Sinh năm 1948, ở vùng quê nghèo Kiến Cồn – Hải Hậu – Nam Định, học hết cấp một ở quê, bắt đầu cấp hai Lại Diễn Đàm bắt đầu theo gia đình lên Hà Nội. Nghề nhiếp ảnh là do anh tự học. Anh kể: mới đầu mình chỉ chơi ảnh, sau đó vì sự đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, mình thường xem ảnh qua các báo và các tạp chí để học cách chụp ảnh.
Vì có duyên với nghề nhiếp ảnh, nên anh sớm được tiếp xúc với các nghệ sĩ nhiếp ảnh đàn anh, các nghệ sĩ bậc thầy như nghệ sĩ Mai Nam với bức ảnh “cảnh giác” chụp một đàn gà đứng bên ụ pháo, đã gây ấn tượng sâu sắc trong tư duy nhiếp ảnh của anh sau này. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định là một nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu năm, là người đã theo Bác Hồ suốt quá trình hoạt động của Bác trong kháng chiến chống Pháp, ngoài ra, một số nghệ sĩ cao tuổi khác như: nghệ sĩ Võ An Ninh, nghệ sĩ Đỗ Huân cũng là những tấm gương soi đường để anh học tập.
Anh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng mỹ thuật, nhiều kiến thức về hội họa và nhiếp ảnh đã quây tụ lại trong tâm trí người thanh niên Nam Định. Trong từng tác phẩm nhiếp ảnh của anh đều có bố cục gọn gàng, gam màu có sự tương hỗ, phân chia đối xứng cân đối, anh luôn biết kết hợp giữa bố cục với ánh sáng hài hòa, tạo ra những mảng màu bắt mắt người xem, xem mãi mà không chán. Đó là một thành công khởi đầu đối với nghề nhiếp ảnh sau này của anh.
Từ năm 1972 đến năm 1992, anh đã từng là phóng viên nhiếp ảnh của ngành Thương mại, 20 năm làm nghề phóng viên ảnh đủ để anh trở thành bậc đàn anh trong lĩnh vực nhiếp ảnh của thể hệ trẻ bây giờ.
Năm 1990, lần đầu tiên Lại Diễn Đàm được giải thưởng nhiếp ảnh với tác phẩm “quần tụ”, khi đó anh chụp một đàn vịt đang bơi ở dưới dòng kênh. Tác phẩm này, anh đã được giải ba của cuộc thi nhiếp ảnh Hà Nội. Anh kể cảm giác của anh lúc đó thật khó tả, hồi hộp, sung sướng, lâng lâng và nó cứ dâng trào trong tâm hồn anh. Chính phần thưởng đó đã giúp anh rất nhiều để rồi tiếp sau đó là một loạt tác phẩm được giải trong nước và quốc tế.
Năm 1992, anh được kết nạp và Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1994, anh được Huy chương Đồng tại cuộc thi ảnh phụ nữ quốc tế ở Liên Xô. Năm 1995, với tác phẩm “Hoa Lộc Vừng” anh đã đạt giải xuất sắc.
Tại cuộc trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ nhất của Bộ Văn hóa – Thông tin, anh đã có sáu tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày. Năm 1997, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm lại có tác phẩm “Làm miến”. Sau một năm, là tác phẩm “Nữ sinh viên”. 2 tác phẩm này đều đoạt giải xuất sắc. Tới nay, các tác phẩm nhiếp ảnh của anh đã đạt hàng trăm giải thưởng các loại. Đặc biệt trong đó có nhiều giải quốc tế: Giải AFPO của Nhật, anh được giải 3 năm liền với Huy chương Đồng, Huy chương Bạc, Huy chương Vàng. Ngoài ra, anh còn nhiều tác phẩm được giải quốc tế khác như ở Tây Ban Nha, Braxin, Đan Mạch...
Tâm sự với tôi anh nói: Tôi tâm đắc nhất là giải nhiếp ảnh ở Nhật, tôi học được nhiều điều ở đó. Năm 2003 với tác phẩm “ra thăm đồng”, tôi đã đạt Huy chương Vàng, cũng chính tác phẩm này đã đoạt nhiều giải trong nước và quốc tế.
Tác phẩm “Thung lũng Tả Vạn” của anh đạt Huy chương Bạc tại Tây Ban Nha, Huy chương Đồng tại Hungari, Huy chương Đồng tại Hồng Kông. Tác phẩm này, năm 2004 được bầu chọn là một trong 100 kiệt tác nhiếp ảnh của Việt Nam. Đến nay, anh đã có trong tay danh hiệu EPIAP “nhà nhiếp ảnh xuất sắc”, quốc tế, và EVAPA của Việt Nam.
Nhà kinh doanh
Không chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, anh còn là một nhà kinh doanh giỏi trong lĩnh vực hậu kỳ video, quay phim video, chụp ảnh phòng, bán ảnh...
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào nghề nhiếp ảnh, anh đã từng cầm máy, chụp ảnh dịch vụ để kiếm tiền nuôi gia đình. Anh đã từng một thời cầm máy chụp ảnh dịch vụ, ảnh đám cưới, sinh nhật, lễ hội... lấy tiền nuôi vợ con. Những lúc khó khăn nhất, anh vẫn kiên trì theo nghề để đảm bảo cuộc sống... Anh có một tình yêu nghề, ý chí vươn lên trong cuộc sống, không ngừng học hỏi. Đến nay, anh đã có một cơ ngơi khang trang tọa lạc tại phố Đinh Liệt Hà Nội.
ở tại nhà riêng của anh, nay đã có phòng chụp, có đội ngũ nhiếp ảnh và quay phim video thành thạo để phục vụ khách hàng. Hơn thế nữa, anh đã có một Gallery tại nhà, chuyên bày các tác phẩm nhiếp ảnh của anh để bán cho khách trong nước và cả người nước ngoài.
Khi tôi hỏi anh về thu nhập hàng tháng của anh tại cửa hàng, anh nhìn tôi rồi cười... Lúc sau anh nói; mọi công việc về nhiếp ảnh bây giờ đã bão hòa, nhu cầu người dùng ảnh, chơi ảnh cũng không tăng nhiều. Ngược lại, đội ngũ làm nghề nhiếp ảnh những năm gần đây tăng lên khá đông, tạo ra sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực.
Khách hàng của anh phần lớn là những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, khách du lịch cũng rất thích phong tục tập quán của người Việt. Chính vì thế mà những tấm ảnh sinh hoạt đời thường của người dân nước Việt Nam rất dễ bán.
“Anh cảm thấy rất thỏa mãn với phương pháp kinh doanh mới của mình. Và dĩ nhiên, bán được ảnh thì thu nhập sẽ cao hơn mức thu nhập của người làm nghề nhiếp ảnh dịch vụ...”, anh cười...
Hơn thế, anh đã mở một trang website để có thể giới thiệu ảnh của mình thông qua mạng internet./.