Sắp phát hành thêm hơn 564 triệu cổ phiếu CTG để trả cổ tức
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Ngân hàng VietinBank, mã cổ phiếu CTG - sàn HoSE) vừa công bố thông tin Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Theo đó, Ngân hàng VietinBank dự kiến sẽ phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ cổ tức được ấn định tại mức 11,7415%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu CTG sẽ được nhận thêm 117 cổ phiếu CTG mới. Dự kiến thời gian chi trả cổ tức là trong quý 4/2023.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của Ngân hàng Vietinbank sẽ tăng thêm gần 5.643 tỷ đồng, từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng. Ngân hàng Vietinbank cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Ngoài kế hoạch tăng vốn này, Ngân hàng VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng này muốn dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành dự kiến là hơn 1,2 tỷ cổ phiếu CTG. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng cao, rủi ro tín dụng thấp
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm. Kết quả kinh doanh tích cực của Ngân hàng VietinBank chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung toàn ngành.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng VietinBank đạt 6,6%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cao hơn mức 4,7% trung bình ngành. Tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng trên 8% so với thời điểm cuối năm 2022; trong khi đó, mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng chỉ đạt mức 5,33%.
KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định, với tình hình kinh tế cải thiện, chi phí vốn đầu vào giảm và lợi thế về quy mô, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Vietinbank trong nửa cuối năm nay hoàn toàn có thể đạt mức 12%.
Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng VietinBank đạt 1,27%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý 1/2023, và là một trong các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tốt nhất trong nửa đầu năm nay.
Theo KBSV, mặc dù Ngân hàng VietinBank vẫn chịu áp lực trích lập dự phòng trong nửa cuối năm nay khi nợ nhóm 2 tính đến cuối quý 2/2023 ở mức cao (đạt 2,59%, giảm 9 điểm phần trăm so với quý 1/2023), nhưng ngân hàng này có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt tới 168% (cao thứ 2 toàn ngành). Do đó, Ngân hàng VietinBank vẫn có đủ dư địa để linh hoạt trong việc điều chỉnh trích lập dự phòng cũng như xử lý nợ trong nửa cuối năm nay.
KBSV hiện dự báo, với giả định tăng trưởng tín dụng cả năm nay đạt 12%, Ngân hàng VietinBank có thể ghi nhận thu nhập lãi thuần 52.700 tỷ đồng và lãi ròng vượt 17.600 tỷ đồng trong cả năm nay, lần lượt tăng 10,4% và tăng 4,7% so với mức thực hiện cả năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ NIM cả năm 2023 của ngân hàng này có thể đạt 2,87%, chỉ giảm nhẹ so với mức 2,98% của năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 5/10, thị giá cổ phiếu CTG đạt 28.100 đồng/cổ phiếu, gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm nay.