Ngày Xuân... nói chuyện nghề báo

Miền Nam vào năm 1969, Sài Gòn là thủ đô của chế độ cũ, có gần 20 tờ nhật báo, khoảng 10 tuần báo và bán nguyệt san hay nguyệt san. Nhật báo xuất bản hàng ngày có từ 8 đến 10 trang khổ 90x120 (khổ này

1. Làm báo ngày vô cùng vất vả, chỉ với tám trang mà phải nhồi nhét biết bao nhiêu là tin từ trong nước đến thế giới chưa kể tiểu thuyết nhiều kỳ. Thời đó chưa có vi tính, thay vào đó là hàng triệu chữ bằng chì nhỏ li ti đựng trong từng hộc phân biệt theo ký tự a, b, c… người thợ sắp chữ phải dùng bàn tay khéo léo bóc từng chữ một để dàn trang. Nhìn cái khuôn sắt bên trong đầy chữ được nén chặt bởi những con ốc phía ngoài, ta mới thấy sự khéo léo của những người thợ sắp chữ mà đa số chỉ là những cậu “choai choai” mới mười sáu, mười bảy tuổi, vì lớn hơn là phải đi quân dịch. Chỉ một sơ suất nhỏ khi di chuyển cái khung sắt đó là bao nhiêu công lao đem đi “đổ sông, đổ biển” vì khi khung sắt rơi, chữ trong khung sắt sẽ văng ra tung tóe.

Phòng sắp chữ của tờ TĐ nằm trên căn gác ọp ẹp, nóng bức, có độ 10 người dưới quyền anh T., được gọi là “sếp ty pô” tuổi hơn bốn mươi. Anh T. ít nói, lấy nơi làm việc làm nhà ở của mình, bốn mùa, suốt tháng đều quần đùi, áo thun, một điều đặc biệt là không bao giờ anh rời khỏi cái “tổ ấm” dù chỉ để mua thuốc lá hay ăn sáng. Anh lẩn như chạch, nhác thấy bóng người lạ vào tòa soạn là anh biến mất tăm. Cho đến ngày miền Nam được giải phóng, mọi người “té ngửa”: anh là một cán bộ nằm vùng của cách mạng, gốc Nam Định, cộng tác với anh được mấy năm mà chúng tôi cứ tưởng anh là “hai lúa” của Đồng bằng sông Cửu Long vì anh nói giọng Nam bộ rất tài. Trái với vẻ lù khù của anh T., trong cương vị mới là cán bộ thông tin văn hóa trông anh oai vệ và hoạt bát hẳn lên. Nhờ sự nhận xét công tâm của anh, anh em trong làng báo gian, ngay được phân định rạch ròi sau ngày 30-04-1975.

2. Từ năm 1970, chiến sự ở miền Nam vô cùng ác liệt, mỗi buổi chiều tại Trung tâm báo chí (gần Nhà hát Lớn bây giờ), quân lực Việt Nam Cộng hòa cử một viên Trung tá ngành Chiến tranh chính trị có nhiệm vụ tường trình diễn biến trên khắp các mặt trận trong ngày với các phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Câu kết luận khi kết thúc buổi họp báo mà cánh nhà báo nghe mòn tai là: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiến thắng trên khắp chiến trường, địch chết ba, ta chết một…”. Không biết vô tình hay cố ý mà báo N. trong số báo phát hành sáng hôm sau lại in: “… địch chết ba, ta chết hết…”. Dĩ nhiên, chuyện gì đến phải đến, từ chủ bút, ký giả, người sửa mo- rát (được gọi là thầy cò), thợ sắp chữ đều bị Công an chìm “dợt” một trận te tua.

3. Giới báo chí miền Nam còn có một giai thoại về chuyện chữ nghĩa trên báo, thời Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, Xóm Mới thuộc quận Gò Vấp có số dân di cư từ miền Bắc vào ở rất đông, nhà thờ Xóm Mới là một nhà thờ lớn, vị linh mục phụ trách nhà thờ rất thân với Tổng Thống Diệm nên vị Tổng thống này thường đến thăm vào những ngày lễ lớn. Xóm Mới cũng là nơi chứa em, út nổi tiếng với địa danh Ngã ba Chú Ía…, nơi đây chuyện chơi bời, chèo kéo khách diễn ra công khai vì được sự che chở của một đơn vị quân đội và nhà chức trách địa phương. Trong một lần Tổng thống Ngô Đình Diệm thăm nhà thờ Xóm Mới vào dịp Lễ Quốc khánh của chế độ cũ, báo D. loan tin “Ngô Tổng Thống về thăm nhà thổ Xóm Mới”, chữ “nhà thờ” được bỏ dấu thành “nhà thổ”… Báo bị đóng cửa, nhân viên tòa báo bị nhốt không sót một người…     

4. Dân miền Nam sống trong chế độ cũ ai ai cũng đều biết viên tướng có hàm râu “dê” đặc biệt của Nguyễn Khánh. Tướng Khánh thường có nhiều thủ đoạn ranh ma và là người luôn tráo trở, nay phò ông này, mốt lại lật đổ, ngày hôm trước ban bố Hiến pháp có những điều khiến các sinh viên phẫn nộ cho là Hiến pháp độc tài, hôm sau cũng lại cùng sinh viên xuống đường hô đả đảo. Tướng Khánh được báo chí gọi là Đại ca Khánh, báo Hòa Bình có lối chơi chữ không ai bắt bẻ được, báo này gọi Đại ca Khánh viết tắt là Đại KK (đọc là đại ca ca Khánh, mà caca tiếng Pháp là cục phân, nếu dịch đủ nghĩa Đại ca ca là cục phân to).

5. Năm 1973, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa được Chính phủ Nhật đồng ý viện trợ xây cầu Mỹ Thuận thay cho chiếc phà có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, vụ việc này bị vấp phải sự phản đối của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nên việc xây cầu bị dừng lại. Một phóng viên của báo L. sau chuyến công tác miền Tây về loan một tin giật gân: “Hiện nay, người dân miền Đồng bằng sông Cửu Long đang hoang mang về việc xây cầu Mỹ Thuận. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên, một bác nông dân tại tỉnh V. cho biết, nếu muốn xây được cầu phải tế thần Hà Bá 20 trẻ nam và 20 nữ. Bác cũng tiết lộ tại xã B. có một em bé mất tích, bác đặt nghi vấn có phải việc mất tích đó liên quan đến việc xây cầu không. Chúng tôi loan tin với sự dè dặt thường lệ trong khi chờ xác minh, tuy nhiên cũng nên lưu ý những gia đình có cháu nhỏ nên lưu tâm đến các cháu.”

Báo L. có số độc giả rất đông, báo ra ngày hôm trước, hôm sau dân chúng đồn râm ran, có một bà bị bệnh tâm thần đứng ngoài trường học vẫy tay gọi một em bé… và thế là dân chúng xung quanh xúm nhau đánh bà… đến chết.

***

Báo chí là cạnh tranh, nhưng không vì nhằm mục đích có thông tin nhanh hơn đồng nghiệp, để bài mình viết hay hơn bài bạn bè, để cơ quan ta thu hút nhiều độc giả, khán giả... trội hẳn báo kia, đài nọ, làm cho tiếng nói của chúng ta tác động mạnh đến xã hội và chính trường (hoặc thị trường)… mà đánh đổi cả tính mạng, gây nên những thiệt hại không đáng có. Đó là sự đánh đố giữa nhà báo với... cả xã hội và cả cuộc đời.q

 

  • Tags: