Nghề ca hát xưa và nay

Nghệ sĩ ca hát ngày xưa luôn phải chịu số phận hết sức cay nghiệt. Không được xếp loại trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) nên họ bị gọi là “xướng ca vô loại” (ca hát không thể xếp loại), nghĩa là

Có thể hiểu nguyên nhân của sự coi khinh này là vì nghệ sĩ ca hát luôn phải đóng hết vai này đến vai khác nên quan niệm Nho giáo phong kiến cho là không chính danh. Mà đã không chính danh thì không được coi trọng. Mãi cho tới ngày nay trong tiếng Việt vẫn còn danh từ “vai tuồng” hàm ý mỉa mai sự không chính danh này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong cái nhìn cay nghiệt đó, người nghệ sĩ đã biết khắc kỉ để vươn lên. Cũng thật dễ hiểu vì thời đó nghệ thuật ca hát luôn phải đối diện với phê bình rất khắt khe. (Chính vì vậy mà cho tới ngày nay người ta vẫn dùng hình ảnh chiếc roi ngựa để chỉ nhà phê bình). Trong mỗi vở diễn, dưới sân khấu luôn có người cầm chầu mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang để công khai phê bình. Đó là người lớn tuổi, được chọn lựa kĩ lưỡng, không chỉ sành sỏi về nghệ thuật ca diễn mà cả về tuồng tích nên có thể dùng trống chầu để công khai tán thưởng hay quở phạt từng câu ca, cử chỉ, nét mặt của mỗi nghệ sĩ. Để tán thưởng thì ông cầm dùi đánh mạnh vào mặt trống “tùng…” rồi ném thẻ bài lên sân khấu; ngược lại muốn nhắc nhở, trách phạt thì ông đánh mạnh vào tang trống “cắc…”. Cuối vở diễn, người ta sẽ căn cứ vào số thẻ bài nhặt được trên sân khấu mà thưởng tiền tương ứng cho từng nghệ sĩ. Cách phê bình này công khai, vừa thẳng thắn vừa tế nhị nên có tác dụng tán dương và uốn nắn nghệ sĩ rất lớn.
Thế nhưng, gần đây, cùng với đà đi xuống của Nho giáo, nghệ sĩ ca hát đã không những khẳng định được vai trò của mình mà còn vươn lên trở thành “ngôi sao”, tượng trưng cho danh vọng. Thân phận “xướng ca vô loại” ngày xưa nay đã đổi thành “xướng ca vô… tiền”!

Chính vì vậy mà những nghệ sĩ ca hát nổi tiếng ngày nay đã vượt khỏi vai trò của họ để trở thành đối tượng ngưỡng mộ của không chỉ lớp trẻ mà cả quần chúng rộng lớn, thành người định hướng không chỉ về nghệ thuật mà thậm chí cả về thẩm mĩ, lối sống và rộng hơn là văn hoá, bất chấp họ có đủ cái tầm đó hay không. Các tập đoàn quảng cáo đã nắm bắt được xu hướng này để mời ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng tham gia nhiều chương trình quảng cáo, trong đó có không ít quảng cáo kiểu mới nhân danh hoạt động “quan hệ công chúng” (Public relations  PR).

Một nhà nghiên cứu văn hoá lớn đã từng than phiền rằng lớp trẻ bây giờ hâm mộ ca sĩ, diễn viên, người mẫu chứ ít quan tâm tới các nhà tư tưởng, nhà khoa học. Sự lệch lạc về lòng ngưỡng mộ đó cho thấy lớp trẻ đang có vấn đề chăng?

Điều đáng buồn là có một số ca sĩ bây giờ cạnh tranh nhau không phải bằng ca diễn mà bằng lực lượng người hâm mộ (fan), dẫn tới việc thuê mướn thanh thiếu niên đóng vai người hâm mộ để kêu gào tán thưởng mỗi khi ca sĩ ấy bước ra sân khấu. Một số ca sĩ còn trơ trẽn nhắc nhở lực lượng hâm mộ của mình và khán giả vỗ tay tán thưởng mỗi khi hát xong một câu: “Vỗ tay lên nào các bạn ơi!”.

Bên cạnh những ca sĩ, nghệ sĩ chân chính cống hiến hết mình cho nghệ thuật lại có một số dường như cảm thấy bất lực trước nghệ thuật và cuộc cạnh tranh gay go với đồng nghiệp nên đã quyết định sử dụng đến… vũ khí tự có bằng cách ăn mặc hở hang, khêu gợi để thu hút sự chú ý của công chúng. Thậm chí nhiều người trong số họ còn thi nhau chụp cả ảnh khoả thân (nude) và phim sex tung lên mạng nhằm tạo xì-can-đan để được… nổi tiếng, nhiều trang điện tử cũng theo đó để lấy số truy cập! Những chiêu lăng-xê thế này khiến cho người đời thêm suy ngẫm về nghề xướng ca thời trước và bây giờ.

Chỉ một việc thăng trầm của nghề ca hát cũng có thể cho thấy sự đổi thay của cả xã hội.
  • Tags: