Tại tọa đàm trực tuyến: “Ngành mật ong ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá”, vừa qua, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tháng 5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%.
"Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường nên trong vụ việc này, gần như chắc chắn Cơ quan điều tra Mỹ sẽ sử dụng chi phí tại Ấn Độ để xác định giá thông thường làm căn cứ so sánh với giá xuất khẩu của Việt Nam. Đây là điểm bất lợi nhất đối với doanh nghiệp của ta trong vụ việc do chi phí sản xuất mật ong tại Ấn Độ được cho là cao hơn Việt Nam", bà Phạm Châu Giang chia sẻ.
Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề nghị mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34 - 99%), Ukraine (11 - 95%) và Argentina (17 - 23%). Dự kiến ngày 17/11 tới đây, DOC sẽ có kết luận sơ bộ ban đầu về cuộc điều tra này.
Theo ông Lê Thanh Vân - Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD.
Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu mật ong đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020. Hiện tổng sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, trong đó 95% lượng xuất khẩu là vào thị trường Mỹ.
Thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của nước này.
“Nếu Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam, thì hầu hết những doanh nhỏ, rất nhỏ và vừa, người nuôi ong rất vốn nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Vân lo lắng.
Theo bà Giang, trong quá trình ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan, đồng thời theo dõi sát vụ việc, có ý kiến kịp thời để đảm bảo cơ quan điều tra nước ngoài tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại, đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình điều tra.
Thực tế, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, rất nhiều vụ việc đã thu được kết quả tích cực trong quá trình kháng kiện khi doanh nghiệp xuất khẩu của ta không bị áp thuế hoặc chỉ bị áp với mức thuế thấp và nhờ đó vẫn xuất khẩu ổn định.
Ông Lê Thanh Vân bổ sung thêm, nước Mỹ cũng là quốc gia có nền chăn nuôi ong lớn, với 2,7 triệu đàn ong, sản lượng mật ong đạt 255.000 tấn mỗi năm. Về phần mình, Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ điều tra. Trước tiên là cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Hoa Kỳ.
Để đối phó với các biện pháp điều tra PVTM đối với sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng mật ong nói riêng trước mắt cũng như lâu dài, các chuyên gia cho rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm vẫn luôn phải được coi trọng. Cùng với đó, các biện pháp cảnh báo sớm và mở rộng thị trường sẽ là những giải pháp mang tính bền vững cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, Hiệp hội nuôi ong Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ điều tra. Phía Bộ NN&PTNT đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tác động với đối tác Mỹ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam để đình chỉ điều tra hoặc có mức thuế phù hợp.
“Để tránh xảy ra sự việc tương tự, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới. Tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường như Mỹ sẽ rất dễ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về việc xuất khẩu. Cùng với đó, các DN và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm”, ông Chinh khuyến cáo.
Theo ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp cho hay, thị trường EU tiêu dùng khoảng 300 nghìn tấn mật ong/năm. Từ năm 1996. Việt Nam đã là nhà cung cấp chính mật ong cho EU, với lượng xuất khẩu vào thị trường này lên đến hơn 5 nghìn tấn. Tuy nhiên, từ năm 2007, do chúng ta vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nên phía EU đã cấm nhập khẩu mật ong từ Việt Nam.
Từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa dỡ bỏ được lệnh cấm nhập khẩu của EU. Nếu khai thông trở lại được thị trường EU, thì chúng ta sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu mật ong , nhưng điều tiên quyết là phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm.
Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho rằng, bản thân các doanh nghiệp thương mại mật ong của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với doanh số hàng năm chỉ khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Nguồn vốn cũng ít chủ yếu là vốn vay, nhưng lại không vay được qua nguồn chính thức là ngân hàng mà thông qua doanh nghiệp quỹ đầu tư, thậm chí vay bên ngoài.
"Nguồn lực hạn chế, khi đối diện với sự điều tra và nghi ngờ của đối tác sẽ là khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp, người nuôi ong", ông Tâm nêu thực tế, đồng thời cho biết Hiệp hội nuôi ong Việt Nam cũng đã thảo luận thống nhất chung là mặc dù nguồn lực kinh tế hạn chế, nhưng trong các vụ khởi kiện chống bán phá giá của thế giới buộc các doanh nghiệp phải có luật sư hỗ trợ".
Ông Tâm thông tin thêm, hiện nay có trên 20 doanh nghiệp đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Mỹ. Ngoài những doanh nghiệp điều tra bắt buộc, có những doanh nghiệp tự nguyện làm đơn giải trình.