhiên các công ty sản xuất đường trong nước không phải là đối tượng hưởng lợi của việc tăng giá đường và đang sử dụng tác động của biện pháp PVTM để tăng giá mía hỗ trợ nông dân nhằm phục hồi vùng nguyên liệu.
Theo ông Lộc, sau khi áp dụng biện pháp PVTM, giá mua mía của các nhà máy đường Việt Nam tăng liên tục cộng với sản lượng giảm dẫn đến giá thành sản xuất đường cũng tăng. Tuy nhiên giá bán đường của các nhà máy trong giai đoạn vừa qua mới chỉ đạt mức hòa vốn hoặc lãi thấp. Hiện giá mua mía và giá đường của Việt Nam đang tiệm cận với giá mua mía và giá đường các nước trong khu vực (giá mua mía tương đương, nhưng giá đường vẫn thấp hơn các nước Philippine, Indonesia, Trung Quốc). Giá đường trong nước hiện nay vẫn thấp hơn giá đường nhập khẩu từ Thái Lan có đóng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
“Biện pháp PVTM nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Còn bản thân các doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất đường trong nước vẫn cần nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của mình để cạnh tranh tốt với hàng hóa nhập khẩu”, ông Trung nhận định.
Liên quan đến vấn đề nội tại này, theo ông Trung, những ngành sản xuất như ngành đường có đặc thù là quan hệ mang tính chất gần như là cộng sinh giữa người nông dân và nhà máy đường. Do đó để đảm bảo các nhà máy có được nguồn nguyên liệu đầy đủ, ổn định cho sản xuất thì việc đầu tiên và rất quan trọng là phải đảm bảo mối quan hệ cân bằng giữa người nông dân và các nhà máy đường để cùng thu được lợi ích từ hoạt động sản xuất kinh doanh đường.
Có thể thấy, PVTM là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Việc áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu là rất cần thiết khi Việt Nam bắt đầu thực thi các cam kết trong Hiệp định ATIGA và biện pháp này đã cho thấy hiệu quả tức thì đối với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đối với người nông dân trồng mía và một phần nào đó là đối với người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các công cụ PVTM trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ hàng hóa nhập khẩu có thể gia tăng với những cách thức ngày càng tinh vi hơn thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình để có thể thích nghi với bối cảnh hội nhập kinh tế tốt hơn và phát triển bền vững.
“Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chỉ ở mức đủ để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Đó cũng là mục tiêu sau cùng của các biện pháp phòng vệ thương mại” (Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại)