Nghiệm thu một số mô hình sản xuất nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo tại các xã Pu Nhi, Nong U, Điện Biên Đông

Ngày 13/12/2024, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã họp xét, nghiệm thu Dự án khoa học và công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại các xã: Pu Nhi, Nong U, huyện Điện Biên Đông”.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại các xã: Pu Nhi, Nong U, huyện Điện Biên Đông” được triển khai từ tháng 8/2020, do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Điện Biên chủ trì, kỹ sư Trần Thị Thanh Hòa làm chủ nhiệm với mục tiêu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng lực, trình độ thâm canh tăng năng suất, chất lượng tại xã Pu Nhi và xã Nong U.

Sau 04 năm triển khai cơ quan chủ trì thực hiện đề tài đã đáp ứng được mục tiêu và nội dung đề ra. Trên cơ sở khoa học từ phân tích mô hình, khảo sát và phân tích thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng mô hình trồng cây lê quy mô 06ha địa điểm xã Pu Nhi và xã Nong U huyện Điện Biên Đông; xây dựng mô hình nuôi ghép 5 loại cá (Rô phi, trắm, chép, trôi, mè) quy mô 04 ha địa điểm xã Pu Nhi và xã Nong U huyện Điện Biên Đông; xây dựng mô hình trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi quy mô 01 ha địa điểm xã Pu Nhi và xã Nong U huyện Điện Biên Đông; đào tạo 4 kỹ thuật viên, tập huấn 200 lượt người dân 2 xã tham gia và nắm được kiến thức để nhân rộng mô hình.

Điện Biên
Ông Vũ Xuân Linh- Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ tịch hội đồng chủ trì Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng thảo luận và nhất trí đánh giá: cơ quan chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện và hoàn thành các nội dung theo Hợp đồng đã ký kết, Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong báo cáo tổng kết, như: đưa nội dung báo cáo thực trạng thực hiện các mô hình vào báo cáo tổng kết, hiệu quả kinh tế cần bổ sung giá thị trường và đánh giá tính hiệu quả, đánh giá tính nhân rộng và phát triển mô hình, khuyến cáo đối với người dân trong từng thời điểm chăm sóc đối với từng mô hình, tiếp tục tuyên truyền kết quả của đề tài để lãnh đạo địa phương và người dân quan tâm nhân rộng mô hình.

Kết quả của dự án góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân tộc tại chỗ như kỹ thuật canh tác cây trồng, giúp cho nông dân biết sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật nhằm giúp cho các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất gia đình và khai thác tiềm năng của vùng tạo ra sản phẩm có giá trị. Sự thay đổi tập quán sản xuất sẽ góp phần giảm thiểu sự xói mòn đất, khai thác các loại cỏ tự nhiên quá mức, dịch bệnh của gia súc và ô nhiễm môi trường từ chất thải gia súc.

Ngoài ra, kết quả Dự án góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng từ đó sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Việc đẩy mạnh sản xuất bằng việc ứng dụng khoa học và công nghệ giải quyết được vấn đề khai thác cạn kiệt tài nguyên cho mục đích phát triển và phù hợp điều kiện môi trường. Mô hình trồng 06 ha lê và 01 ha trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh hiệu quả nâng cao đời sống cho người dân thì 02 mô hình này cũng góp phần chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế lũ lụt giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.

Hoa Lê