Thông tin chung đề tài:
Lĩnh vực: Công nghiệp Tiêu dùng
Mã đề tài:
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hiền1, Nguyễn Thị Phương Thanh1, Tạ Thanh Tùng1, Võ Thành Lê1, Phạm Đức Thắng1, Xuân Thị Thoa1, Lê Mạnh Anh2
Đơn vị: (1) Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô.
(2) Công ty cổ phần Giấy Vạn Điểm.
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu:
- Nghiên cứu lựa chọn giá thể MBBR phù hợp với điều kiện nước thải giấy bao bì;
- Nghiên cứu xác định các điều kiện công nghệ vận hành hiệu quả;
- Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ xử lý hiếu khí ứng dụng công nghệ MBBR;
- Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải bể sinh học hiếu khí và hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ MBBR.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Đề tài sẽ góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tại bể xử lý sinh học hiếu khí. Đồng thời nâng cao hiệu quả xử lý của toàn hệ thống, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Là cơ sở để các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô vừa và nhỏ hướng tới việc ứng dụng công nghệ MBBR vào thực tiễn để cải thiện và nâng cao chất lượng nước thải sau khi xử lý, đáp ứng được các tiêu chuẩn xả thải hiện hành.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Đã thiết kế, lắp đặt được 01 bộ mô hình thiết bị và vận hành thử nghiệm thành công hệ thống pilot ứng dụng công nghệ MBBR xử lý nước thải nhà máy giấy bao bì công suất 5 lít/giờ. Chất lượng nước sau xử lý của toàn hệ thống đạt tiêu chuẩn xả thải theo QCVN 12:2015/BTNMT (cột A).
Đã xây dựng thành công quy trình công nghệ xử lý hiếu khí nước thải giấy bao bì ứng dụng công nghệ MBBR đạt tiêu chuẩn xả thải (QCVN 12:2015/BTNMT, cột A).
Đã tiến hành ứng dụng thử nghiệm xử lý nước thải của nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp và đánh giá được hiệu quả xử lý của bể sinh học hiếu khí và hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ. Hiệu quả xử lý đối với BOD, COD và TSS lần lượt là 88,37%; 85,54% và 89,15%. Hiệu suất lớn nhất đều đạt >90%.
Giá trị ứng dụng
Công nghệ MBBR được sử dụng để hỗ trợ cho sự phát triển vi sinh vật đồng thời là công nghệ xử lý linh hoạt, nhỏ gọn dễ vận hành. Hơn nữa, công nghệ MBBR không sử dụng hóa chất và các dẫn xuất hóa chất do đó không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn nâng cao hiệu quả xử lý. So với các hệ thống xử lý sinh học thông thường khác như hệ thống lọc phun hay đĩa lọc sinh học (RBC), lọc đệm cố định ngập nước thì công nghệ MBBR có thời gian xử lý ngắn hơn, chiếm ít diện tích hơn. Với những thông tin về tính chất nước thải nhà máy giấy có nồng độ ô nhiễm COD cao thì ứng dụng công nghệ MBBR là phù hợp.
Hơn nữa, đối với các nhà máy giấy đã hoạt động khoảng 5 năm trở về trước, đa số hệ thống xử lý nước thải được thiết kế, vận hành với hiệu quả chưa cao. Để đạt được các tiêu chuẩn thải cột A, các nhà máy thường xây dựng nhiều bể sinh học (xử lý nhiều bậc) ít nhất là 3 bể, chi phí vận hành tốn kém. Đối với những nhà máy có diện tích đất hạn chế, hệ thống xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Hiểu được thực trạng của ngành giấy đang gặp phải, tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới, việc bổ sung giá thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành lớp màng sinh học là giải pháp gia tăng vi khuẩn sinh bào tử trong nước, nâng hiệu quả xử lý nước thải và cần được triển khai nhân rộng.