Làng đồng nát
Nằm ngay sát quốc lộ 21A, làng Động Nhất – xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là một trong những ngôi làng độc đáo của nước ta, một thời đã là làng Đồng Nát. Như bao làng quê khác, Động Nhất có nghề chính là làm ruộng. Người ngày càng nhiều lên mà đất chẳng sinh sôi, việc tìm nghề phụ là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế gia đình của nhiều làng, nhiều xã. Trong khi nhiều làng xã tìm đến các nghề phụ như đan chiếu, dệt cói, trồng dâu, nuôi tằm... thì dân làng Động Nhất tìm đến nghề đồng nát. Nghề đồng nát ra đời khi nào chẳng ai hay, ông tổ của nghề là ai chẳng người nào rõ, chỉ biết lớp con cháu hậu duệ sau này nói rằng, nghề đã có từ thời cha ông về trước. Đánh dấu bằng việc nhà nhà tham gia nghề đồng nát, trong một quãng thời gian dài, nghề đồng nát nơi đây phát triển khá mạnh mẽ. Cuộc sống của các gia đình làm nghề chưa thể nói là dư dả, song tạm bớt đi khó khăn so với việc chỉ đơn thuần trông chờ vào cây lúa. Năm, bảy năm trở lại đây, số người làm nghề đồng nát trong làng vãn dần, vì giờ không chỉ có dân làng Động Nhất mà còn có không ít dân làng khác trong tỉnh tham gia vào việc thu mua đồng nát. Lượng đồng nát thu gom được quanh huyện, tỉnh ít hẳn, lời lãi có được chẳng bao nhiêu. Hiện thời, trong làng chỉ còn khoảng 9-10 nhà làm nghề. Số người này vẫn theo được nghề, một phần vì có trong tay chút ít vốn, một phần vì nhà gần vị trí giao thông thuận lợi.
Gia đình anh M. là một trong số ít gia đình còn lại ở làng Động Nhất làm nghề buôn đồng nát. Đi bộ đội năm 1970, năm 1981 anh M. về mấc sức. Nhà chỉ có hơn mẫu ruộng, nhưng lại có tới 5 đứa con đang ăn học. Chẳng thể xin việc ở đâu, anh M. đành theo nghề đồng nát của cha ông. Có trong tay dăm ba chục triệu đồng vốn, anh M. bỏ hẳn công việc trực tiếp thu mua đồng nát lẻ quanh vùng chuyển sang buôn đồng nát, trở thành một ông chủ nhỏ. Dù là cùng buôn đồng nát, nhưng mỗi gia đình trong làng chỉ buôn chuyên một loại. Nhà chuyên buôn nhôm, nhà chuyên buôn vỏ chai, nhà chuyên buôn vỏ hộp giấy... Những loại khác cũng vẫn thu mua nếu gặp khách nhưng chỉ gọi là, gom được nhiều mới bán lại cho mối khác. Gia đình anh M. chuyên buôn nhôm, đồng từ những người mua gom đồng nát lẻ quanh vùng. Từ hơn 20 năm nay, kể cả lúc trở thành chủ nhỏ, ngày nào vợ chồng anh cũng dậy từ 7 giờ sáng túc trực để mua lại và phân loại phế liệu. Lúc thấy được giá, anh chị cũng không bỏ qua mấy chiếc vỏ chai, dăm kg giấy ít ỏi. Thậm chí nếu có lời, anh chị còn mua lại hàng của các chủ buôn khác quanh vùng, rồi dùng xe công nông chở về bãi của mình tích lại, chờ các chủ buôn lớn ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh đến. Để có vốn quay vòng, ngoài số vốn của mình, anh chị phải vay ngân hàng thêm trăm triệu đồng. Trước đây, số người buôn ít, số người mua lẻ đồng nát nhiều, mỗi kg nhôm đồng mua vào bán ra lãi vài ngàn đồng. Bây giờ thì ngược lại, hàng thành phẩm của Trung Quốc như nồi xong... giá rẻ, tràn vào đẩy giá phế liệu còn khả năng tái xuất xuống, mỗi kg nhôm, đồng trừ chi phí vận chuyển, trả lãi xuất vay ngân hàng chỉ còn được 100-200 đồng. Hàng tháng, nếu may mắn, gia đình anh M. kiếm được 5-6 triệu đồng lãi, còn thường chỉ được 2-3 triệu đồng. Tháng nào không may mua nhiều, chưa kịp bán, giá đã hạ thì tháng đó coi như làm không công. Và tình trạng đó cứ tiếp diễn mãi như thế cho đến khi giá lên nếu không bán tháo đi chịu lỗ.
Nghề buồn đồng nát không chỉ có sự vất vả, rủi ro mà còn là một nghề nguy hiểm. Trong số phế liệu mua lại với số lượng lớn, nhiều khi có cả những viên đạn cỡ lớn, những cát-tút còn nguyên hạt nổ, những quả bom, mìn còn nguyên ngòi nổ. Để tận dụng các phế liệu này, nhiều người liều lĩnh tự tháo bỏ thuốc nổ, ngòi nổ. Số người biết ít nhiều về kỹ thuật quân sự như anh M. (do có thời gian trong quân ngũ) rất ít. Không ít người đã chết hoặc tàn tật suốt đời do tháo bỏ ngòi nổ, thuốc nổ.
Ước mơ của người đồng nát
Anh M. kể cho tôi nhiều, rất nhiều về nghề đồng nát chuyện vui thì ít, chuyện buồn thì nhiều. Giọng anh buồn buồn, kể chuyện mà như đang tâm sự với chính mình: “ Đời cha đã khổ, nhưng không thể để đời con cùng cực. Chúng tôi không có nghề nghiệp nên phải đi theo nghề đồng nát của cha ông. Giờ một đứa con tôi đang học Trung cấp Y, một đứa đang ôn thi Đại học. Chừng nào còn điều kiện, chúng tôi vẫn cố gắng cho các cháu được học đến nơi đến chốn để có thể được làm nghề khác” .
Làm nghề đồng nát như anh M. chủ yếu ngồi nhà phân loại phế liệu, luôn có trong tay vài chục triệu đồng vốn quay vòng còn nhàn hạ chán so với những người thu mua đồng nát lẻ. Không giống những người như anh M., do thường xuyên phải rong ruổi khắp các đầu làng cuối phố, người mua đồng nát lẻ thường xuyên phải che mặt bằng khăn để tránh đi những nắng gió bụi đường. Họ cứ đi, đi mãi chừng nào mua gom đầy quang gánh, bao tải thì về bán lại cho các mối buôn. Những hôm không may mắn, thu mua chẳng được bao nhiêu thì đó cũng là lúc họ phải bỏ tiền dành dụm được trước đó ra để chi trả cho những bữa cơm dè xẻn 1.500-2.000 đồng và những giấc ngủ tạm bợ ở những nhà trọ tập thể bình dân giá 1.000-2.000 đồng/tối. Nếu những ngày không may kéo dài, họ đành phải tham gia cùng với những người bới rác để gắng sống qua ngày.
Tình cờ, tôi gặp một phụ nữ mua đồng nát đang bới rác nhặt ni lông, vỏ hộp cát tông tại mấy thùng rác gần nhà. Lân la hỏi chuyện, chị kể:... Chị ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ra Hà Nội làm nghề đồng nát đã 2 năm nay. Con chị, hai đứa sinh đôi đang học lớp 11. Chị ra Hà Nội lúc đầu thường chờ ở “chợ người” đầu phố Giảng Võ, nhận dọn dẹp vệ sinh cho những ai thuê. Sau tình cờ gặp một người đồng hương làm nghề đồng nát. Thấy người này có thu nhập ổn định hơn, chị cũng xin đi cùng, ban đầu là học hỏi, sau tự đi một mình, mỗi tháng cũng để dành ra được 200.000 – 300.000 đồng gửi về nhà. Nhưng tuyệt đối giấu kín nghề mình đang làm, đi làm không bao giờ chị quên khăn che mặt. Hai năm ở Hà Nội, chị mới chỉ về thăm nhà có hai lần vào dịp tết. Chị nói: “Tôi muốn tiết kiệm tiền rồi vay mượn thêm đâu đó, để vài năm nữa về nhà có thể mở một điểm thu mua đồng nát. Như vậy sẽ đỡ vất vả và có thu nhập cao hơn. Ban đầu có lẽ cũng chỉ với qui mô nhỏ thôi, còn sau nếu thuận lợi tôi sẽ phát triển thêm. Nhưng nếu làm ăn có thuận lợi đến mấy thì tôi cũng không cho con tôi theo làm nghề này”. Rồi giọng chị bỗng trở nên đau xót lạ lùng: “ Anh xem, đến gái điếm hoàn lương cũng chẳng đứa nào chọn nghề này!”. Trong đôi mắt rất đẹp và buồn của chị hiện lên một nỗi buồn sâu thẳm.